Trang chủ Lớp 10 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 - Cánh diều Lý thuyết Bài 20: Hệ thống pháp luật Việt Nam Giáo dục...

Lý thuyết Bài 20: Hệ thống pháp luật Việt Nam Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh diều: Hệ thống cấu trúc pháp luật - Hệ thống pháp luật Việt Nam là tổng thể ...

Hướng dẫn giải Lý thuyết Bài 20: Hệ thống pháp luật Việt Nam Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh diều - Chủ đề 9. Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sách Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 - Cánh diều. Hệ thống pháp luật Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật,

1. Hệ thống cấu trúc pháp luật

- Hệ thống pháp luật Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật, có mối liên hệ nội tại trong một chỉnh thể thống nhất, gồm hệ thống cấu trúc pháp luật và hệ thống văn bản pháp luật.

- Về cấu trúc, hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất, được phân chia thành các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật và các ngành luật.

- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

- Quy phạm pháp luật là đơn vị nhỏ nhất và là đơn vị cơ sở, nền tảng của hệ thống pháp luật. Mỗi quy phạm pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể, thường tương ứng với một điều khoản cụ thể của văn bản pháp luật.

- Chế định pháp luật là nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội cùng loại có mối quan hệ mật thiết với nhau.

- Ngành luật là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội đặc thù. Ví dụ: Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội đặc thù trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như quan hệ kết nối, li hôn, quan hệ giữa cha, mẹ và con,...

- Hệ thống pháp luật Việt Nam gồm các ngành luật chính sau: Luật Hiến pháp (Luật Nhà nước), Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động, Luật Kinh tế, Luật Tài chính, Luật Ngân hàng, Luật Môi trường, Luật Đất đai,...

2. Hệ thống văn bản pháp luật

- Hệ thống văn bản pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật) là hình thức biểu hiện bên ngoài của hệ thống pháp luật.

- Hệ thống văn bản pháp luật tuân theo thứ bậc, trong đó văn bản do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành không được trái với văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành, không được trái với Hiến pháp, tạo nên sự thống nhất của toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật.

- Văn bản pháp luật là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự thủ tục luật định, trong đó có các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần cho nhiều chủ thể pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

- Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hệ thống văn bản pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật) của Nhà nước ta hiện nay gồm:

+ Hiến pháp

+ Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội

Advertisements (Quảng cáo)

+ Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

+ Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước

+ Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

+ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang Bộ

+ Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

+ Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)

+ Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

+ Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện)

+ Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)

+ Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Advertisements (Quảng cáo)