Câu hỏi/bài tập:
Thu thập tài liệu và viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp ứng phó.
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12 và liên hệ thực tiễn.
1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long:
Hạn hán, lũ, ngập lụt, tăng/giảm nhiệt độ, nắng nóng bất thường, mưa lớn cục bộ và sạt lở sông, biển là những biểu hiện BĐKH chủ yếu của vùng ĐBSCL. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
*Đối với tự nhiên:
- Xu hướng gia tăng nhiệt độ không khí:Theo số liệu quan trắc trung bình từ năm 1980 tại các trạm điển hình của vùng ĐBSCL (Trạm Mộc Hóa, Cao Lãnh đại diện cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười; trạm Châu Đốc, Rạch Giá cho tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên; trạm Cần Thơ, Mỹ Tho cho tiểu vùng trung tâm; trạm Cà Mau, Bạc Liêu, Ba Tri cho tiểu vùng ven biển) cho thấy,
nhiệt độ có xu thế tăng ở tất cả các tiểu vùng với tốc độ trung bình 0,027°C/năm; trong đó, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và tiểu vùng Đồng Tháp Mười tăng nhanh hơn các tiểu vùng còn lại.
- Lượng mưa thay đổi: Lượng mưa có xu thế tăng, giảm không rõ ràng; nhìn chung, tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng trung tâm, phía bắc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và tiểu vùng ven biển có lượng mưa trung bình thấp (1.250- 1.450mm); phía nam tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và tiểu vùng ven biển có lượng mưa trung bình nhiều năm cao (2.050-2.450 mm). Xu thế biến đổi lượng mưa cực đoan tăng, khoảng 0,3mm/thập kỷ, số ngày có lượng mưa lớn hơn 50mm có xu thế tăng ở các trạm Mỹ Tho, Cao Lãnh, Ba Tri và xu thế giảm ở các trạm Cà Mau, Cần Thơ, Châu Đốc.
- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan: trong vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, nắng gắt hơn, mưa lớn hơn, mặn xâm nhập sâu hơn và đến gần tháng 11 của năm vẫn xuất hiện lũ lớn, nắng nóng kéo dài, mưa với lưu lượng lớn kèm theo giông lốc, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và khó dự báo hơn trước.
- Về hiện tượng nước biển dâng, theo dự báo nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó thì khoảng 47,29% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập; các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Tứ giác Long Xuyên,… Khi mực nước biển dâng lên 1m thì gần như ĐBSCL của chúng ta khoảng phân nửa ngập dưới mực nước biển.
*Đối với kinh tế – xã hội:
- Nông nghiệp:Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các lĩnh vực và các ngành sản xuất kinh tế, trong đó nông nghiệp là ngành dễ tổn thương nhất. Hậu quả chung nhất của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp là làm giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia vì Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước ta.
- Công nghiệp: Các tác động và hậu quả của biến đổi khí hậu chủ yếu tập trung vào chi phí đổi mới công nghệ sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại, những khó khăn về nguồn nước và nguyên liệu.
- Dịch vụ: Trong nhóm ngành dịch vụ, giao thông vận tải và du lịch là các ngành chịu ảnh hưởng nhiều của các điều kiện tự nhiên nói chung, thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu nói riêng. VD:Giảm thời gian khai thác và gia tăng thiệt hại các công trình giao thông; Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn bị chìm ngập hoặc thay đổi và hư hại.
- Xã hội:
+ Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội do sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên và sự chuyển động dân số từ các vùng bị ảnh hưởng đến những nơi an toàn hơn (thường từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Đông Nam Bộ).
Advertisements (Quảng cáo)
+ Tăng mực nước biển có thể gây ra sự sụt lún, xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất đai ở các vùng ven biển, làm mất mất môi trường sống tự nhiên và ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở những khu vực này.
2. Các giải pháp ứng phó:
- Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (cơ cấu mùa vụ; cơ cấu cây trồng, vật nuôi,...).
+ Lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu.
+ Điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
+ Xây dựng các công trình thuỷ lợi nhằm điều tiết và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa.
+ Bảo vệ rừng, tăng cường trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển để bảo vệ đất, điều hoà nguồn nước, hạn chế thiên tai.
+ Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, khai thác lợi thế để phát triển bền vững.
- Nhóm giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu (trong sản xuất, giáo dục, tuyên truyền,...).
+ Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, hạn chế sử dụng chất hoá học trong nông nghiệp.
+ Đầu tư cải tiến công nghệ, kỹ thuật để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trong các ngành sản xuất, đặc biệt là trong công nghiệp năng lượng.
+ Thay thế nguồn năng lượng truyền thống bằng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo, ít phát thải khí nhà kính.
+ Điều chỉnh hoặc hạn chế các cơ sở sản xuất có lượng chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh.
+ Đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất phế thải; phát triển ngành công nghiệp tái chế thân thiện với môi trường.
+ Tăng cường các loại hình và hoạt động du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
+ Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
+ Xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế rác thải sinh hoạt, xây dựng không gian sống xanh – sạch – đẹp.
+ Có hình thức khen thưởng (hoặc kỉ luật) phù hợp với các cá nhân, tập thể có thành tích (hoặc vi phạm quy định) về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.