Câu 2 (trang 149, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Điều em tâm đắc nhất sau khi đọc văn bản trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng). (Đề 2)
Gợi nhớ nội dung của văn bản “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, phân tích về nội dung hoặc nghệ thuật của văn bản (điều em ấn tượng nhất).
Khai thác bối cảnh lịch sử Thăng Long trong những năm bị cai trị bởi bạo quân Lê Tương Dực, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã viết lên vở kịch Vũ Như Tô, vở kịch xoay quanh nhân vật trung tâm là Vũ Như Tô, một người nghệ sĩ thiên tài có khát vọng cao cả nhưng vì mượn quyền lực và tiền bạc của bạo chúa mà trở thành đối tượng căm thù của nhân dân, bi kịch của Vũ Như Tô được thể hiện tập trung qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật cùng khát vọng nghệ thuật chân chính, cao siêu nhưng lại đối đầu trực tiếp với những lợi ích thiết thực của nhân dân. Đó là mâu thuẫn giữa tài năng, khát khao sáng tạo nghệ thuật với hiện thực phũ phàng, éo le của cuộc sống, xã hội.
Vũ Như Tô là người nghệ sĩ thiên tài, tài năng của ông được Nguyễn Huy Tưởng khắc họa bằng đầy sinh động, người nghệ sĩ ấy có thể “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây dựng những lâu đài cao cả, nóc vòm mây mà không hề tính sai một viên gạch”. Tài năng của Vũ Như Tô được Đan Thiềm đáng giá là cái tài trời, và tài năng ấy có thể điểm tô cho đất nước với những công trình vĩ đại.
Vũ Như Tô là người có khát vọng cao cả, thuần túy, ông mong muốn xây dựng được một công trình tráng lệ có thể “tranh tinh xảo với hóa công”, sánh ngang cùng nhật nguyệt. Cửu Trùng Đài là kết tinh tài năng, tâm huyết của cả đời người nghệ sĩ ấy. Kể từ khi xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô đã sống cùng Cửu Trùng Đài, chết cùng Cửu Trùng Đài, cả linh hồn và hy vọng sống của ông cũng đặt vào công trình nghệ thuật đặc biệt đấy. Để cuối cùng khi bạo quân kéo đến, Cửu Trùng Đài bị đốt cháy, Vũ Như Tô kiên quyết không rời nửa bước, bất chấp cả những nguy hiểm về tính mạng “ Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây tôi còn đi đâu được”.
Đó còn là người nghệ sĩ có bản lĩnh cứng cỏi, mạnh mẽ không chịu khuất phục trước quyền lực. Vũ Như Tô kiên quyết không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài theo lệnh của Lê Tương Dực, chỉ khi nghe Đan Thiềm khuyên mượn tay Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật lớn lao thì Vũ Như Tô mới chấp nhận xây cửu Trùng Đài. Khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy, bạo chúa bị giết, bất chấp tính mạng của bản thân, bỏ qua lời khuyên bỏ trốn của Đan Thiềm, Vũ Như Tô vẫn kiên quyết không chịu rời Cửu Trùng Đài nửa bước.
Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người bị hiểu lầm, vì mượn tiền bạc và quyền lực của Lê Tương Dực xây dựng Cửu Trùng Đài mà Vũ Như Tô vô tình trở thành kẻ thù của nhân dân, trở thành nạn nhân của cuộc bạo loạn. Trong nhận thức của nhân dân, vua trở nên xa xỉ cũng vì xây Cửu Trùng Đài, cuộc sống lầm than đau khổ cũng vì xây Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô là người trực tiếp xây dựng Cửu Trùng Đài nên ông cũng trở thành đối tượng của bạo tàn. Chỉ có Đan Thiềm là người duy nhất hiểu và trân trọng con người ngay thẳng, tài năng thiên tài ở người nghệ sĩ ấy.
Bi kịch của Vũ Như Tô còn là bi kịch vỡ mộng của người nghệ sĩ. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn không dám tin những việc mình làm cho nghệ thuật lại là tội ác đối với nhân dân. Vũ Như Tô một mực khẳng định mình không có tội, ông cũng không thể hiểu vì sao xây dựng Cửu Trùng Đài lại là việc làm hại nước hại dân. Hình ảnh Vũ Như Tô tuyệt vọng giữa sự cuồng lộ của đám quân bạo loạn trở nên đáng thương hơn bao giờ hết. Những lời thanh minh từ đáy lòng của ông không những không được lắng nghe mà còn bị sỉ nhục, chửi mắng thậm tệ.
Thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện được sự trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời, giữa khát vọng nghệ thuật cao siêu của người nghệ sĩ với lợi ích thiết thực của nhân dân.