Ngay từ khi còn nhỏ, mới cấp sách đến trường, tôi đã được các thầy cô dạy về lòng tự hào quê hương.
Lịch sử nhân loại, việc dùng người mỗi thời khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử, thời thế và vai trò, nhiệm vụ. Người chân chính có thực tài thật là hiếm hoi, cần phải biết tìm, biết trân trọng.
Đất nước ta, từ xưa đến nay lúc nào cũng nhiều người hiền tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng lúc mà người hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Có nghĩa là khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều. Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường. Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức khơi dậy, hoà đồng với nhân dân xã thân vì nghiệp lớn. “Hịch tướng sĩ “ của Trần Quốc Tuấn, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là một bài thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền của đất nước, Nguyễn Trãi với bảng hùng văn lịch sử “Bình Ngô đại cáo” là minh chứng cho sự sáng suốt của các bậc tiền nhân biết quý trọng, coi trọng và sử dụng tri thức trong các cuộc chiến tranh trên mật trận trí tuệ.
Thời kỳ cách mạng còn trong “trứng nước” Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với tư duy, tầm nhìn sáng suốt và uy tín to lớn đã cảm hóa, thuyết phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia khối đại đoàn kết dân tộc bất chấp hiểm nguy đi theo cách mạng, hy sinh cho nghiệp lớn.
Cổ nhân đã dạy :”Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” có nghĩa là ngay cả người tầm thường cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Trí thức lại càng phải có trách nhiệm hơn thế!. Ngày nay, tiếp tục truyền thống của cha ông, trí thức cần được rèn luyện để trở thành hiền tài có vai trò và trách nhiệm cống hiến tài năng vào tiến trình phát triển đất nước. Tri thức thời nay là tầng lớp tinh hoa của xã hội, sáng tạo ra các giá trị tinh thần, tôn trọng chân lý nhưng được nâng lên tầm cao mới theo tư duy của xã hội dân chủ và phù hợp với thời đại toàn cầu hóa của nền kinh tế tri thức.
Chúng ta tin vào sức năng động tự thân của dân tộc, sự sáng tạo và bền bỉ của giới trí thức như ngọn lửa bùng lên để những người có trọng trách biết suy nghĩ, trọng dụng, quy tụ, sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là các bậc trí thức lão thành, tâm huyết có kinh nghiệm, bản lãnh hiến kế cho tiến trình xây dựng đất nước. Các bậc trí thức hàng đầu của đất nước, theo quy luật của tạo hóa sẽ có lúc phải ngừng nghỉ, đó là khoảng trống mênh mông để lại.
Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp người trẻ tuổi bởi vì họ mới là lớp người có khả năng tiếp thu cái mới, sáng tạo, phụng sự đất nước khi còn sung sức. Khơi nguồn hiền tài từ lớp trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ trí thức là con đường lâu dài và đúng đắn nhất. Cần tạo môi trường cho trí thức làm việc, phát huy năng lực, đãi ngộ xứng đáng công sức, thành quả họ mang lại. Tuy nhiên, vẫn có luồng ý kiến, trí thức chân chính không cần đãi ngộ, họ sẽ tự biết tìm cách để sáng tạo và tự sử dụng mình vào những công việc hữu ích cho tổ quốc.
Nếu chúng ta hiểu một cách sâu sa chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, khiêm nhường mời gọi người tâm huyết để khơi nguồn hiền tài còn rất nhiều tiềm năng của đất nước để làm cho đất nước hưng thịnh và hiền tài ngày một nhiều thêm.
Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.
Ngày nay có thể hiểu hiền tài không chỉ là trí thức, mà là tất cả những ai có năng lực, có tâm huyết và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.
Advertisements (Quảng cáo)
Bài 2:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và vì sao hiền tài lại là nguyên khí quốc gia, hôm nay chúng ta hãy thử tìm hiểu về chân lý này và mối quan hệ của nó với vận mệnh nước nhà.
Trước tiên, ta sẽ tìm hiểu nghĩa của câu “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. “Hiền tài” là người tài cao, học rộng và có đạo đức. “Nguyên khí” là chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Vậy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” có nghĩa là: Hiền tài, chính là phần cốt lõi, chất ban đầu để làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước. Quốc gia có nhiều hiền tài và biết sử dụng hiền tài thì sẽ phát triển vững mạnh.
