Câu hỏi (trang 96, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) đề xuất một giải pháp phát triển tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh trong trường.
Lập dàn bài, tìm ý và phát triển thành đoạn văn hoàn chỉnh nêu đề xuất 1 giải pháp phát triển tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh trong trường.
Advertisements (Quảng cáo)
Đoạn văn mẫu 1:
Mỗi một quốc gia lại có bản sắc văn hóa dân tộc khác nhau tạo nên sự đa dạng về văn hóa toàn cầu. Là một công dân của đất nước, chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương mình. Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết. Mỗi thanh niên, thiếu niên phải thực sự thấy được giá trị của văn hoá dân tộc dù có đi đâu, sống ở nơi nào, con người đó vẫn luôn là người dân nước Việt. Cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu "hoà nhập nhưng không hoà tan” trong một thời đại mới. Thực hiện điều này là trọng trách, là nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi thanh, thiếu niên hôm nay.
Đoạn văn mẫu 2
Mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ lại có một bản sắc, một nét đẹp văn hóa khác nhau. Chúng ta cần phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của mình cũng như quảng bá những nét đặc sắc đó đến với bạn bè năm châu. Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa dân tộc còn là những giá trị tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, sự phong phú trong lối sống, sinh hoạt tập thể của con người và tạo nên sự đa dạng màu sắc cho cuộc sống. Bản sắc văn hóa dân tộc có tầm quan trọng lớn lao đối với cuộc sống của mỗi người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Bản sắc văn hóa dân tộc hay cụ thể hơn là văn hóa vùng miền là nơi con người giao lưu văn hóa, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp của quê hương mình, cũng là nơi con người gắn kết với nhau, vui đùa. Bản sắc văn hóa dân tộc còn là những đặc trưng về văn hóa của quốc gia đó, là nét làm cho đất nước mình không bị nhầm lẫn với bất kỳ đất nước nào khác. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam ta đang bị mai một, mất dần đi hoặc suy thoái, biến tướng thành nhiều thể loại khác. Chính vì thế, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải có ý thức tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi người học sinh cần phải đặt trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu, tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà.