Trang chủ Lớp 9 SBT Văn 9 - Chân trời sáng tạo Viết trang 86 SBT Văn 9 – Chân trời sáng tạo: đã...

Viết trang 86 SBT Văn 9 - Chân trời sáng tạo: đã giới thiệu được tác phẩm, thể loại, tên tác giả và khái quát được những nét đắc sắc của tác phẩm chưa?...

Đọc lại ngữ liệu tham khảo và trả lời các câu hỏi. Giải Câu 1, 2 - Giải Viết trang 86 sách bài tập Ngữ văn 9 - Chân trời sáng tạo - Bài 5. Khát vọng công lí. Đọc lại ngữ liệu tham khảo Phân tích đoạn trích “Mã giám sinh mua Kiều” trong Bài 5, Khát vọng công lí (Ngữ văn 9...

Câu 1

Đọc lại ngữ liệu tham khảo Phân tích đoạn trích “Mã giám sinh mua Kiều” trong Bài 5, Khát vọng công lý (Ngữ văn 9, tập một) đối chiếu với Bảng kiểm kĩ năng viết văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật ở Bài 2, Giá trị của văn chương (Ngữ văn 9, tập một) để trả lời các câu hỏi sau:

a. Mở bài đã giới thiệu được tác phẩm, thể loại, tên tác giả và khái quát được những nét đắc sắc của tác phẩm chưa? Người viết đã sử dụng câu văn nào để khái quát những nét đặc sắc của tác phẩm?

b. Người viết đã trình bày (những) luận điểm nào về nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm? Chỉ ra ít nhất một lý lẽ và một bằng chứng đã được sử dụng để làm sáng tỏ (từng) luận điểm?

c. Bài viết đã trình bày (những) luận điểm nào về chủ đề của tác phẩm? Chỉ ra ít nhất một lý lẽ và một bằng chứng đã được sử dụng để làm sáng tỏ (từng) luận điểm.

d. Chỉ ra nội dung của phần kết bài.

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

Đọc lại ngữ liệu tham khảo và trả lời các câu hỏi.

Answer - Lời giải/Đáp án

a. Mở bài giới thiệu được tác phẩm (đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, trích Truyện Kiều), tên tác giả (Nguyễn Du) và khái quát được những nét đặc sắc của tác phẩm (thể hiện qua câu văn: “Dù chỉ có một vài sự việc...thực trạng đau đớn ấy”)

b. Người viết đã trình bày những luận điểm sau về nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: nghệ thuật miêu tả nhân vật làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích, hình thức nghệ thuật của đoạn trích còn hấp dẫn người đọc ở sự kết hợp tài tình giữa yếu tố tự sự và trữ tình.

Học sinh có thể chỉ ra ít nhất một lý lẽ và một bằng chứng đã được sử dụng để làm sáng tỏ (từng) luận điểm, chẳng hạn như:

Luận điểm

Lý lẽ

Bằng chứng

Về hình thức nghệ thuật, nét đặc sắc đầu tiên làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích chính là nghệ thuật miêu tả nhân vật.

Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả thực để khắc họa chân dung nhân vật phản diện Mã Giám Sinh qua những chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ.

Về ngoại hình, ở tuổi trạc ngoại tứ tuần, họ Mã vẫn mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao....

Hình thức nghệ thuật của đoạn trích còn hấp dẫn người đọc ở sự kết hợp tài tình giữa yếu tố tự sự và trữ tình.

- Yếu tố tự sự được thể hiện qua việc Nguyễn Du đã kể lại chi tiết một cuộc mua bán đặc biệt (mua bán người) với những sự việc và nhân vật cụ thể.

- Sự thể hiện của yếu tố trữ tình trong đoạn trích và cách tác giả khéo léo miêu tả tâm trạng nhân vật (Thúy Kiều) và sử dụng ngôn ngữ bình luận để bộc lộ thái độ, sự đánh giá đối với các nhân vật.

......

Mối càng vén tóc bắt tay (kể); Nét buồn như cúc điệu gầy như mai (tả tâm trạng, bình luận).

c. Bài viết đã trình bày luận điểm sau về chủ đề của tác phẩm: nét đặc sắc của đoạn trích còn thể hiện ở chủ đề tiêu biểu cho giá trị nội dung của Truyện Kiều: bức tranh hiện thực của một xã hội tha hóa vì đồng tiền và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Luận điểm

Lý lẽ

Bằng chứng

Nét đặc sắc của đoạn trích còn thể hiện ở chủ đề tiêu biểu cho giá trị nội dung của Truyện Kiều: bức tranh hiện thực của một xã hội tha hóa vì đồng tiền và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả

Hiện thực thối nát của xã hội ấy đã được phơi bày qua cách Nguyễn Du tái hiện chân thật cảnh mua bán người được ngụy trang dưới hình thức của một lễ đính hôn.

Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong…

d. Nội dung của phần kết bài: Khái quát nội dung chủ đề và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.


