Vì sao nhân vật trữ tình (“tôi” – kẻ lữ hành) lại phân vân trước hai lối rẽ của con đường trong rừng thu?
Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 104 – 105) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Hình ảnh trung tâm của bài thơ là gì? Nó đã được nhân vật trữ tình nói đến như thế nào?
- Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn.
- Xác định hình ảnh trung tâm.
- Rút ra nhận xét.
Hình ảnh trung tâm của bài thơ, như nhan đề cho biết, là “con đường không chọn”. Hình ảnh này được nhân vật trữ tình nhắc đến nhiều lần trong bài thơ (trước khi ám ảnh độc giả, nó đã làm “tôi” luôn bận lòng):
– Lần thứ nhất, được nhắc trong sự phân vân khi con đường đang đi trong rừng bỗng mở trước mặt hai lối rẽ.
– Lần thứ hai, được nhắc trong sự hứa hẹn với chính bản thân rằng một ngày nào đó mình sẽ bước chân trên con đường này.
– Lần thứ ba, được nhắc trong dự cảm rằng lời tự hứa sẽ khó thực hiện.
– Lần thứ tư, được nhắc trong sự hồi nhớ về quyết định ban đầu – cái quyết định đã làm nên số phận của một con người.
Dĩ nhiên, trong bài thơ, hình ảnh “con đường đã chọn” cũng xuất hiện song song với hình ảnh “con đường không chọn”, nhưng chính hình ảnh con đường không chọn mới để lại những mối ưu tư không dứt cho nhân vật trữ tình. Từ hình ảnh này, bài thơ gợi lên một vấn đề mang tính phổ quát: cuộc đời mỗi người luôn phụ thuộc vào những lựa chọn, nhưng cách lựa chọn, những điều chi phối sự lựa chọn luôn là một câu đố, một bí mật.
Câu 2
Vì sao nhân vật trữ tình (“tôi” – kẻ lữ hành) lại phân vân trước hai lối rẽ của con đường trong rừng thu?
- Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn.
- Chú ý tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Rút ra nguyên nhân vì sao tôi lại phân vân trước hai lối rẽ.
Theo những dữ kiện trong bài, sở dĩ nhân vật trữ tình (“tôi” – kẻ lữ hành) mãi phân vân trước hai lối rẽ của con đường trong rừng thu là vì:
- Hai lối rẽ quá giống nhau: đều có “vệt mòn”, dẫn tới đâu không rõ, đều ngập lá vàng trong “sáng ấy” và trên các “thảm lá” mà “chưa chân ai hằn dấu thẫm”.
- Nhân vật trữ tình chưa có một định hướng rõ rệt, để khi đưa ra quyết định sau cùng, anh chỉ biết dựa vào một “thôi thúc” mơ hồ, cảm tính. Ở phần cuối bài thơ, nhân vật trữ tình tuy có lưu ý rằng con đường đã chọn là con đường “ít dấu chân người”, nhưng không thể nói dấu hiệu này đã gây sự chú ý đặc biệt chẳng qua nó được nêu lên chỉ để phân biệt một cách tương đối hai lối rẽ với nhau mà thôi.
Câu 3
Phải chăng sau nhiều lưỡng lự, suy tính, nhân vật trữ tình đã hoàn toàn yên tâm với việc lựa chọn lối rẽ của mình? Những dấu hiệu, chi tiết nào trong bài thơ có thể giúp bạn giải đáp được câu hỏi này?
- Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn.
- Chú ý vào sự lựa chọn của nhân vật trữ tình.
- Rút ra nhận xét, đánh giá của bạn về sự lựa chọn đó của nhân vật “tôi”.
Qua hồi lâu lưỡng lự, việc chọn đi theo lối rẽ sau (theo thứ tự trần thuật) không khiến nhân vật trữ tình hoàn toàn yên tâm. Nhiều dấu hiệu, chi tiết trong hai khổ cuối của bài thơ nói lên điều này:
- “Tôi” vẫn muốn một ngày nào đó được đi trên con đường đã không chọn lúc ban đầu. “Tôi” sợ không có điều kiện thực hiện cuộc lựa chọn lần hai, một khi lựa chọn ban đầu có thể đẩy đời người vào một thứ mê cung phức tạp, rắc rối.
