DÀN BÀI
I. MỞ BÀI
Mỗi nhà văn thường có một vùng đất riêng. Với Nguyễn Trung Thành đó là Tây Nguyên. Ta đã gặp một anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên thời chống Pháp, giờ đây ta lại đến với các nhân vật cụ Mết, Tnú, Dít trong Rừng xà nu thời chống Mĩ. Họ đều là những người con kiến cường bất khuất của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ nhưng mỗi người lại mang những nét riêng, những vẻ đẹp riêng khó quên.
II. THÂN BÀI
Rừng xà nu là câu chuyện làng Xô-man (Tây Nguyên) chống Mĩ. Truyện có nhiều nhân vật nhưng tiêu biểu nhất là ba nhân vật: Cụ Mết (già làng), Tnú (thanh niên) và Dít (phụ nữ). Đó là hai thế hệ già trẻ cùng tiếp nối nhau đứng lên đánh Mĩ. Truyện có hé mở cho người đọc thấy thế hệ thứ ba là thế hệ của bé Heng để hoàn thiện bức tranh Tây Nguyên chống Mĩ.
Ba nhân vật nói trên được nhà văn miêu tả sinh động, hấp dẫn, trở thành những ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc, bởi vì, ở mức độ nhất định, họ đã được điển hình hóa, vừa mang nét chung của con người Tây Nguyên đánh Mĩ, lại mang nét riêng in đậm tính cách và phẩm chất của từng người cụ thể.
1. Nét chung
Nét chung ở đây là phẩm chất anh hùng. Họ đều là những người con kiên cường bất khuất của Tây Nguyên, thể hiện ở những điểm sau đây:
- Yêu buôn làng, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Advertisements (Quảng cáo)
- Quyết tâm đứng lên đánh giặc để bảo vệ buôn làng, bảo vệ đất nước.
- Kiên cường, bất khuất, dũng cảm tạo nên khí thế đồng thời chống Mĩ (chọn những dẫn chứng thật tiêu biểu của ba nhân vật để chứng tỏ các nét chung đó).
2. Nét riêng
Các nhận vật đều anh hùng, kiên cường, bất khuất, nhưng mỗi người lại anh hùng theo cách riêng, và sự kiên cường bất khuất cũng được biểu lộ khác nhau tùy theo tuổi tác, giới tính, cương vị xã hội và hoàn cảnh riêng của từng người. Tất cả đã làm nên đặc điểm riêng và vẻ đẹp riêng của từng nhân vật.
a) Cụ Mết: Già làng, người chỉ huy, linh hồn của làng Xô-man chống Mĩ. Một cụ già khỏe mạnh quắc thước “ngực căng như một cây xà nu lớn”, hai tay rắn chắc như hai gọng kìm, tiếng nói ồ ồ vang vang. Cụ chỉ huy dân làng xông vào giết sạch bọn ác ôn trên sàn nhà rông, đốt lên ngọn lửa đồng khởi cháy sáng khắp rừng Xô-man với chân lí giản dị “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo !”… “Cụ còn là niềm tin, người tổ chức, tập hợp dân làng đoàn kết chống giặc. Cái đêm cụ kể về cuộc đời của Tnú cho dân làng nghe bên ngọn lửa xà nu bập bùng vừa đầm ấm, vừa trang nghiêm, lại có gì linh thiêng như kể về một huyền thoại.Cụ chính là cây xà nu vững chãi nhất trong rừng xà nu Xô man.
b) Tnú: Người con ưu tú của buôn làng đã ra đi đánh giặc để trả thù cho quê hương và cho bản thân. Nét tính cách chủ yếu là quyết liệt, mạnh mẽ, đặc trưng cho sự kiên cường bất khuất của con người Tây Nguyên sống giữa núi rừng hùng vĩ. Căm thù thì như lửa cháy ngùn ngụt (hai con mắt như hai cục than đỏ tay bóp nát trái vả lúc nào không biết), trả thù thì dứt khoát, lạnh lùng, trừng phạt đích đáng kẻ đã tra tấn mình (bóp chết kẻ thù bằng chính hai bàn tay cụt). Cuộc đời và vẻ đẹp riêng của nhân vật như được kết tụ lại trong hai bàn tay: bàn tay hận thù và bàn tay trả thù. Đó là hình ảnh “bàn tay Tnú” độc đáo và đầy ấn tượng của Nguyễn Trung Thành.
c) Dít: Cô gái trẻ giàu nghị lực, bản lĩnh đã trưởng thành mau chóng trong phong trào chống Mĩ để trở thành người lãnh đạo cao nhất của đân làng Xô man: bí thư chi bộ và chính trị viên xã đội. Nét tính cách nổi bật là gan dạ (giặc bắn uy hiếp tinh thần, áo quần rách tả lơi mà vẫn bình thản như không) và kiên quyết rắn rỏi (kiểm tra giấy phép của Tnú rất kĩ) nhưng vẫn là người phụ nữ giàu tình cảm, cô giới tính (cảm thấy bùi ngùi khi Tnú lại phải đi ngay).
III. KẾT BÀI
Ba nhân vật được xây dựng sinh động, hấp dẫn, mang vẻ đẹp riêng của từng người. Ba vẻ đẹp ấy lại hòa vào nhau để làm nên vẻ đẹp chung của con người Tây Nguyên chống Mĩ. Hình ảnh cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường đánh giặc ở cuối tác phẩm chính là sự kết tụ rất hài hòa ba vẻ đẹp ấy và lắng sâu vào lòng người đọc.