Câu 1
Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời.
- Đọc lại văn bản Thần trụ trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12)
- Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện.
- Thời gian: Phiếm chỉ, lúc chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người.
- Không gian: Vũ trụ rộng lớn bao gồm trời và đất.
- Sự kiện chính: Thần trụ trời phân khai trời đất.
+ Dùng đầu đội trời; đào đất, đá đắp thành cột chống trời.
+ Trời, đất chia làm hai; phá cột chống trời ném đi mọi hướng tạo thành núi non, biển cả, hòn đảo hoặc cao nguyên.
+ Xuất hiện Ngọc Hoàng và các thần trông coi trời đất, kiến thiết ra thế giới.
Câu 2
Vũ trụ thuở sơ khai được hình dung như thế nào trong truyện Thần Trụ Trời?
- Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12)
- Chú ý vào những từ ngữ miêu tả vũ trụ thuở sơ khai.
- Chi tiết miêu tả vũ trụ thủa sơ khai: "Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo”, "Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu” ...
→ Hình ảnh vũ trụ hỗn độn, tối tăm, trời đất chưa tách rời nhau là cách hình dung về thuở sơ khai rất phổ biến trong thần thoại suy nguyên của nhiều dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
Câu 3
Vì sao Thần Trụ Trời lại được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ?
- Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12).
- Tìm từ ngữ miêu tả hình dạng của Thần Trụ Trời, đặt Thần Trụ Trời vào mối liên hệ với vũ trụ.
- Vận dụng kiến thức về văn học dân gian để trả lời câu hỏi.
- Trong thần thoại suy nguyên, mỗi vị thần có một chức năng riêng: nhận thức, lí giải các hiện tượng tự nhiên hoặc những tập tục, thói quen, hành vi của cộng đồng. Vì vậy, hình dạng của nhân vật thần thường có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá.
- Thần Trụ Trời được miêu tả để thể hiện quan niệm, sự sáng tạo của người xưa về vũ trụ. Chỉ với hình dạng khổng lồ, kì vĩ và sức mạnh siêu nhiên thì thần mới có đủ khả năng tách riêng trời đất, cứu tạo ra thế giới.
Câu 4
Nêu nhận xét về cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của Thần Trụ Trời.
Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12).
Rút ra nhận xét về cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của Thần Trụ Trời.
Cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của Thần Trụ Trời đang còn đơn giản với lối tư duy hồn nhiên, chất phác, non nớt của người nguyên thuỷ. Họ không dựa vào các tri thức khoa học mà chủ yếu là tự tưởng tượng ra để kể về vũ trụ và muôn loài.
Câu 5
Phân tích hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo để thấy nhận thức của người xưa về thế giới.
Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12).
Vận dụng kiến thức về thần thoại để trả lời câu hỏi.
- Vũ trụ sau khi được kiến tạo: Trời đất tách làm đôi, hình thành sông, núi non, hòn đảo, cao nguyên, cồn đồi, biển cả. Xuất hiện ngày càng nhiều các thần linh cai quản sự sống trên trái đất.
- Từ việc vũ trụ được kiến tạo thể hiện sự cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống xã hội, thể hiện niềm tin của con người cổ sơ cũng như khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên được gửi gắm qua hình tượng Thần trụ trời. Mặc dù cách giải thích mang tính chất thô sơ, nhận thức thế giới bằng biểu tượng nhưng cũng chứa đựng trong đó sự sáng tạo của con người cổ đại.
Câu 6
Tìm những lời kể mang tính suy nguyên và phân tích chức năng cụ thể của chúng trong truyện Thần Trụ Trời.
- Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 1(tr. 11-12).
- Tìm những lời kể mang tính suy nguyên có trong văn bản.
- Vận dụng kiến thức về thần thoại suy nguyên để rút ra chức năng cụ thể.
- Lời kể mang tính suy nguyên:
+ “ Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu, đến một hôm bỗng đứng dậy dùng đầu đội trời lên rồi đào đất, đắp đá thành một cái cột vửa to vừa cao để chống trời…Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái báp úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời.”
+ “Khi bầu trời đã cao vừa ý và đã khô cứng rồi, không hiểu sao thần lại phá cột đá đi. Thần ném vung đá và đất đi khắp mọi nơi mọi chỗ. Mỗi hòn đá văng ra bấy giời thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung toé mọi nơi thành cồn đồi, thành cao nguyên”.
+ “ Chỗ thần đào lên để lấy đất đá đắp cột bây giờ là biển cả”.
- Chức năng của lời kể mang tính suy nguyên trong truyện Thần Trụ Trời:
+ Nhằm giải thích sự hình thành thế giới tự nhiên: Quá trình phân tách trời và đất.
+ Phản ánh quá trình sáng tạo văn hoá của con người trong thời kì cổ đại.
+ Thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên.