1. Quốc hội
Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật, Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Quyết định những vấn đề cơ bản và quan trọng của quốc gia như mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ, dân tộc, tôn giáo, tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, bầu miễn nhiệm các chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp quy định, quyết định đại xá, quyết định các vấn đề chiến tranh và hòa bình, tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia, quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, quyết định trưng cầu ý dân…
2. Chủ tịch nước
Chủ tịch nước công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quan trọng của nhà nước như Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định đặc xá; Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phong hàm, cấp đại sứ, quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.
3. Chính phủ
- Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền theo luật định; Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tổ chức bộ máy; đơn vị hành chính theo thẩm quyền; Thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực trong xã hội; Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; Thực hiện quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; Lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang hàng bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài; Phối hợp với ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
- Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Advertisements (Quảng cáo)
- Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chinh và thống nhất.
5. Chính quyền địa phương
- Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do các luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và ở mỗi cấp chính quyền địa phương.
- Trong trường hợp cần thiết; chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.
6. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước
- Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lí, sử dụng tài chính, tài sản công.