Trang chủ Lớp 12 Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ) Soạn bài Tuyên ngôn độc lập (tiếp theo) trang 38 Văn 12...

Soạn bài Tuyên ngôn độc lập (tiếp theo) trang 38 Văn 12 tập 1 - Văn lớp 12...

Tuyên ngôn độc lập (tiếp theo) - Soạn bài Tuyên ngôn độc lập (tiếp theo) trang 38 SGK Ngữ văn 12 tập 1. Phần 1: từ đầu đến “không ai có thể chối cãi được”: Nêu nguyên lí làm cơ sở lí luận và tư tưởng cho bản tuyên ngôn: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền được tự do

I. Soạn văn

1. Nêu bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập

Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập (3 phần)

-   Phần 1: từ đầu đến “không ai có thể chối cãi được”: Nêu nguyên lí làm cơ sở lí luận và tư tưởng cho bản tuyên ngôn: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

-   Phần 2: tiếp đến “chứ không phải từ tay Pháp”: Tố cáo tội ác của thực dân Pháp về mọi mặt. Chứng minh thực dân Pháp là kẻ làm trái nguyên lí; nhân dân ta là người thực hiện đúng nguyên lí đã tự đứng lên giành chính quyền. Đập tan âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp và xoá bỏ tất cả các đặc quyền, đặc lợi của chúng ở nước ta.

-   Phần 3: Đoạn còn lại: Lời tuyên bố quyền độc lập, tự do của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với thế giới và ý chí quyết tâm giữ vững quyền tự do độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.

2. Việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mĩ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp trong phần mở đầu có ý nghĩa gì?

-   Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, tác giả đưa ra dẫn chứng từ hai tuyên ngôn nổi tiếng là Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mĩ, khẳng định quyền con người và quyền các dân tộc. Cách viết sắc sảo này đã đem lại ý nghĩa sâu sắc cho bản tuyên ngôn được viết trong hoàn cảnh lịch sử lúc bây giờ.

-    Đây là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông”, “dùng khoá của địch khoá miệng địch”, lấy lí lẽ của nước người để phản bác những âm mưu của chính các nước đó. Tác giả đã rất linh hoạt khi kết hợp ý kiến của người với ý kiến của mình: “Suy rộng ra câu ấy có có nghĩa là...”. Từ khẳng định quyền con người, Bác đã chuyển sang quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

-   Ra đời trong bối cành Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, các nước dồng minh dang tranh giành ảnh hưởng đòi chia quyền kiểm soát những vùng bọn phát xít từng chiếm đóng. Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ nói với nhân dân Việt Nam, các nước trên thế giới mà còn hướng tới bọn thực dân đế quốc, ngăn chặn ngay ý đồ chiếm lại nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Đồng thời khẳng định cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Chống phát xít, chống đế quốc là cuộc đấu tranh chính nghĩa (thực hiện quyền độc lập, tự do, bình đẳng - lẽ phải thông thường mà chính các nước Pháp, Mĩ đã từng tuyên bố), buộc chính các nước thực dân, đế quôc không được phép coi thường, phủ nhận.

Cách lập luận này của tác giả rất chặt chẽ, đầy tính chiến đấu.

3. Trong phần thứ hai của bản tuyên ngôn, tác giả đã lập luận như thế nào để khẳng định quyền độc lập tự do của nước Việt Nam ta?

Trong phần 2 của bản Tuyên ngôn, tác giả tập trung tố cáo tội ác của thực dân Pháp với nhân dân ta trong suốt 80 năm đô hộ nhằm bác bỏ những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp, phủ nhận lí lẽ “bảo hộ”, vạch trần bản chất xâm lược và bóc lột, đập tan âm mưu xâm lược trở lại của chúng cũng như để chứng minh tính tất yếu của Cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở cho việc tuyên bố độc lập. Hồ Chí Minh đã lần lượt đưa ra những dẫn chứng thật tiệu biểu:

-   Về chính trị: Chúng tuyệt đối không cho... chúng thi hành... chúng lập ra nhà tù... chúng ràng buộc... chúng dùng thuốc phiện...

-  Về kinh tế: Chúng bóc lột... chúng cướp... chúng giữ...

-   Về quân sự: khi phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương... thực dân Pháp quỳ gốì đầu hàng.... bỏ chạy không bảo hộ được nước ta... bán nước ta hai lần cho Nhật... lại thẳng tay khủng bố Việt Minh... nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị...

Đoạn văn được viết với khí thế hừng hực của ngọn lửa căm hờn quân xâm lược và lòng yêu nước, thương dân. Những hình ảnh chân thực, tư liệu chính xác, điệp từ chúng nhắc lại liên tiếp làm cho âm hưởng đoạn văn càng thêm nhức nhối, tạo nên sức mạnh cho lời tuyên bố độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam:

“Bởi thế cho nên chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí”...

