Gợi ý làm bài
1. Cái hoạ chết đói năm 1945 quả là khủng khiếp. Không chỉ đói xóm đói làng mà đói nửa nước. Từ bắc Trung Bộ trở ra, từ thu đông 1944 đến xuân hè 1945 hơn hai triệu người nằm xuống.
Kim Lân chọn bối cảnh ấy cho truyện Vợ nhặt. Không nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng là những dòng rất hiếm trong văn chương từ đó đến nay. Cái nghèo ở Ngô Tất Tố, cái đói ở Nam Cao, ta thương cảm muốn rơi nước mắt. Cái đói và cái chết ở Kim Lân khiến ta khiếp sợ, rụng rời.
Nó hiện lên thành màu: xanh xám của da người sắp chết, đen kịt đầy trời của các đàn quạ. Thành mùi: gây gây của xác người, khét lẹt của những gì đốt lên ở nhà có người chết. Thành tiếng: thê thiết của quạ trên những cây gạo, hờ khóc gió đưa vào tận nhà, văng vẳng như từ dưới âm ly. Cuộc sống khắp nơi, cuộc sống ở xóm ngụ cư đều bị bao vây trong những màu, những mùi, những tiếng thê lương ấy. Chưa chết thì ủ rũ, hốc hác, thở than tuyệt vọng. Đến như Tràng to lớn lưng rộng như lưng gấu cũng chỉ đi từng bước một, đầu chúi về đằng trước như bị những lo lắng đè hẳn người xuống. Cô con gái nhanh nhẩu, táo tợn, mới mấy hôm đã tả tơi, gầy sọp, xám xịt. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng, lại là hiện thân đầy đủ nhất cùa cái đói, cái chết truyền kiếp của nông thôn. Không gian toàn điêu tàn, rữa nát, cái chết lan tràn nơi nơi. Cái sống chỉ còn thoi thóp, leo lét.
2. Vậy mà mội chuyện trái đời đã xảy ra: chuyện lấy vợ lấy chồng. Chẳng theo lễ nghi nào cả. Cô gái đói lâu ngày, Tràng mời, cô ăn mấy bát bánh đúc, Tràng bảo có về với thì cùng về và cô theo. Hoàn cảnh là ngược đời: lấy vợ lấy chồng ít ra là lúc đời sống đang bình thường, lúc ăn nên làm nổi như mẹ Tràng chứ đâu trong con đói chết này, bản thân mình cũng chưa chắc qua khỏi. Mà lấy vợ lấy chồng là việc đại sự, việc sinh con đẻ cái, nối tiếp dòng họ, lưu truyền sự sống. Việc trọng đại cho đời người ấy lại xảy ra nhanh chóng ngoài sự tưởng tượng, có vẻ như không thực. Đời có đám cưới chạy tang, cũng rất nhanh. Đây cũng không phải chạy chết. Nhưng rõ ràng là thách thức cái đói cái chết. Cho nên cái đói cái chết chẳng buông tha. Đường về nhà của họ như đi qua cõi âm, thấp thoáng theo họ là dật dờ những bóng ma, đón rước họ là bầy quạ và tiếng quạ tối sầm; vang vào tận nhà, len vào giấc ngủ của họ là tiếng hờ khóc, tỉ tê, càng khuya càng rõ từ nhà có người chết; về tới nhà thì cảnh nhà vắng teo, rúm ró, hoang tàn, héo hắt, bữa cơm chỉ cháo loãng muối hột, cám khuấy.
Cái đói cái chết bám theo quyết liệt với tất cả sức huỷ diệt của nó. Tưởng như thế, đôi vợ chồng này chỉ đưa nhau đến chỗ chết. Nhưng không, họ vẫn trụ được, hơn thế, lại vượt lên chiến thắng với một sức sống mãnh liệt phi thường và sức sống ấy đã tạo ra một sự biến đổi kỳ diệu. Tất cả đều khác. Trẻ con khác, người lớn khác. Tràng khác, bà cụ cũng khác. Còn cô gái? Chính tác giả đã gửi sức sống ấy vào cô gái. Nó toả ra từ cô, cô như được trao chiếc đũa thần để làm nên mọi thay đổi đột ngột, lạ lùng, làm nổi bật lên trên cái phông âm u rung rợn của cái đói, cái chết kia, cái sáng tươi, cái ước mơ đổi thay số phận cho mọi người, cho mình. Cô là vợ nhặt nhưng lại là một hào quang, một luồng khí ấm tiêu biểu cho sự sống trường cửu, mãnh liệt và mầu nhiệm.
