Để có được những sự thành đạt như thế, con người cần có một phẩm chất không kém phần quan trọng ở thời đại này, đó chính là sự tự tin. Vậy sự tự tin là gì và nó có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống mỗi con người?
Tự tin là tin vào chính bản thân mình, tin vào chính giá trị, những phẩm chất tốt đẹp đang tồn tại bên trong con người mình, tin vào những thành công, những thành quả mà mình đã đạt được trong quá khứ để vững bước đón nhận những thử thách mới trong tương lai; tin vào tài năng của mình, những ước mơ tốt đẹp mà mình theo đuổi và tin rằng dù có phải thất bại đi chăng nữa, mình vẫn có thể thực hiện được nó ở những lần sau.
Tự tin trái ngược với sự hèn nhát, rụt rè, thiếu niềm tin vào bản thân và lo sợ phải thất bại, không dám theo đuổi ước mơ. Sự tự tin trong cuộc sống có thể được biểu hiện ở những việc làm nhỏ nhất như tự tin thuyết trình bài học trước lớp, tự tin đóng góp phát biểu ý kiến của mình cho tập thể lớp; cho đến những việc làm lớn hơn như công bố phát minh của một nhà khoa học hay một nhà văn cho ra đời tác phẩm của mình trước công chúng, và còn rất nhiều biểu hiện của sự tự tin trong cuộc sống mà chúng ta không thể kể hết.
Tự tin là một phẩm giá mà mỗi cá nhân cần phải hướng tới và rèn luyện để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc sống và sự nghiệp. Với sự tự tin, chúng ta sẽ tạo được một nền móng vững chãi trong tâm hồn, một bản lĩnh vững chắc của bản thân, từ đó chúng ta có thể xác định rõ rang rằng: chúng ta là ai trong cuộc đời này, xác định rõ con đường chúng ta sẽ đi trong cuộc đời, sự nghiệp. Chỉ có thế chúng ta mới có thể hình thành và theo đuổi ước mơ đúng đắn của chính bản thân mình, cũng là thể hiện bản thân.
Đồng thời, sự tự tin trong cuộc sống hay công việc thường nhật mang đến cho ta khả năng quyết đoán trong việc lựa chọn khi mắc phải những vấn đề cần sự giải quyết. Những sự lửa chọn có thể là rất nhỏ như chọn đề trong một bài kiểm tra Văn hay lớn hơn là sự chọn ban ngành, công việc mà chúng ta sẽ làm trong tương lai, dù là lớn hay nhỏ thì sự tự tin và quyết đoán cũng đều ảnh hưởng đến kết quả mà chúng ta đạt được sau này.
Nếu không có sự tự tin thì làm sao chúng ta dám chọn đề văn khó hơn trong khi chúng ta đủ khả năng làm được, hay là chọn ban ngành mà mình yêu thích để mà theo đuổi. Kế đến, người tự tin sẽk hông ngần ngại trước bất cứ một công việc nào dù công việc đó có quá sức với họ đi chăng nữa và họ có thể thất bại. Qua đó, ta có thể thấy được: tự tin như một nguồn động lực giúp cho ta có thể chấp nhận đương đầu với những thử thách trong cuộc sống, dù thành công hay thất bại thì đó cũng là cơ hội để chúng ta học thêm những kiến thức mới, phát hiện, đào sâu những phẩm chất tồn tại bên trong con người chúng ta mà bấy lâu naychúng ta không biết.
Nếu ta không chịu đứng ra thuyết trình bài học của mình trước lớp thì làm sao chúng ta có thể biết kĩ năng nói của mình đến đâu để mà sửa chữa, bồi dưỡng? Quan trọng hơn, sự tự tin sẽ tiếp cho ta thêm sức mạnh và nghị lực để có thể vượt qua thất bại, khó khăn trước mắt để tiến lên phía trước, đồng thời cũng là chìa khóa dẫn đến thành công trong công việc.
Advertisements (Quảng cáo)
Điển hình cụ thể hơn: những người nói tiếng Anh giỏi chắc chắn phải có nhiều lần đứng ra nói chuyện với người khác, người nước ngoài bằng tiếng Anh, cũng phải vấp những lỗi về ngữ pháp, cách dùng từ, nhưng sự tự tin trong giao tiếp đã giúp họ vượt qua và đạt được thành công trong việc học ngoại ngữ. Cuộc sống luôn đầy rẫy những thử thách, nếu chúng ta không tự tin, tin vào chính mình để vượt qua thì thành công sẽ khó mà đến với chúng ta.