Câu 2

Thực hiện một trong hai đề bài sau:

Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du).

Đề 2: Viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du).

CHÍ KHÍ ANH HÙNG

Nửa năm hương lửa đương nồng,Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.Trông vời trời bể mênh mang,Thanh gươm, yên ngựa, lên đường thẳng dong.Nàng rằng: “Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”.Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.Bằng nay bốn bể không nhà,Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?Đành lòng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì!”Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng tiện đã lìa dặm khơi.

(In trong Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê giới thiệu và chú thích, in lần thứ 4, có bổ sung, NXB Giáo dục, 1984)

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

Thực hiện bài viết theo quy trình viết bốn bước.

Answer - Lời giải/Đáp án

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài, người đọc, mục đích viết:

+ Đề tài bài viết là chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một đọan trích (Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến/ Chí khí anh hùng trong Truyện Kiều (Nguyễn Du).

+ Người đọc và mục đích viết: học sinh tự trả lời.

- Thu thập tư liệu: thực hiện theo hướng dẫn trong SGK, phần Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học, Bài 2 (Giá trị của văn chương).

Chú ý xác định tính chính xác, độ tin cậy của tư liệu. Có thể dùng bảng sau để ghi chép tóm tắt thông tin tư liệu khi thu thập:

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Đối với đoạn trích Chí khí anh hùng, em có thể tìm ý theo những gợi ý sau:

+ Chủ đề chính: chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải. Chí khí ấy được biểu hiện qua cách tác giả miêu tả hình tượng người anh hùng Từ Hải, sử dụng kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Chí khí ấy giúp người đọc hiểu được ước mơ, lý tưởng anh hùng của Nguyễn Du trong hoàn cảnh tù túng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

+ Nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện qua cách tác giả miêu tả hình tượng người anh hùng theo khuynh hướng lý tưởng hóa; cách tác giả sử dụng kết hợp ngôn ngữ tác giả với ngôn ngữ nhân vật để vừa khắc họa lý tưởng anh hùng của nhân vật vừa bộc lộ thái độ trân trọng, ca ngợi, khẳng định của tác giả đối với Từ Hải.

Lưu ý: Đối với truyện thơ, khi xác định những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật, cần chú ý đến đặc điểm của thể loại truyện thơ (cốt truyện, nhân vật, lời thoại).

- Có thể tham khảo dàn ý bài văn nghị luận phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng như sau:

Advertisements (Quảng cáo)

Mở bài:

- Giới thiệu đoạn trích, tác phẩm, thể loại, tác giả.

- Nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài:

a. Tóm tắt vị trí của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du): Đoạn trích là phần văn bản được trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, trong lúc tâm trạng đang vô cùng chán chường, tuyệt vọng, Kiều gặp Từ Hải.Họ gặp nhau như những người tri kỉ. Từ Hải đánh giá Kiều rất cao, Kiều cũng nhận ra Từ Hải là một đấng anh hùng. Từ đã bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Tuy nhiên tình yêu không thể giữ chân Từ Hải được lâu, sau nửa năm “hương lửa” mặn nồng, Từ Hải từ giã Kiều ra đi để lập sự nghiệp anh hùng với lời hẹn ước sẽ quay về sau một năm.

b. Những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của đoạn trích:

- Cách miêu tả hình tượng người anh hùng theo khuynh hướng lý tưởng hóa.

+ Lý lẽ 1: Trong văn học trung đại, người anh hùng thường là những nhân vật lý tưởng, xuất chúng, phi thường. Vì thế để miêu tả họ, các tác giả thường dùng những từ ngữ, hình ảnh có tính chất khuôn mẫu, ước lệ và gợi liên tưởngđến không gian rộng lớn, bao la, kì vĩ khoáng đạt của vũ trụ. Tất cả những từ ngữ, hình ảnh mới phù hợp với tầm vóc, lý tưởng, khát vọng, hoài bão lớn lao của người anh hùng.

=> Bằng chứng: Khắc họa chân dung Từ Hải, tác giả dã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang cảm hứng vũ trụ để miêu tả phù hợp lý tưởng, chí hướng tung hoành, vẫy vùng trong bốn bể của nhân vật, từ đó góp phần nâng cao tầm vóc của nhân vật như: lòng bốn phương, trời bể mênh mang, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường, bốn bể,…Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những từ ngữ, hình ảnh có tính chất ước lệ để tô đậm vẻ đẹp lý tưởng của hình tượng người anh hùng, chẳng hạn như: trông vời trời bể mênh mang, gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi,…

+ Lý lẽ 2: Vẻ đẹp của người anh hùng còn được tập trung khắc họa qua những hành động, suy nghĩ dứt khoát, mạnh mẽ, quyết liệt để tô đậm hùng tâm, tráng chí của nhân vật.

=> Bằng chứng: thoắt đã động lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong, quyết lời dứt áo.