3. Vợ nhặt ngẫm kĩ lại là một cụm từ nhiều ý vị đau thương mà ý nghĩa. Nào phải đó là cái tên, nhưng nó vẫn chỉ cô gái ấy. Chỉ có chút bất thường và kỳ lạ. Vợ theo nghe đã buồn, vì theo không, chả cưới xin và cũng chả ai chấp nhận. Đây lại là vợ nhặt, chẳng khác gì một đồ vật đánh rơi hoặc vứt đi nay nhặt được. Chẳng là Dậu, là Tý nào cả. Chỉ là cô ả, rồi người đàn bà, nó cộc lốc. Kể ra cái đói, bỏ xứ tha phương cầu thực, biết đâu ngày mai không còng queo cái xác bên đường, thì tên tuổi làm gì. Nhưng cái vô danh ấy đâu phải là vô nghĩa. Để chỉ sức sống, sự sống thì cần gì tên với họ? Chỉ cần biết đó là một người đàn bà, một phụ nữ. Không ngờ ẩn trong cái chữ thảm thê vợ nhặt ấy lại là một sức mạnh truyền thống có độ dày hàng nghìn năm. Nhặt thì không ra gì, nhưng vợ thì vinh dự. Chữ an trong Hán tự có chữ nữ, nghĩa là đàn bà vào nhà thì yên lành, hạnh phúc. Cho nên cái danh xưng ấy không phải dễ dàng hiện ra ngay: úp mở bằng nói lái của trẻ con, ước đoán ở hàng xóm, rồi năm rè, bảy rụt mượn chai dầu hôi làm cớ. Tràng mới dám đọc nó ra: vợ mới vợ miếc.
Chính từ cái cách người vợ ấy, cô gái đã dần dần lột xác. Giữa đám em cùng lứa, cô ngang ngửa, thoải mái, cong cớn rồi sầm sầm, sưng sỉa, kể cả ăn xong một hơi bốn bát bánh đúc chẳng chút e dè, cô cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, quê và thô rất chi là tự nhiên. Vậy mà sau khi nghe Tràng có về với tớ thì cùng về, cô về thật, thì từ cái ngang ngửa, hồn nhiên nhưng đã biến đổi theo từng bước đi trên đường về nhà Tràng.
Advertisements (Quảng cáo)
Đùa chơi quả có khác. Đi theo cùng về, chứa rõ sẽ làm gì nhưng là nghiêm trang rồi, nghiêm trọng nữa. Đi sau ba bôn bước, đầu hơi cúi, nón che khuôn mặt. Không nhất thiết vì đã có người dòm ngó. Chỉ là đối diện với lòng mình: chuyện số phận chứ chẳng phải chơi. Không nước mắt nhưng cứ rón rén, e thẹn đích như cô dâu khi bước khỏi nhà mẹ, ngoan ngoãn, dễ thương, rất nữ tính. Đôi ba quãng đường nữa đã thấy cô đàng hoàng thể hiện cái chức năng an bài của người vợ. Cô chế diễu (bé lắm đấy), mắng (hoang nó vừa vừa chứ), rồi dẹp hết e thẹn lẫn ngại ngùng, cô văng ngay khỉ gió, phát đánh đét vào lưng Tràng… ấy là cô đã đặt chân vào con đường làm người vợ. Thế nhưng, bước vào nhà, cô cứ ngồi mớm ở mép giường, tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần. Thì ra đến phút này cô mới nghĩ kĩ về tình cảnh mình. Tới đây là tới chỗ quyết định cuối cùng cho thân phận cô. Đành là đói nên cô phải tìm nơi nương tựa, nhưng liệu đây có phải là chỗ cô mong đợi? Bà cụ chưa về. biết ý bà ra sao. Cái thế ngồi rụt rè, chông chênh như chính là cái thế phân vân của lòng cô. Chuyện thành vợ bỗng dưng của cô đã bất đầu nhưng sau cứ như không thực. Làm vợ, làm dâu, mà như thế nào sao? Lấy chồng, hạnh phúc lớn nhất trong đời con gái mà lủi thủi, trơ trọi như thế này? Thảm thương, buồn tủi cho mình biết bao! Thật là ngổn ngang trăm mối, cô bần thần chưa biết tính sao. May bà mẹ Tràng tỏ ra thương cảm, an ủi, khuyên lơn nên cô cảm thấy yên lòng. Và sau một đêm làm vợ, sáng ra cô đã trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn, cô đã là một người vợ đảm đang, siêng năng, quán xuyến mọi việc, đem lại một sinh khí mới cho gia đình.
4. Cô vợ ấy, nàng dâu ấy không chỉ biến đổi chỉ mình mình mà quan trọng hơn, và sâu sắc hơn là như đã thổi luồng gió lành đánh thức dậy sức nóng cho mọi người, mọi nơi, đem lại sự sống ngay trong cái đói, cái chết.
Cô vừa xuất hiện bên cạnh Tràng ở đầu xóm, cả xóm như sống đậy. Nhà cửa lúp xúp, tối om bỗng rộn ràng lên. Trẻ con ủ rũ không buồn nhúc nhích đã thoắt chạy theo Tràng và linh ranh như thế nào lại reo lên thích thú chông vợ hài người lớn kéo nhau ra cửa, mặt mày đang u tối bỗng rạng rỡ hẳn lên, kẻ dò đoánkẻ than thở và tỏ lòng thương cảm, xôn xao trước cảnh người đàn bà thẹn thẹn hay đáo để.