Hầu như ai cũng biết, tự tin là một kĩ năng, phẩm chất cần thiết cho con người. Thế nhưng không phải ai cũng có trong người sự tự tin ấy. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn quan sát thấy được những người nhút nhát, thiếu niềm tin vào bản thân, hay thích dựa dẫm vào kẻ khác, vào cha mẹ, dẫn đến sự thiếu kĩ năng và kiến thức cần thiết. Điển hình là một số bạn trẻ, dù đã bước sang tuổi trưởng thành rồi mà vẫn không tự tin dấn thân vào đời, tự lập để mà kiếm sống, vẫn ăn bám vào cha mẹ cung cấp, kĩ năng sống thì không có, sống vật vờ vô ích như một người thừa của xã hội.
Một số kẻ còn thiếu tự tin đến mức không dám chấp nhận những thử thách trong công việc, để học những cơ hội thăng tiến bay qua mà không muốn nắm bắt vì sợ thất bại, không tin vào những khả năng của bản thân mình có thể làm được. Trong việc chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, đa số các bạn học sinh đều thi vào những trường như Kinh tế, Bách khoa, Ngoại thương,… với những ngành thật “hot” có thể gặt tiền nhiều mà không nghĩ đến tài năng của mình không thuộc những phạm trù của những ngành nghề ấy, không tự tin vào năng lực thực của mình mà chỉ muốn a dua theo kẻ khác.
Tệ hơn nữa là có một số người tự tin quá mức đâm ra chủ quan, tự phụ vào chính bản thân mình, xem trọng và đề cao cái tôi của mình, xem thường người khác. Ắt hẳn khi còn bé, chúng ta đã đều được đọc truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”, Thỏ đã chủ quan quá mức nên thua ê chề trong cuộc đua với Rùa. Những người chủ quan như thế sẽ khó tránh khỏi thất bại. Đồng thời, hcúng ta cũng cần phải hiểu tự tin thôi vẫn chưa đủ để dẫn đến thành công, cần có sự hỗ trợ của đức tính khác như cần cù, sự khéo léo, linh hoạt trong công việc,… và cả sự giúp đỡ của người khác để vươn tới thành công mai sau.
Việc rèn luyện một phẩm chất cho mình là một việc không dễ dàng thực hiện. Là một học sinh, trước tiên em phải ra sức học tập thật là tốt để tạo cho mình một nền móng kiến thức thật vững chãi, không ngừng ra sức học hỏi để phát huy tài năng bản thân. Từ đó, em có thể thực hiện việc rèn luyện từ những công việc làm nhỏ nhất như tự tin giơ tay phát biểu ý kiến của mình trước lớp, khắc phục sự rụt rè sợ sai khi phát biểu xây dựng bài học, kế đến nữa, em sẽ tham gia các hoạt động của trường, lớp, đoàn thể, tự tin trong giao tiếp và dũng cảm xung phong nhận lãnh những trách nhiệm phù hợp với sức của mình để thực hiện nó. Đến kì thi Đại học, sẽ chẳng có lí do gì để em từ chối thi vào trường Xã hội nhân văn khoa Tâm lý học, theo đuổi ước mơ của chính em.
Về phía gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý rèn luyện đức tính tự tin cho con em mình ngay từ khi chúng còn nhỏ, như khen con khi con làm việc tốt, tôn trọng, khuyến khích những quyết định riêng tư chính đáng của con cái và biết lắng nghe, động viên, an ủi chúng khi cần thiết. Về phía nhà trường và xã hội, cần có những buổi hội thảo dành cho giới trẻ về “sự tự tin”, giáo dục một cách rõ ràng mà không sơ sài chung chung, gần gũi mà không cứng nhắc và lý thuyết suông, gần gũi với thực tế cuộc sống của chúng em, chú trọng hơn về việc tư vấn tâm lí tuổi vị thành niên, định hướng tương lai cho học sinh.
Tự tin là chiếc chìa khóa dẫn đến sự thành đạt trong cuộc sống, vậy chúng ta hãy rèn luyện nó ngay từ bây giờ để trở thành một con người năng động , bản lĩnh trong xã hội, tồn tại một niềm tin mãnh liệt vào bản thân trước chông gai cuộc đời.