- “Tôi” không ngăn được tiếng “thở dài”, vì bên trong dường như có chút tiếc nuối. Điều đó ngầm cho biết con đường đã chọn không hoàn toàn đưa đến sự thoả mãn (nếu thoả mãn, chắc “tôi” sẽ không nhớ lại sự lựa chọn ban đầu với nhiều ưu tư đến vậy).
- “Tôi” nhắc đến sự “khác biệt” của đời mình không phải với cảm xúc tự hào, hãnh diện. Từ “khác biệt” ở đây chỉ tổng thể những nông nỗi, sự kiện, sự cố đã xảy ra trong đời, cái làm nên số phận không giống ai của “tôi”.
Câu 4
Tự hứa hẹn với mình rồi lại thấy sự hứa hẹn đó không lấy gì làm chắc chắn – điều gì đã khiến cho “tôi” rơi vào tình trạng ít tin tưởng ấy? Bạn nhận xét thế nào về đặc điểm con người của “tôi” được bộc lộ qua khổ thơ thứ ba?
- Đọc kĩ khổ thơ thứ ba.
- Xác định nguyên nhân khiến tôi rơi vào tình trạng ít tin tưởng.
- Rút ra nhận xét về con người của “tôi”.
Ở ba dòng sau của khổ thơ thứ ba, ngay khi vừa mới nói lời hẹn ước (cũng là nỗi mong ước), nhân vật trữ tình đã lập tức bộc lộ cảm giác thiếu tin tưởng về “kế hoạch” do chính mình đặt ra. Lí do dẫn tới điều này có thể là:
– Nhân vật trữ tình dự cảm được những phức tạp của cuộc đời – nhân tố cản trở mỗi người có thể làm được điều dự định (hình ảnh “đường nối đường” nói lên sự đan cài ngược xuôi bộn bề của những hướng đi hay những khả năng lựa chọn mà người ta không dễ làm chủ).
– Nhân vật trữ tình chưa có được một động lực lớn lao, đủ cho mình theo đuổi đến cùng điều mong muốn (thực ra, điều mong muốn đó cũng chưa có gì rõ rệt). Nhìn chung, qua khổ thơ thứ ba, nhân vật trữ tình tự thể hiện là một con người nhạy cảm, hay nghĩ ngợi, hiểu được sự bất toàn (không trọn vẹn) của mọi lựa chọn trong đời nhưng lại hơi thiếu tính quyết đoán.
Câu 5
Đang trong thời điểm hiện tại,“tôi” đã vội nghĩ về một ngày xa xôi ở phía trước. Có phải tâm trạng của “tôi” trong ngày ấy chỉ tràn ngập sự tiếc nuối hay không? Hãy cho biết cảm nhận và lí giải của bạn về vấn đề này.
- Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn.
- Xác định tâm trạng của tôi trong thời điểm hiện tại.
- Rút ra nhận xét.
– Trong một ngày xa nào đó, tâm trạng của “tôi” không hẳn là tiếc nuối. Sự tiếc nuối chỉ đến khi người ta nhận thức rõ mình đã chọn sai đường hoặc khi thực sự biết rằng: Nếu trước đó mình quyết định khác đi thì cuộc đời hẳn đã có kết quả tích cực, tươi sáng hơn.
- Tâm trạng của “tôi trong mấy câu cuối của bài thơ thật sự phức tạp. “Tôi” nghĩ về bản thân sự lựa chọn nhiều hơn là thao thức trước kết quả cuối cùng mà sự lựa chọn đó mang lại.
Câu 6
Bạn hiểu như thế nào về ý thơ toát lên từ hai dòng cuối của tác phẩm? Hãy tưởng tượng và miêu tả cảm giác của nhân vật trữ tình khi thốt lên từ “khác biệt” trong bản dịch 2 (tr. 105).
