Vận dụng (trang 30, SGK Giáo dục Quốc phòng & An ninh 11)
Em hãy chuẩn bị và trình bày trước lớp một trong hai chủ đề sau:
- Thích ứng với biến đổi khí hậu – Một số hoạt động của Việt Nam
- Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường – Những việc cần làm ngay.
Vận dụng kiến thức bài học để trả lời câu hỏi này
Chủ đề 2:
- Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường – Những việc cần làm ngay
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là những hành vi vi phạm các quy định quản lý môi trường một cách cố ý hoặc vô ý, gây ra các tác động xấu tới môi trường và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Đây là những hành vi không đáp ứng đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và gây hại cho môi trường sống của chúng ta.
Một số ví dụ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường gồm:
Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Điều này có thể là do việc không tuân thủ quy định về phân loại, xử lý, và kiểm soát chất thải, gây ra tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Việc xả thải trái phép có thể làm gia tăng mức độ ô nhiễm của nước và không khí, ảnh hưởng đến sự sống và sinh hoạt của các sinh vật trong môi trường.
Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại không được kiểm định, gây hại cho con người, động vật và vi sinh vật. Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng và gây thiệt hại cho hệ sinh thái.
Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí. Hành vi này gây ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến con người mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài sinh vật khác.
Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc vi phạm này có thể gây ra các tác động không mong muốn và thiệt hại lớn đến môi trường và cộng đồng.
Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Hành vi này có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm và gây hại cho môi trường trong nước.
Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đem lại hiểm họa cho cộng đồng và sinh vật.
Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều này gây nguy hại cho môi trường và con người, cản trở quá trình bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. Hành vi này không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại đến môi trường và đem lại hậu quả xấu cho cộng đồng.
Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hành vi này gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và các loài sinh vật.
Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc vi phạm này gây nguy hại đến tầng ô-zôn, tác động xấu đến môi trường và đời sống của con người.
Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên. Hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng đến di sản thiên nhiên của quốc gia, gây mất cân bằng và đe dọa đến hệ sinh thái.
Advertisements (Quảng cáo)
Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. Hành vi này làm giảm hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường và gây tổn hại vật chất và kinh tế cho các dự án bảo vệ môi trường.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Hành vi này gây ra sự mất đoàn kết trong hoạt động bảo vệ môi trường và cản trở công tác bảo vệ môi trường của nhà nước
Một vài quy định xử phạt cụ thể trong lĩnh vực môi trường
Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đất
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc điều tra sơ bộ, điều tra chi tiết khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định.
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triêu đồng đối với hành vi không lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không gửi phương án xử lý cải tạo phục hồi môi trường tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để kiểm tra, giám sát theo quy định.
- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
- Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dung biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều 37 Nghị định 45/2022/NĐ-CP
Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không gửi văn bản thông báo tới Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy sau khi được thông quan và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; không gửi văn bản thông báo tới Bộ Tài nguyên và Môi trường về khối lượng và tên chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) trước khi thực hiện hoạt động nhập khẩu đối với từng lô hàng theo quy định;
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không dán nhãn và công bố thông tin hoặc dán nhãn và công bố thông tin không đúng về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định;
- Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp thu gom, lưu giữ và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định;
- Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp tiêu hủy, xử lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định;
- Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm e Điều 28 Nghị định 45/2022/NĐ-CP và khoản 4 Điều 35 Nghị định 45/2022/ND-CP;
- Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất và sử dụng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có hàm lượng vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật; nhập khẩu, sản xuất và sử dụng các chất POP mà không thực hiện thủ tục đăng ký miễn trừ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định 45/2022ND-CP.
- Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với một trong các hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường hoặc đốt chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật.
- Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung
Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm đ, e khoản 1, khoản 2 Điều 28 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
- Áp dung biện pháp khắc phục hậu quả
+ Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 45/2022/NĐ-CP gây ra;
+ Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể tái xuất và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 28 Nghị định 45/2022/NĐ-CP;
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại điểm đ, e khoản 1, khoản 2 Điều 28 Nghị định 45/2022/NĐ-CP
+ Buộc phải thực hiện biện pháp thu gom, lưu giữ và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị đã nhập khẩu, sản xuất và sử dụng có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo đúng quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm đối với các vi phạm quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 28 Nghị định 45/2022/ND-CP