Nói gì Tràng! Bắt đầu là đùa vui lối nông dân trẻ trung. Đến khi thấy cô gái sau mấy hôm đã xám xịt, bay hết màu sống, anh mời, cô ăn liền liền, không kịp thở như đói đã lâu, anh nửa đùa nửa thật lửng lơ có về với thì cùng về, cô theo anh hơi chợn nhưng chặc lưỡi: kệ. Mọi sự tình bắt đầu từ cái kệ này. Tác giả bảo “Trong lòng Tràng bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà”... Đúng thế. Trước hết là một suy nghĩ nghiêm túc rất nhân tình từ đáy sâu lòng anh. Người đàn bà ấy đã cuốn anh từ đùa vui chuyển qua tình thật, tiếp một sức sống mới cho lòng anh. Còn tận trong bản chất trai trẻ chưa có nổi vợ như anh, làm sao không vô thưc âm ỉ một xúi giục cũng rất người? Thế là quên khuấy những gì là lo lắng, là ê chề, tăm tối, quên cả ngày tháng trước mắt. Tràng ta tủm tỉm cười (trong truyện đếm được đến 10 lần, mỗi lần cười mỗi Khác), có vẻ phớn phở khác thường, mắt sáng lên lấp lánh. Và cũng như thường bên cạnh một người đàn bà mà mình biết là người của mình, anh cảm thấy cái gì đó lạ lắm, nó mơn man khắp da thịt, nó như vuốt nhẹ trên sống lưng. Anh thấy cần bày tỏ lòng mình bằng một cử chỉ, một câu nói thân thương nhưng thấy lúng túng chẳng làm được gì. Cái can đảm lớn lao của anh là giục cô vợ đi ngủ và bị mắng yêu là dơ! Biến đổi sâu sắc nhất ở anh là sau đêm làm chồng anh thấy lạ cả với mình. Như có gì nhập vào người, anh nghe êm ái, lửng lơ như ở trong giấc mơ đi ra. Anh xăm xăm chạy ra sân, muốn làm một việc gì cho xứng với tư cách người đàn ông đã có vợ... như có một sức sống mới mẻ, rạo rực sôi nổi trong mình.
Bà mẹ anh cũng như có nước cam lồ rưới vào, hoá khác hẳn. Bà như trẻ lại, vỗ về con dâu, ngọt ngào một u hai u, một con hay con, rồi tíu tít những dự định, ngăn riêng buồng cho đôi vợ chồng, nào mua gà nuôi, nào lúi húi giẫy cỏ sân. nào đon đả tươi cười với nồi cám khuấy mà bà gọi là chè đem ra đãi vợ chồng mới vào cuối bữa cơm tân hôn chỉ cháo loãng và muối hột bày trên cái mẹt rách, một bữa cơm không gì thê thảm hơn. Ôi, tấm lòng của những bà mẹ! Sao nó bao la thế. Chỉ có mấy lời phải chăng, thực tế từng trải cả một đời với giọng nói đẫm tình thương đem bày tỏ với cô gái là thay thế tất cả mọi lễ nghi, giải toả hết mọi bần thần mặc cảm của cô, là đã mẹ con, nàng dâu mẹ chồng hoà hợp, đằm thắm nghĩa tình. Bữa cháo đãtihành bữa tiệc. Chát xít, nghẹn ứ trong miệng mà ngon ngọt trong lòng.
5. Buổi sáng hôm ấy như ngày Tết, ngày hội ở gian lều tồi tàn, rúm ró của mẹ con Tràng. Chẳng có bà Tiên nào đến đó. Chỉ có mặt một cô dâu, một người vợ mới. Vậy mà như phép thần, mọi vật từ cảnh sân, ang nước, rác rưởi, quần áo, tất cả đều đâu ra đó, sạch sẽ, ngăn nắp, quang đãng, ánh sáng ban mai chan tiếng chổi quét sân bỗng dưng cũng thành điệu êm tai. Từ con người đàn bà nhập vào gia đình, sự sống lan toả như nắng bình minh, ấm áp, hoà hợp, dâng đầy ước vọng, niềm tin. Chưa phải nói tới những đoàn biểu tình có cây cờ đỏ dẫn trước báo sự xoay chuyển tất cả mọi thân phận, mặc kệ tiếng quạ, vẫn cứ rờn rợn từng hồi, mặc kệ tiếng trống thúc thuế dồn dập, gay gắt bên ngoài.
Sự sống đã thách thức, đối mặt với cái chết cái đói và đã đàng hoàng chứng tỏ là bất diệt, lực lưỡng và mầu nhiệm. Chỗ sâu của dụng ý người viết là đó. Mở đầu là tôi sầm. kết thúc là bừng bừng thắm đỏ, nén sâu xúc động một tí tách hóm hỉnh đằng khác trong giọng điệu, đảo trước ra sau cho lạ lùng câu chuyện ở kết câu, lặng lẽ gài cô gái vào vai kỳ diệu... nghĩ cho cùng đều nhằm tô đậm dụng ý tư tưởng nghệ thuật ấy.
Nguyễn Thị Thanh