Câu hỏi/bài tập:
Ngôn ngữ thơ Quang Dũng giàu chất nhạc và chất hoạ. Bạn hãy phân tích một đoạn thơ (từ 2 đến 4 câu) để thấy nét đặc sắc nghệ thuật đó.
* Nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng thơ mộng.
- Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội, khí hậu khắc nghiệt. Có những con đường hành quân chìm lấp trong mịt mù sương lạnh (Sài Khao… đêm hơi. Địa hình hiểm trở, cheo leo (Dốc lên khúc khuỷu… mưa xa khơi). Những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu gợi lên không khí núi rừng xa xôi, lạ lẫm, hoang sơ và bí ẩn.
- Con đường hành quân gập ghềnh, hiểm trở, đầy sự hiểm nguy: Dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, Heo hút, sương lấp. Dốc lặp 2 lần như tạo hình một khung cảnh núi non trùng điệp. Các từ láy giàu sức tạo hình (khúc khuỷu: gấp khúc đột ngột, độ gấp hẹp; thăm thẳm: sâu, hẹp, âm u, lạnh lẽo; heo hút: thưa, vắng, lạnh lẽo, âm u).
˗ Cồn mây: mây nổi thành cồn, tạo hình độ cao của núi, núi vươn đến tận trời mây, mây sà xuống mặt đất.
Advertisements (Quảng cáo)
˗ Súng ngửi trời là một cách nói nhân hóa, rất hiệu quả trong việc tạo hình độ cao của dốc núi: núi cao gần chạm đến mây trời, khoảng cách với bầu trời chỉ trong tầm mũi súng.
– Không gian được mở ra ở nhiều chiều: chiều cao đến chiều sâu hút của những dốc núi, chiều sâu của vực thẳm, bề rộng của những thung lũng trải ra sau màn sương.
˗ Cách ngắt nhịp 4/3 của câu thơ thứ ba tạo thành một đường gấp khúc của dáng núi; ba dòng thơ liên tiếp sử dụng nhiều thanh trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn. Những câu thơ như Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm; Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống… mang đậm chất hội họa với những đường nét rắn rỏi, góc cạnh.
˗ Ba câu thơ: Dốc lên… ngàn thước xuống được kết cấu bằng rất nhiều thanh trắc, nhiều phụ âm cuối là âm tắc góp phần khắc họa một thiên nhiên Tây Bắc trắc trở, hiểm nguy. Câu thơ đọc lên nghe nhọc nhằn như tiếng thở nặng nhọc của người lính trên đường hành quân Tây Tiến (Nguyễn Đăng Mạnh).
˗ Ngược lại câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi sử dụng toàn bộ các thanh bằng và rất nhiều âm tiết mở đã làm dịu đi những đường nét sắc cạnh của bức họa thiên nhiên miền Tây Bắc tổ quốc. Người đọc dường như cũng cảm nhận được cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái của những người lính Tây Tiến – sau một chặng đường vượt núi qua đèo, đứng trên đỉnh núi, tầm mắt trải ra bốn bề, ngắm nhìn những bản làng ẩn hiện trong màn mưa…
⇒ Những từ ngữ và hình ảnh nhân hóa được nhà thơ sử dụng để tô đậm ấn tượng về một vùng núi hoang vu dữ dội. Bức tranh của núi rừng miền Tây giàu được vẽ bằng bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giàu chất họa lại giàu chất nhạc. Nét vẽ vừa gân guốc, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại cũng rất mềm mại tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho bức tranh thiên nhiên vừa dữ dội hùng vĩ, vừa lãng mạn thơ mộng.