Từ quan điểm dưới đây, em hãy viết bài thuyết trình về ý nghĩa của việc sống có lí tưởng:
“Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng, không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống.” – Lev Nikolayevich Tolsoy
I. Mở bài
- Dẫn dắt vào vấn đề: Để tồn tại trong một cuộc sống phức tạp, biến đổi không ngừng, mỗi người cần phải có lí tường của riêng mình. L. Tôn – xtôi đã từng nói, “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”
II. Thân bài
1. Giải thích câu nói
- “Lí tưởng” là mục đích cao cả nhất mà mỗi con người luôn mong muốn thực hiện được.
- Ý nghĩa của câu nói: lí tưởng chính là yếu tố giúp định hướng cách sống của mỗi người trong cuộc đời. Nếu không có lí tưởng sẽ không có lối sống kiên định rõ ràng, không có mục đích sống cụ thể và như vậy cuộc sống không còn ý nghĩa.
- Đánh giá về tính đúng đắn của câu nói.
2. Vai trò của lí tưởng
- Lí tưởng không chỉ là ngọn đèn chỉ lối, là yếu tố chỉ dẫn mà nó còn chính là đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người.
- Khi có lí tưởng mỗi người luôn cố gắng hết mình để thực hiện tốt những công việc cần làm, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.
- Khi hoàn thành tốt mọi công việc, bản thân ngày càng hoàn thiện thì thành công là điều tất yếu, lí tưởng dẫn dắt mỗi con người đến thành công,
- Là động lực để con người vượt qua khó khăn, vấp ngã để hướng đến tương lai
- Nhờ lí tưởng cao đẹp, của mỗi cá nhân mà xã hội trở nên tốt đẹp hơn bởi khi đó sẽ có tập hợp những lí tưởng tíc cực, mỗi người đều hành động vì lí tưởng của mình.
- Lí tưởng là cái cốt lõi thể hiện vai trò, giá trị mục đích sống của con người. Sống mà không có lí tưởng đơn thuần là sự tồn tại vô nghĩa. “Linh hồn của con người cần lí tưởng hơn thực tế. Chúng ta tồn tại nhờ thực tế nhưng chúng ta sống vì lí tưởng” (Vích – to Huy - go).
3. Phản đề, mở rộng
- Không phải chỉ khát khao những điều cao xa mới là có lí tưởng đẹp, lí tưởng cao cả. Lí tưởng cao cả còn là những suy nghĩ chân thành, tích cực, hướng con người ta đến cái thiện, cái đẹp.
- Nếu không có lí tưởng, con người sẽ sống mà không có mục đích, lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, dễ sa vào những hành động tội lỗi.
Advertisements (Quảng cáo)
- Cần phân biệt đâu là lí tưởng cao đẹp, tích cực đâu là những dục vọng tầm thường, những ham muốn phi nhân tính ảnh hưởng đến cộng đồng.
4. Nhận thức của bản thân
- Cần có thái độ lên án những người sống không có lí tưởng để họ tự nhận thức lại bản thân, tự xác định mục đích sống.
- Mặt khác, cần biết trân trọng những người có lí tưởng sống tích cực, lấy đó làm tấm gương để tự hoàn thiện mình.
- Bản thân cần phải tự xác định đâu mới thực sự là lí tưởng sống tích cực, lấy đó làm kim chỉ nam để thực hiện mọi công việc, có như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa.
- “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời” (Bê – lin - ski), nghĩa là lí tưởng sống là yếu tố tất yếu phải có trong mỗi người trẻ, không có lí tưởng sống sẽ không có cuộc sống thực sự.
III. Kết bài
- Nêu nhận định chung về vấn đề lí tưởng sống của mỗi người.
- Mỗi người cần xác định cho mình một lí tưởng sống tích cực để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi từng nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Câu nói của “Con sư tử” khổng lồ trong nền văn học Nga là một bài học lớn về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người.