4. Tuyên ngôn độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà súc tích, đanh thép, sắc sảo. Hãy làm sáng tỏ điều đó?

Advertisements (Quảng cáo)

Biểu hiện phong cách văn chính luận của Bác trong Tuyên ngôn độc lập:

a. Ngắn gọn, giản dị, súc tích: tả một nội dung lớn diễn trong thời gian gần một thế kỉ, nhưng tác giả đã cô đọng lại trong vài ba trang gấay. Từ ngữ mà Bác sử dụng đọc lên là hiểu ngay. Đối với những câu dài, có cấu trúc phức tạp, Bác vẫn tìm cách diễn đạt thật ngắn gọn. Có câu rất ngắn nhưng giàu ý tứ.

b. Trong sáng

-   Trong sáng ở việc dùng từ đặt câu, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của tiếng Việt.

-  Trong sáng về tư tưởng tình cảm. Thái độ rõ ràng, yêu ghét phân minh trên lập trường chính nghĩa.

c. Đanh thép, sắc xảo: là biểu hiện tính chiến đấu không khoan nhượng, thái độ dứt khoát thể hiện một bản lĩnh vững vàng, phi thường, sắc sảo ở trí tuệ, lối lập luận chặt chẽ, sắc bén.

Bản tuyên ngôn được viết với cách lập luận chặt chẽ. Người đưa ra những lí lẽ đanh thép, những bằng chứng hùng hồn không ai chối cãi được. Ngòi bút chính luận vừa hùng hồn vừa trữ tình; cách dùng từ, đặt câu hết sức linh hoạt, Tuyên ngôn độc lập vừa có giá trị lịch sử lớn lao, vừa xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn của thời đại ngày nay.

II. Luyện tập

Lí giải vì sao bản Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục trái tim con người Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay?

Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ là một áng văn nghị luận mẫu mực mà còn có sức lay động sâu sắc lòng người bởi tình cảm thiết tha của tác giả. Chế Lan Viên đã ca ngợi điều này trong bài viết Trời cao xanh ngắt sáng Tuyên ngôn. Với đề bài này, HS vừa phải phát hiện ra những nghệ thuật nghị luận vừa phải chỉ ra những tình cảm thắm thiết thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập đó. Muốn vậy, HS cần trình bày những nội dung sau:

a. Những cung bậc tình cảm được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

-   Thái độ căm phẫn của tác giả khi vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân nước ta thể hiện qua cách gọi: bọn, chúng. Dùng các từ ngữ diễn tả tội ác tày trời của chúng đối với nhân dân ta: tắm các cuộc khởi nghĩa, không cho, cướp, dùng... để đầu độc, thi hành.

-   Tình cảm xót thương của Bác Hồ khi nói đến nỗi đau của dân tộc ta trong những năm bị thực dân Pháp cai trị: ngăn cản nước ta đoàn kết, dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều, dân... trở nên bần cùng... Tình cảm yêu thương, xót thương của Bác không dành riêng cho một đối tượng nào mà là cho tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam, từ công nhân, nông dân, dân buôn, trí thức cho đến tầng lớp tư sản...

-   Tình cảm thiết tha mãnh liệt, thái độ cương quyết, đanh thép khi nói đến quyền được hưởng tự do độc lập... của nhân dân Việt Xam cũng như quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc.

+ Nghệ thuật điệp cấu trúc chính là hình thức giúp nhấn mạnh quyết tâm giữ vững nền độc lập cũng như khẳng định một sự thật không ai có thể chổi cãi được về nền tự do, độc lập của người Việt Nam.

+ Trong khi khẳng định nền độc lập tự do của nhân dân ta, Hồ Chí Minh đã sử dụng những từ ngữ khẳng định: sự thật là, không thể không, phải được... thể hiện niềm tin vững vàng vào sự tất thắng và nền độc lập tất yếu của dân tộc ta.

-   Bản Tuyên ngôn Độc lập toát lên khát vọng, ý chí mãnh liệt cũng là khát vọng muôn đời của dân tộc ta.

b. Những tình cảm thiết tha đó được biểu lộ thông qua một giọng điệu đặc biệt trong bản Tuyên ngôn độc lập. Khi nồng nàn tha thiết, khi xót xa thương cảm, khi hừng hực căm thù, khi hào sảng khích lệ... Giọng điệu đó được đưa đến sự phong phú, đa dạng trong cảm xúc của người viết, đồng thời cho thấy Người đang hướng đến những đối tượng khác nhau trong bản tuyên ngôn này.

c. HS có thể so sánh với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước ta Bình Ngô đại cáo của tác giả Nguyễn Trãi đã thấy được sự gặp gỡ giữa hai tâm trạng, hai cảm xúc trong khi viết bản tuyên ngôn của hai con người ở hai thời đại khác nhau. Từ đó khẳng định sức sống của hai tác phẩm - hai bản tuyên ngôn của dân tộc ở hai thời đại khác nhau. Đặc biệt nhấn mạnh Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)