Câu 1
Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
Hôm nay, lớp tôi thảo luận về chủ điểm “Tiếp bước cha ông”. Một trong những ý kiến các bạn nêu ra là cần bảo vệ di sản của cha ông để lại. Tôi rất tán thành ý kiến này. Di sản là tài sản quý báu của cha ông, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi và bạn nhìn thấy di sản qua di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục, lễ hội,... Vì sao phải giữ gìn di sản của cha ông để lại? Vì giữ gìn di sản của cha ông để lại chính là giữ gìn thành quả lao động của những thế hệ trước. Để có một công trình kiến trúc, một mái đình, ngôi chùa,... cha ông ta đã phải đổ biết bao mở hội, công sức lao động thậm chí cả xương máu. Biết bao khát vọng của người xưa được gửi gắm vào mỗi di sản đó. Từ những di sản của cha ông, chúng ta thấy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những giá trị ấy đã nối kết quá khứ với hiện tại. Tôi nghĩ bảo vệ di sản của cha ông để lại là trách nhiệm của thế hệ trẻ, trong đó có tôi và các bạn.
(Đăng Dương)
a. Đoạn văn trên nói về sự việc gì? Người viết có ý kiến thế nào về sự việc đó.
b. Xác định các phần (mở đầu, triển khai, kết thúc) của đoạn văn.
c. Chọn nội dung tương ứng với mỗi phần của đoạn văn.
d. Trong phần triển khai, người viết đã đưa ra lý do và những dẫn chứng nào để chứng minh ý kiến của mình là đúng?
Em đọc kĩ đoạn văn để trả lời câu hỏi.
a. Đoạn văn trên nói về sự việc: Lớp của một bạn học sinh thảo luận về chủ điểm “Tiếp bước cha ông”. Có một bạn nêu ra ý kiến cần bảo vệ di sản của cha ông để lại.
Người viết có ý kiến tán thành với sự việc được nêu ra.
b. Xác định các phần của đoạn văn như sau:
+ Mở đầu: Từ đầu đến “Tôi rất tán thành ý kiến này”.
+ Triển khai: Từ “Di sản là tài sản quý báu…” đến “Những giá trị ấy đã nối kết quá khứ với hiện tại”.
+ Kết thúc: Phần còn lại.
c. Em chọn nội dung tương ứng với mỗi phần của đoạn văn:
+ Mở đầu: Giới thiệu sự việc, nêu ý kiến tán thành của người viết về sự việc.
+ Triển khai: Trình bày lý do và dẫn chứng để chứng minh ý kiến của mình là đúng.
+ Kết thúc: Khẳng định lại một lần nữa ý kiến tán thành về sự việc.
d. Trong phần triển khai, người viết đã đưa ra lý do và những dẫn chứng để chứng minh ý kiến của mình là đúng:
– Lý do: Di sản là tài sản quý báu của cha ông, trao truyền thế hệ này sang thế hệ khác.
+ Dẫn chứng: Tôi và bạn nhìn thấy di sản qua di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục, lễ hội,…
– Lý do: Vì sao phải giữ gìn di sản của cha ông để lại? Vì giữ gìn di sản của cha ông để lại chính là giữ gìn thành quả lao động của những thế hệ trước.
+ Dẫn chứng: Để có một công trình kiến trúc, một mái đình, ngôi chùa,... cha ông ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức lao động thậm chí cả xương máu.
+ Dẫn chứng: Biết bao khát vọng của người xưa được gửi gắm vào mỗi di sản đó.
– Lý do: Từ những di sản của cha ông, chúng ta thấy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Dẫn chứng: Những giá trị ấy đã nối kết quá khứ với hiện tại.
Câu 2
Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự việc, hiện tượng.
Advertisements (Quảng cáo)
G:
- Đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự việc, hiện tượng thường có mấy phần? Đó là những phần nào?
- Làm thế nào để ý kiến tán thành có sức thuyết phục?
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
- Đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự việc, hiện tượng thường có 3 phần:
+ Mở đầu: Giới thiệu sự việc, hiện tượng và nêu ý kiến tán thành của người viết.
+ Triển khai: Trình bày lý do, dẫn chứng để chứng minh ý kiến đó là đúng.
+ Kết thúc: Khẳng định lại ý kiến tán thành hoặc nêu ý nghĩa của sự việc, hiện tượng đó đối với cuộc sống.
- Để ý kiến tán thành có sức thuyết phục, cần:
+ Đưa ra được các lý do giải thích chọn lọc, dễ hiểu và có liên quan trực tiếp đến việc đồng ý hay không đồng ý với sự việc, hiện tượng.
+ Có các dẫn chứng thuyết phục để giải thích và bảo vệ lý do mà mình đưa ra. Dẫn chứng sinh động, gần gũi dễ hiểu và cụ thể.
Ghi nhớ
Đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự việc, hiện tượng thường có 3 phần:
- Mở đầu: Giới thiệu sự việc, hiện tượng và nêu ý kiến tán thành của người viết.
- Triển khai: Trình bày lý do, dẫn chứng để chứng minh ý kiến đó là đúng.
- Kết thúc: Khẳng định lại ý kiến tán thành hoặc nêu ý nghĩa của sự việc, hiện tượng đó dối với cuộc sống.
Vận dụng 1
Trao đổi với người thân về một chương trình truyền hình có tác động tích cực đối với học sinh.
Em dựa vào hiểu biết của bản thân để trao đổi với người thân.
Ví dụ:
Trường Teen là một chương trình gameshow tranh biện dành cho các bạn học sinh yêu thích tranh biện và nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề trong xã hội. Trong mỗi số, chương trình sẽ đề cập đến một chủ đề khác nhau, xoay quanh gia đình, trường học và cuộc sống.
Nhằm mục đích mở rộng và phát triển tranh biện tới học sinh và tạo môi trường cho các bạn tương tác về ý tưởng, có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, nâng cao các kĩ năng mềm thiết yếu như tư duy phản biện, hùng biện, thuyết trình, cách lắng nghe và tương tác với con người, làm việc nhóm.… Hứa hẹn đem những trải nghiệm thiết thực tới các bạn học sinh trên truyền hình.
Vận dụng 2
Tìm đọc sách báo viết về một danh nhân của Việt Nam.
Em tìm đọc sách báo viết về một danh nhân của Việt Nam qua sách báo, internet,…
Ví dụ: Cuốn sách Giai thoại Phan Bội Châu, Bác Hồ tấm gương mẫu mực về sự giản dị,….