Lí tưởng, đó là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin, là điều con người tôn thờ, khao khát. Có một niềm tin vững chắc vào lí tưởng, con người sống trong những niềm vui tột cùng như nhà thơ Tố Hữu từng hân hoan:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
(Từ ấy - Tố Hữu)
Tố Hữu cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước trong những tháng năm đất nước bị đô hộ, lí tưởng cùa nhà thơ là lí tưởng cộng sản, lí tưởng cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hôm nay đây, khi nước nhà đã trọn niềm vui độc lập, lí tưởng của mỗi cá nhân rất khác nhau song đều chung nhau ở khát khao được khẳng định bản thân, được đóng góp cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong câu nói của nhà văn Lép Tôn-xtôi chứa đựng những tư tường có tính chất kim chỉ nam cho vấn đề lí tưởng sống của mỗi con người. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Cuộc sống con người nhiều khó khăn, gian nan và vất vả. Nếu không có ánh sáng soi đường, không có sức mạnh cổ vũ, tiếp sức thì nhiều người đã gục ngă, bỏ cuộc. Vậy đâu là ánh sáng và sức mạnh của con người? Đó là lí tưởng. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường” vì nó chỉ cho con người con đường họ phải đi để đạt được mục đích, và đó là con đường sáng - con đường thiện. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường” còn bởi nó tạo ra động lực, thúc đẩy, động viên con người hành động để đạt được mục đích. Con người sống có lí tưởng luôn biết rõ con đường mình phải đi, không bị cám dỗ, níu kéo bời những lợi ích tầm thường, hèn kém: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định”. Trong tình cảnh nước nhà có giặc ngoại xâm, lí tưởng của con người Việt Nam là giết giặc cứu nước, lí tưởng ấy soi rọi con đường mỗi người dân nước Nam đang đi, họ hiểu rõ “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng) và “Thanh niên Việt Nam chỉ có một con đương duy nhất là làm cách mạng chứ không còn con đường nào khác” (Lí Tự Trọng). Người sống không có lí tưởng luôn bị dao động, không ổn định về lập trường, là đề tài bàn tán, chê bai của dư luận. Đó là trường hợp của những kẻ bán nước hại dân trước Cách mạng tháng Tám - 1945. Nhiều kẻ đã quy hàng thực dân Pháp nhưng khi Pháp hai lần bán nước ta cho Nhật thì lại đớn hèn lê gối làm tôi tớ cho Nhật tiếp tục phản bội giống nòi.
Người sống có lí tưởng luôn có sức mạnh để vượt qua muôn vàn gian khó, nguy hiểm trên đời. Các chiến sĩ cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không nề hiểm nguy, họ sống thiếu thốn, nghèo khó, lam lũ, lẩn trốn sự truy đuổi kẻ thù, thậm chí phải chịu lao tù, tra tấn “điện giật, dùi đâm”, “dao cắt”, bị bỏ đói,... Nhưng tất cả mọi thử thách dù nhọc nhằn gian khổ đến đâu đều không quật ngã được ý chí sắt đá, sự kiên cường bất khuất của những con người được tôi rèn bằng lí tưởng cách mạng. Vậy nếu như con người sống mà không có lí tưởng? Khi ấy, điều đó đồng nghĩa với việc “không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Gọi là cuộc sống sao được nếu như những vị anh hùng của thời đại chấp nhận “đốt cháy những gì mình đã tôn thờ và tôn thờ những gì mình đã đốt cháy”, phản bội lí tưởng, phản bội niềm tin để quay lưng với lợi ích dân tộc, chấp nhận cuộc đời nhung lụa trong tư thế cúi đầu đầy tủi nhục? Cũng chẳng thể gọi là cuộc sống nếu như mục đích của đời người trở thành một chiếc chong chóng đặt xuôi chiều con gió, bởi khi ấy, bạn đã trở thành một thứ đồ chơi trong tay kẻ khác.
Lí tưởng cao đẹp là phương hướng nhưng đồng thời đó còn là động lực giúp nhiều bạn trẻ hiện nay vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt. Sống không lí tưởng, gặp khó khăn sẽ mau chóng nản chí, bỏ cuộc dù đó chỉ là một cơn buồn ngủ lúc canh khuya học bài. Thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay đang cần lắm những con đường sáng, những sức mạnh diệu kì để vượt qua khó khăn của thế hệ. Vì vậy, việc tự xây dựng cho mình một lí tưởng cao đẹp là điều ai cũng cần làm và phải làm ngay, làm gấp.