- Đọc kĩ phần thông tin về tác giả, tác phẩm trong SGK Ngữ văn 10, tập hai, tr. 106.
- Xem lại những gợi ý giải đáp ở câu 5 để triển khai nội dung phần trả lời của mình.
- Ý thơ được toát lên từ hai dòng cuối của tác phẩm:
Dù muốn hay không, khi đứng trước sự lựa chọn bắt buộc tác giả phải đưa ra quyết định cho bản thân mình. Tác giả chưa bao giờ cho rằng sự lựa chọn con đường chưa có người đi của mình là sai lầm và cũng chưa bao giờ tỏ ra ân hận vì sự lựa chọn đó. Nhưng mà trong sâu thẳm của tâm hồn, “con đường không được chọn” vẫn có sức vẫy gọi rất lớn như một bến bờ hạnh phúc mà con thuyền cuộc đời của nhà thơ không bao giờ cập bến được.
- Cảm giác của nhân vật trữ tình khi thốt lên hai từ “khác biệt” trong bản dịch:
+ “Tôi” thốt lên từ “khác biệt” trong “tiếng thở dài” chứ không phải trong cảm xúc kiêu hãnh. Điều đó cho thấy, ở đây, từ”khác biệt” thể hiện thái độ trầm tư hơn là cảm giác hân hoan.
+ Từ “khác biệt”, theo góc nhìn nói trên, đã thâu tóm toàn bộ những nỗi đời, những khúc quanh đặc thù của một số phận – điều được tạo nên bởi sự lựa chọn ban đầu của “tôi” và “tôi” phải chấp nhận, bất kể hay, dở, thành công hay thất bại.
Câu 7
Nêu nhận xét khái quát về mối quan hệ giữa hình ảnh con đường và hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ.
- Đọc lại hai bản dịch bài thơ Con đường không chọn.
- Rút ra nhận xét về mối quan hệ giữa hình ảnh con đường và hình ảnh nhân vật trữ tình.
- Trong bài thơ, giữa hình ảnh con đường và hình ảnh nhân vật trữ tình có sự thống nhất chặt chẽ, tuy hai nhưng cũng là một.
- Con đường không chỉ là con đường cụ thể mà còn là biểu tượng của đường đời, đường số phận, đúng hơn là biểu tượng của sự lựa chọn đường đi trong cuộc sống.
- Có thể nói, nếu không có “tôi” với những trăn trở về sự lựa chọn thì cũng sẽ không có con đường với hai lối rẽ khiến người lữ hành phải phân tâm như bài thơ cho biết. Như vậy, con đường là sự hình tượng hoá những trăn trở của chính nhà thơ, như được sinh ra từ những trăn trở ấy.
Câu 8
Bạn đã liên hệ tới bản thân như thế nào khi trải nghiệm cùng bài thơ? Nêu điều bạn tâm đắc nhất với tác phẩm Con đường không chọn của Rô-bớt Phờ-rót.
- Đọc kĩ bài thơ Con đường không chọn.
- Liên hệ tới bản thân.
- Rút ra điều tâm đắc nhất khi đọc tác phẩm.
Liên hệ tới bản thân khi trải nghiệm bài thơ:
- Cuộc đời là những sự lựa chọn, bản thân cũng đã từng băn khoăn, trăn trở, suy tư trước khi đưa ra quyết định của mình.
- Bản thân cũng đã từng không trân trọng những gì mình đang có mà ngược lại, chỉ trân trọng và khao khát những cái đã mất đi hoặc không thuộc về mình như tác giả.
Điều tâm đắc nhất về con đường không chọn của Rô-bớt Phờ-rót.
- Tâm đắc với thông điệp tác giả gửi gắm trong bài thơ: Cuộc đời là một hành trình dài, ẩn chứa vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Chỉ có việc lựa chọn mới giúp con người ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực mà mình cần tìm kiếm.