Vậy thì tại sao hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia? Trong mỗi quốc gia nhất thiết phải có một bộ phận lãnh đạo, điều hành đất nước, nếu như đất nước mà những người điều hành toàn là những kẻ ngu dốt, không học thức, không đạo đức thì có phải chăng là đã huỷ diệt đất nước hay không, dẫn chứng cụ thể cho điều này ta có thể lấy về chính quyền Khơ-me đỏ từ năm 1975 đến năm 1979 chúng lãnh đạo vương quốc Campuchia và đã đưa đất nước đến thảm hoạ diệt chủng, gây nên bao nỗi đau và sự căm hờn cho đất nước ta và người dân Campuchia, từ đấy ta thấy nếu quốc gia mà thiếu một hiền tài mà trụ cột thì chắc chắn đất nước sẽ diệt vong, xã hội ắt sẽ loạn.
Vậy trong quốc gia đã có người lãnh đạo thì họ sẽ phải lãnh đạo ai, họ sẽ phải lãnh đạo những hiền tài khác, nếu như người mà họ lãnh đạo là những con người ngu muội, đầu óc không sáng suốt, không biết sáng tạo thì chẳng phải là “ đổ nước vào cái xô thủng “ sao, vậy nên trong mỗi quốc gia cần có những hiền tài để xây dựng và phát triển đất nước theo đúng đường lối của người lãnh đạo, họ phải biết tự sáng tạo ra những ý kiến mới, tạo ra những phát minh mới, ví như những quốc gia như Mỹ, Nga, Anh, Pháp vì sao họ có thể phát triển đi trước các quốc gia khác, chính là nhờ họ có những nhà khoa học, bác học lỗi lạc đã tạo ra những kì tích trong khoa học kỹ thuật, đưa quốc gia phát triển lên một tầm cao mới. Hay ngay ở nước ta, đại tướng Võ Nguyên Giáp theo đường lối chỉ đạo của Bác Hồ vĩ đại đã tạo nên một trận Điện Biên Phủ làm trấn động năm châu, khiến cho người Pháp phải khăn gói về nước. Từ đó mới thấy tầm quan trọng của hiền tài trong công cuộc đổi mới đất nước.
Không những thế, chúng ta còn phải làm cho những người nông dân bình thường cũng có thể trở thành hiền tài, quốc gia nào cũng cần có những người dân thông minh và biết sáng tạo, đổi mới để đem lại lợi ích cho chính mình. Nhà nước ta đang chủ trương giáo dục, chính là để nâng cao dân trí, nuôi dưỡng phát triển những hiền tài trong tương lai. Ở các quốc gia phát triển, khi muốn ban hành những điều luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân thì họ đều phải đưa ra để trưng cầu dân ý để xem xét ý kiến của những người dân. Hay là các nhà khoa học khi đưa ra bất kì phát minh hay sáng kiến nào thì điều phải nghĩ đến có thể ứng dụng được cho người dân của họ hay không. Đất nước có nền dân trí cao, thì sẽ là động lực để thúc đẩy để phát triển các ngành kinh tế, vì công nghệ ngày càng đổi mới mà người dân không đi theo kịp thì sẽ bị tuột hậu và thua thiệt. Có những người nông dân Việt Nam, họ không cần chờ đến người khác mà họ đã tự phát minh những công cụ của riêng mình để phục vụ cho lao động, đó cũng chính là những hiền tài cho đất nước.
Hay trong giáo dục, những nhân tài trẻ tuổi đã làm rạng danh Việt Nam trong những cuộc thi lớn, thì đó cũng chính là hiền tài cuộc đất nước. Vận mệnh đất nước sao này sẽ phải giao cho những con người trẻ tuổi và tài năng như thế để đưa dân tộc hồi sinh và phát triển.
Qua các ý trên ta có thể thấy, hiền tài chính là nguyên khí của quốc gia, đất nước mà mỗi người dân là một hiền tài thì đất nước sẽ không ngừng phát triển, đất nước mà mỗi nhà lãnh đạo là một hiền tài thì vận mệnh nước nhà sẽ vững trải, xã hội sẽ ổn định. Bởi thế nên chúng ta phải hết sức phát huy khả năng và nuôi dưỡng các hiền tài, phải tạo điều kiện để họ thể hiện chính mình phục vụ cho đất nước.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là chân lý khả định vai trò quan trọng của hiền tài đối với vận mệnh dân tộc. Và mỗi chúng ta, những con dân đất việt phải có nhiệm vụ cống hiến sức lực của mình để phục vụ đất nước, dân tộc, nhân dân vì chúng ta chính là nguồn nguyên khí của đất nước.