- Kết hợp khéo léo ngôn ngữ của tác giả với ngôn ngữ nhân vật để vừa khắc họa lý tưởng anh hùng của nhân vật vừa bộc lộ thái độ, đánh giá đối với nhân vật.

+ Lý lẽ 1: Sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện để gián tiếp bộc lộ thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với người anh hùng Từ Hải.

=> Bằng chứng: dùng những từ ngữ có sắc thái ngợi ca, tôn kính để gọi Từ Hải (trượng phu, lòng bốn phương), dùng hình tượng chim bằng để nói về Từ Hải.

+ Lý lẽ 2: Chủ yếu dùng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật để thể hiện lý tưởng, chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải: quyết liệt, dứt khoác ra đi vì lý tưởng, không quyến luyến, bịn rịn trong buổi chia tay; tự tin ước hẹn chắc nịch về một tương lai huy hoàng, rực rỡ à Bằng chứng: Từ rằng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình; Làm cho rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia; Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy chăng là một năm sau vội gì?...

c. Trình bày luận điểm về chủ đề của đoạn trích:

- Chủ đề chính của đoạn trích (chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải) được tập trung làm rõ từ những yếu tố đặc sắc về hình thức nghệ thuật của đoạn trích.

+ Lý lẽ 1: Chọn được sự việc đặc biệt để thể hiện một cách ấn tượng chí khí hào hùng của nhân vật Từ Hải: sự việc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải giữa lúc tình cảm đương mặn nồng. Trong bối cảnh ấy, thông thường người trong cuộc sẽ bịn rịn, quyến luyến không rời. Tuy nhiên, Từ Hải trước lời nguyện cầu tha thiết, chan chứa tình cảm của Kiều, dù vẫn rất ân cần khuyên nhủ nhưng dứt khoát mạnh mẽ, hết lời dặn dò, động viên, thấu hiểu Kiều và hẹn ngày trở về với bao niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi.

=> Bằng chứng: “Tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

+ Lý lẽ 2: Cách tác giả miêu tả nhân vật người anh hùng theo khuynh hướng lý tưởng hóa, kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật để tô đậm vẻ đẹp lý tưởng của nhân vật à Tập trung hướng đến việc làm rõ chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải.

- Việc tô đậm chí khí ấy là một sự sáng tạo của Nguyễn Du, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về ước mơ, lý tưởng anh hùng của tác giả trong hoàn cảnh tù túng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

+ Lý lẽ 1: Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải chỉ được xây dựng với chân dung của một tên cướp. Tuy nhiên, đến Truyện Kiều, Nguyễn Du lại khắc họa chân dung Từ Hải là một người anh hùng phi thường với bút pháp miêu tả ước lệ, mang đậm cảm hứng vũ trụ.

=> Bằng chứng: “Lúc ấy có một hảo hán tên Hải họ Từ, tự là Minh Sơn, có tính khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tì thiếp coi thường, lại còn tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng, Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khóa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách” (hồi 17, Kim Vân Kiều truyện)

+ Lý lẽ 2: So Kim Vân Kiều truyện, đoạn trích Chí khí anh hùng là một sáng tạo của Nguyễn Du, qua đó tác giả gửi gắm ước mơ về một ngườfia nh hùng có sức mạnh phi thường để có thể thực thi công lý trong cảnh đời tù túng của xã hội cũ.

=> Bằng chứng: Trong Kim Vân Kiều truyện, cuối hồi thứ 27, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ kể về sự việc Từ Hải sau khi cứu được Kiều ra khỏi lầu xanh thì “sắm một căn nhà ở với Thúy Kiều. Được năm tháng bèn từ biệt ra đi. Chưa biết sau khi đi thế nào, hãy xem hồi sau phân giải”. Như vậy, trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả không miêu tả cảnh tiễn biệt để tô đậm khí phách hào hùng của nhân vật.

Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc liên quan đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân về tác phẩm hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

Bước 3: Viết bài

Dựa trên dàn ý đã lập, em tiến hành viết bài.

Trước khi viết, em cần đọc lại một số lưu ý được trình bày trong sách giáo khoa, phần Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học và Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (Bài 2) để hiểu rõ hơn về yêu cầu của kiểu bài.

Trong khi viết, em nên thường xuyên đọc lại những phần đã viết, đối chiếu với những tiêu chí của bảng kiểm để đảm bảo bài viết luôn đáp ứng các yêu cầu của kiểu bài.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sau khi viết, em tự đánh giá lại bài viết của mình bằng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đã sử dụng ở bước 3. Sau đó, hãy trình bày (những) kinh nghiệm của bản thân có được từ việc thực hiện bài viết này.

PHIẾU THU THẬP TƯ LIỆU

1. Nội dung ghi chép về tác phẩm:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

STT

Tên tư liệu

Nguồn

Tóm tắt nội dung tư liệu

Nội dung tư liệu phục vụ cho bài viết

….

….

Advertisements (Quảng cáo)