Những dấu hiệu nào giúp bạn phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật?
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Đông Sơn, trông thì gần, nhưng từ làng tôi đến đẩy phải năm mười cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về.
Tháng Năm âm lịch là mùa gặt. Mẹ tôi, chị Ngữ, chú Phụng với tôi ra đồng từ mờ sáng. Ba người gặt, còn tôi gánh lúa.
Tôi gánh lúa về nhà, đi men theo đường mương. Nắng gắt lắm, ngoài trời có lẽ phải bốn mươi độ. Bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa.
Tôi mơ mộng lắm, hay nghĩ. Bố tôi là thiếu tá, cán bộ trung cấp kỹ thuật hải quân, vẫn đi ra các đảo lắp ra-đa với máy thông tin, mỗi năm về phép một lần. Bố tôi thuộc hết tên các đảo. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi xa khỏi làng. Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người”. Chủ Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”. Nhà chủ Phụng toàn phụ nữ: mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gái. Chú Phụng đùa: “Chủ đẹp giai nhất nhà.”
(Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 423 – 424)
Câu 1
Phân tích điểm nhìn được thể hiện trong đoạn trích trên.
- Đọc lại đoạn trích Như những ngọn gió.
- Xem lại tri thức ngữ văn về điểm nhìn của người kể chuyện.
- Phân tích điểm nhìn được thế hiện trong đoạn trích.
Điểm nhìn được thể hiện trong đoạn trích là điểm nhìn từ người kể chuyện ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi”. Nhân vật này tham gia vào câu chuyện, có quan hệ với các nhân vật khác được nói tới. Hình ảnh làng quê, không khí lao động, đặc điểm của các nhân vật, kể cả tính cách của bản thân đều hiện ra qua cái nhìn của người kể chuyện xưng “tôi”.
Câu 2
Những dấu hiệu nào giúp bạn phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật?
- Xem lại tri thức ngữ văn về lời kể chuyện trong văn bản tự sự.
- Nêu dấu hiệu để phân biệt lời người kể chuyện với lời nhân vật.
Trong đoạn trích, lời nhân vật và lời kể liền mạch với nhau. Tuy nhiên, lời nhân vật chỉ xuất hiện sau từng lời dẫn thoại và được để trong ngoặc kép. Như vậy, các câu được đặt trong ngoặc kép là lời nhân vật, còn lại là lời người kể chuyện.
Câu 3
Lời của người kể chuyện trong đoạn trích đã cung cấp cho người đọc những thông tin gì?
- Đọc lại đoạn trích Như những ngọn gió.
- Xem lại tri thức ngữ văn về lời kể chuyện trong văn bản tự sự.
- Nêu những thông tin của lời người kể chuyện cung cấp cho người đọc trong đoạn trích trên.
Advertisements (Quảng cáo)
Ở đoạn trích này, lời của người kể chuyện cung cấp cho người đọc những thông tin: tên tuổi, xuất thân của chính người kể chuyện; vị trí của làng; thời gian diễn ra các sự kiện; một nét tính cách của “tôi” – người kể chuyện; nghề nghiệp và địa bàn làm việc của bố; một đặc điểm của mẹ. Những thông tin này giúp hình dung cụ thể hơn về các nhân vật và không khí lao động, sinh hoạt ở làng quê.
Câu 4
Đoạn trích này là một phần trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp. Theo bạn, những chi tiết nào ở đoạn trích có mối liên hệ với nhan đề của truyện?
- Đọc lại đoạn trích Như những ngọn gió.
- Xác định nội dung nhan đề Thương nhớ đồng quê.
- Tìm những chi tiết trong văn bản thể hiện mối liên hệ với nhan đề.
Trong đoạn trích, có một số chi tiết liên quan đến nhan đề của truyện Thương nhớ đồng quê như: Tôi và một số thành viên trong gia đình gắn bó với đồng quê; việc gặt lúa cũng như bao công việc nhà nông ở thời điểm khác diễn ra trên cánh đồng quê,...
→ hình ảnh đồng quê hiện lên khá đậm, thể hiện một cảm xúc bình dị mà sâu sắc.
Câu 5
“Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người”. Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”.
So sánh quan niệm của “mẹ tôi” và “chú Phụng” qua lời nói của từng nhân vật. Người kể chuyện thể hiện sự tán thành quan điểm của nhân vật nào?
- Xác định quan niệm của “mẹ tôi” và “chú Phụng”.
- So sánh hai quan niệm của “mẹ tôi” và “chú Phụng”.
- Nhận xét về thái độ của nhân vật “tôi” đối với hai quan niệm đó.
Nhân vật mẹ trong đoạn trích có cái nhìn chất phác, cả tin của một người chưa bao giờ bước chân khỏi làng. Chú Phụng vốn từng trải, đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều nên thấy đời phức tạp hơn. Có lẽ quan niệm của chú Phụng đã được nhân vật người kể chuyện ngầm tán thành, mặc dù thái độ đó không được biểu hiện rõ.
Câu 6
Theo bạn, đoạn trích này nằm ở phần nào của tác phẩm? Dựa vào đâu mà bạn có suy đoán như vậy
- Đọc kĩ đoạn trích.
- Xác định nội dung đoạn trích, chú ý vào nhan đề.
- Dự đoán vị trí của đoạn trích trong tác phẩm.
Theo em, đoạn trích này nằm ở phần đầu của tác phẩm. Vì đoạn trích chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu: giới thiệu về vị trí, cảnh quan của làng, giới thiệu về từng nhân vật, đặc biệt là tự giới thiệu về “tôi” – người kể chuyện ngôi thứ nhất. Những nội dung như thế có vẻ không phù hợp với phần giữa hoặc phần kết, mà chỉ có thể là phần đầu của truyện.