Trang chủ Lớp 12 Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ) Hãy cho biết trong bài kí Ai đặt tên cho dòng sông?...

Hãy cho biết trong bài kí Ai đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương khi chảy vào thành phố có nét đặc trưng gì? Phát hiện của tác giả về nét riêng...

Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hãy cho biết trong bài kí Ai đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương khi chảy vào thành phố có nét đặc trưng gì? Phát hiện của tác giả về nét riêng biệt của dòng sông cho thấy những điều gì trong tình cảm của tác giả với xứ Huế. Dưới cái nhìn và sự cảm nhận đầy tinh tế, đầy nghệ thuật, dòng sông Hương hiện lên qua đôi mắt và tâm hồn của nhà văn, nó không còn là một dòng sông bình thường nữa mà nó là một cô gái dịu dàng đi tìm người yêu chung thủy của mình với một tình yêu sâu lắng, đắm say, tha thiết.

    “Ai đặt tên cho dòng sông?” là một bài bút kí nổi tiếng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong bài kí này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ca ngợi vẻ đẹp của con sông Hương và cũng chính là ca ngợi vẻ đẹp của con người Huế. Nhà văn miêu tả vẻ đẹp của con sông Hương bằng tất cả tình cảm đắm say tha thiết và đầy tự hào của mình, nhất là khi nhà văn mô tả hình ảnh của con sông Hương khi chảy vào kinh thành Huế. Sông Hương khi chảy vào thành phố được tác giả miêu tả bằng một lối văn trữ tình, hướng nội, độc đáo và tài hoa. Với cái nhìn tinh tế, đầy cảm xúc và đầy sáng tạo của nhà văn, dòng sông Hương khi chảy vào thành phố Huế hiện lên với những đặc trưng riêng của nó mà không có dòng sông nào có được. Khi chảy vào thành phố thân yêu, sông Hương như tìm thấy chính mình, nên “vui hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng  ngoại ô Kim Long”. Từ đó, dòng sông “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc”, rồi sông Hương được nhà văn nhân hóa, “sông Hương nhìn về phía đó và nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần lên nền trời, nhỏ nhắn như những vầng trăng non”. Và đến khi “giáp mặt thành phố ở cồn Giá Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ nhàng sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Với sự so sánh độc đáo này, nhà văn đã làm nổi bậc tính dịu dàng, trầm mặc của con sông Hương khi chảy vào thành phố”. Và hơn nữa để làm nổi bật tính chất này, nhà văn đã so sánh sông Hương cũng "‘giống như sông Xen của Pari, sông Đa- nuýp của Budapet; sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tồng  thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông”. Nhưng sông Hương đã tạo cho thành phố Huế một nét độc đáo riêng mà không có thành phố hiện đại nào trên thế giới có được: "Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông  đào mang nước sông Hương tỏa đi khép phố thị, với những cây đa, cây cừ cổ thụ tỏa vẫn lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi qua thành phố đã trôi đi chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”.

Sông Hương khi chảy qua thành phố được tác giả cảm nhận dưới nhiều góc độ: có khi nhà văn nhìn sông Hương dưới góc độ hội họa: sông Hương và những chi lưu của nó tạo nên những đường nét tinh tế làm nên vẻ đẹp của cố đô; có khi nhà văn cảm nhận sông Hương bằng âm nhạc: sông Hương đẹp như điệu slow chậm rãi, sâu lắng, trữ tình; có khi nhà văn cảm nhận sông Hương bằng cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình đầy lãng mạn: “sông Hương là người tình dịu dàng và chung thủy”. Điều này được tác giả diễn tả trong một đoạn văn thật thú vị, đầy sáng tạo, với một cảm quan nghệ thuật độc đáo: “Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về phía chính bắc, ôm lấy đảo cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vàng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt theo hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình”. Và cũng bằng cảm quan nghệ thuật, tác giả đã có phép so sánh và nhân hóa tuyệt vời: “Riêng với sông Hương” vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Có một cái gì đó rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đó là nỗi vương vấn. Cả một chúi lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tự tình, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để có một lời thề trước khi về biển cả...”.

Advertisements (Quảng cáo)

Như vậy, dưới cái nhìn và sự cảm nhận đầy tinh tế, đầy nghệ thuật, dòng sông Hương hiện lên qua đôi mắt và tâm hồn của nhà văn, nó không còn là một dòng sông bình thường nữa mà nó là một cô gái dịu dàng đi tìm người yêu chung thủy của mình với một tình yêu sâu lắng, đắm say, tha thiết.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)