Sự kiện chính trong văn bản là gì? Sự kiện đó được quan sát từ điểm nhìn nào? Cách sử dụng điểm nhìn đó có tác dụng gì?
Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 121 – 123) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Tìm các chi tiết miêu tả người trần thuật xưng “tôi” trong văn bản. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm gì của người trần thuật xưng “tôi”?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Xác định các chi tiết miêu tả người trần thuật xưng “tôi” trong văn bản.
- Từ đó, rút ra đặc điểm của người trần thuật xưng “tôi”.
Các chi tiết miêu tả người trần thuật xưng “tôi” gồm có:
– Các chi tiết mang tính chất tự thuật như: “hai mươi tám ngày trong quân ngũ; “dọc đường hành quân”; “còn mình, sẽ đi về phương Nam..”; “sống trên hai mươi ngày bên hồ cá Yên Duyên, Yên Sở”...
– Các chi tiết miêu tả cảm xúc, cảm giác như: “thèm quá, nghe một tiếng thì thào của cánh gió trên đôi bạch đàn, “mình không dám nước mắt giàn giụa”; “rối loạn, và thoảng một thứ mùi khó chịu”; “mình không dám đứng lâu và đành chịu một nỗi ân hận giày vò..”; “vui sướng, tự hào, cảm động làm sao khi trên người ta là bộ quân phục xanh màu lá”;“sung sướng và hãnh diện biết bao”;“ta bước nhẹ, lâng lâng một mùi hương quen thuộc”;...
→ Nhằm xây dựng nên hình tượng người trần thuật là một người lính trẻ đã sẵn sàng rời bỏ giảng đường đại học để lên đường nhập ngũ, với rất nhiều cảm xúc vừa xúc động, tự hào, háo hức, tràn đầy niềm tin vào lí tưởng, vừa bâng khuâng, lưu luyến khi phải chia tay những gì thân thuộc, gắn bó nhất của mình.
Câu 2
Sự kiện chính trong văn bản là gì? Sự kiện đó được quan sát từ điểm nhìn nào? Cách sử dụng điểm nhìn đó có tác dụng gì?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Xác định sự kiện chính trong văn bản.
- Xác định điểm nhìn và tác dụng của điểm nhìn đó.
- Sự kiện chính được miêu tả trong văn bản là người lính trẻ lần đầu tiên rời xa giảng đường và người thân, lên đường nhập ngũ.
- Sự kiện đó được quan sát từ điểm nhìn bên trong, điểm nhìn tâm lí.
- Tác dụng: Từ điểm nhìn này, tác giả thể hiện được những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, liên tưởng rất đỗi tinh tế, phức tạp bên trong người kể chuyện xưng “tôi” như cảm giác nghẹn thắt khi lần cuối cùng ngước nhìn cánh cửa sổ, những hoài niệm về giảng đường đại học, cảm giác thân thuộc khi nhìn xóm làng yêu quý đang ngủ yên,...
Văn bản vì thế không chỉ ghi chép lại các sự kiện có thật trong quá khứ, mà còn giúp người đọc hiểu hơn về đời sống tinh thần của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ.
Câu 3
Giọng điệu trần thuật của văn bản có gì đặc biệt? Những yếu tố nào tạo nên giọng điệu trần thuật đó?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Xác định giọng điệu trần thuật của văn bản.
- Nêu những yếu tố tạo nên giọng điệu trần thuật.
- Giọng điệu bao trùm toàn bộ văn bản là giọng điệu hân hoan, háo hức, bâng khuâng, trăn trở của một người lính trẻ lần đầu nhập ngũ.
- Giọng điệu này được tạo nên bởi:
+ Lời độc thoại nội tâm với rất nhiều những trăn trở, tự vấn (“Thế là thế nào?”;“Không biết bao giờ mình sẽ trở lại những ngày như thế”; “Mình đã lớn rồi. Học bao lâu mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu?”).
+ Hình thức câu văn nghi vấn và cảm thán xuất hiện với một tần suất dày đặc trong suốt văn bản (“ở đâu, khuôn mặt thân yêu ấy?”; “Bước lên giảng đường, bạn có nhớ tới mình không?..”;“Xe ơi, lao nhanh hơn, cho ta chóng tới gia đình lớn”;...).
+ Điểm nhìn trần thuật bên trong, cho phép soi tỏ những suy tư, thậm chí cảm giác thoáng qua của người trần thuật.
Câu 4
Các sự kiện, cảm xúc, liên tưởng trong văn bản được sắp xếp, tổ chức theo cách nào?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Xác định sự kiện sự kiện chính và mạch cảm xúc trong văn bản.
- Nhận xét cách tổ chức, sắp xếp các sự kiện và mạch cảm xúc trong văn bản.
+ Tiếng xe nổ máy gợi nên nỗi hoài niệm của quá khứ (“Một hôm nào, những hôm nào mình mong chờ nhìn thấy bạn của mình đạp xe qua”).
+ Vầng trăng trong đêm hành quân gợi nhớ tới cánh buồm đỏ thắm.
+ Ánh đèn pin của đồng đội gợi nhớ tới con dể trong bản nhạc đêm của Pri-sơ-vin (Prishvin), tới người yêu,...
- Việc tổ chức các yếu tố của văn bản theo mạch cảm xúc của người trần thuật xưng “tôi” khiến cho người đọc có thể quan sát lịch sử từ điểm nhìn của cá nhân và chính điều này đã tạo nên sức sống của những trang nhật kí.
Câu 5
Văn bản cho bạn biết thêm điều gì về cuộc sống của thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Chú ý từ ngữ miêu tả cuộc sống và tâm trạng của người lính trong văn bản.
- Từ đó, liên hệ tới cuộc sống của thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Qua những sự kiện, cảm xúc, suy tư của người trần thuật trong văn bản, ta có thể thấy cuộc sống của con người một thời đã qua. Đó là một thế hệ thanh niên sẵn sàng gác bỏ những ước mơ, tình cảm, hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho lí tưởng, tuy sống trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nhưng tâm hồn vẫn rất lãng mạn, bay bổng, đầy mơ mộng và yêu thương.
Câu 6
Thông điệp bạn nhận được từ văn bản là gì? Liệu những thông điệp đó còn có ý nghĩa với đời sống của bạn hay không? Vì sao?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Vận dụng kiến thức, trải nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi.
– Văn bản có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Mỗi con người là một cá nhân với những cảm xúc, cảm giác, số phận riêng, nhưng người ta sẽ sống trọn vẹn nhất đời sống cá nhân mình, hiểu rõ nhất cá nhân mình khi hoà làm một với cộng đồng.
– Văn bản cũng có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ về những lựa chọn trong cuộc sống. Mỗi lựa chọn đều khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ, hi sinh, gợi nhiều tiếc nuối, băn khoăn, nhưng sự can đảm trong lựa chọn sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Những thông điệp như vậy vẫn có ý nghĩa trong đời sống ngày nay, vì đó là những vấn đề phổ quát của nhân loại trong mọi thời đại.
Câu 7
“Anh sinh viên quen màu trắng áo của cánh cò, quen màu xanh da trời tháng nắng... Mình trút bỏ không thương tiếc, và trìu mến khoác lên mình màu xanh ấy. Màu xanh của núi đồi và thảo nguyên, của ước mơ và hi vọng. Màu xanh bất diệt của sự sống”. Bạn nghĩ gì về lựa chọn của người trần thuật xưng “tôi” trong văn bản?
- Đọc lại văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi.
- Chú ý tới lựa chọn của “tôi” trong văn bản.
- Vận dụng kiến thức lịch sử về bối cảnh nước ta lúc bấy giờ để nêu lên ý kiến của bạn về lựa chọn đó.
- Nguyễn Văn Thạc từng là sinh viên năm nhất khoa Toán- cơ trường đại học Tổng Hợp Hà Nội. Nhưng đó cũng là thời gian cuộc Chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới: chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội, chính vì vậy Nguyễn Văn Thạc đã quyết định rời bỏ giảng đường và điền đơn tự nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
- Trong những trang nhật kí Nguyễn Văn Thạc đã thể hiện niềm niềm tự hào khi được tham gia cách mạng, sự hãnh diện khi được khoác lên mình chiếc áo màu xanh. Có thể thấy, đối với anh đây là lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất trong cuộc đời của mình.
→ Đây là một lựa chọn hết sức can đảm, thể hiện tinh thần quyết tâm, sự hy sinh cái tôi cá nhân để hòa vào cái ta chung của tổ quốc của Nguyễn Văn Thạc.
→ Trong bối cảnh đất nước đang diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, lựa chọn đó của Nguyễn Văn Thạc còn có ý nghĩa cổ vũ cho thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: Dám từ bỏ ước mơ, tình yêu, sự nghiệp, dám rời xa gia đình, hi sinh bản thân mình để cống hiến cho tổ quốc.