Trong suy đoán của nhân vật “tôi”, Na-đi-a đã có trạng thái tâm lí như thế nào khi thường xuyên nghe câu “Na-đi-a, anh yêu em!” lúc xe lao dốc, dù không biết đó là tiếng của người con trai cùng ngồi xe trượt tuyết với mình hay là tiếng gió?
Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ trong SGK Ngữ văn 10, tập hai, (tr. 55 – 56), đoạn từ: “Từ hôm đó, ngày nào tôi và Na-đi-a” đến “không còn khả năng hiểu nữa..” và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Ngày nào cũng trượt tuyết lao dốc cùng Na-đi-a, và mỗi lần lao xe từ trên đồi xuống, nhân vật “tôi” lại thì thào nhắc câu“Na-đi-a, anh yêu em!”. Bạn nghĩ gì về hành động đó của nhân vật “tôi”?
- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý thái độ của “tôi” sau khi nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!”.
- Trình bày suy nghĩ của bạn về hành động đó của nhân vật “tôi”.
Ban đầu, câu nói của “tôi” có thể xuất phát từ một cảm xúc mơ hồ nào đó, nhưng những lần tiếp theo, sự bông đùa đã trở nên rõ ràng. Thậm chí, nhân vật “tôi” còn đùa dai, dù thấy những băn khoăn, day dứt, khổ sở của người con gái. Có thể anh ta nghĩ câu nói của mình không gây tai hại gì cho Na-đi-a. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, ta có thể rút ra một điều: không nên bông đùa với tình yêu.
Câu 2
Trong suy đoán của nhân vật “tôi”, Na-đi-a đã có trạng thái tâm lí như thế nào khi thường xuyên nghe câu “Na-đi-a, anh yêu em!” lúc xe lao dốc, dù không biết đó là tiếng của người con trai cùng ngồi xe trượt tuyết với mình hay là tiếng gió?
- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý vào hành động và phản ứng của Na-đi-a sau khi nghe câu nói đó.
- Rút ra suy đoán của nhân vật “tôi”.
Lần lao dốc nào cũng nghe loáng thoáng lời tỏ tình khiến Na-đi-a có tâm trạng rất đặc biệt. Người kể chuyện cho rằng, việc nghe những lời yêu đương ngọt ngào đã trở thành một nhu cầu của nàng, vì thế, nàng chỉ cần được nghe lời thổ lộ tình yêu như thế là đủ, việc xác định người con trai hay gió đã nói câu đó không quan trọng. Đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của người kể chuyện, có thể không hẳn đúng với những gì đang diễn ra trong tâm trạng Na-đi-a.
Câu 3
Theo bạn, Na-đi-a đã thật sự có tình cảm với nhân vật “tôi” hay chỉ muốn xác định có phải “tôi” là người đã nói câu mà nàng thường xuyên được nghe khi xe lao dốc? Dựa vào đâu mà bạn khẳng định như vậy?
- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý vào tâm trạng của Na-đi-a mỗi khi nghe câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!”.
- Đưa ra nhận định về tình cảm của Na-đi-a dành cho nhân vật “tôi”.
Đoạn trích này (cũng như trong toàn bộ tác phẩm) không có câu nào miêu hiện tả tình cảm giữa Na-đi-a với nhân vật “tôi” ngoài lời tỏ tình đùa cợt của “tôi” và thái độ, tâm trạng của Na-đi-a. Tuy nhiên, việc Na-đi-a nhiều lần vượt qua nỗi sợ hãi để trượt tuyết có thể còn bởi người ấy đã tạo cho cô một mối cảm tình, dù chưa thật rõ ràng, sâu sắc.
Câu 4
Nhân vật “tôi” đã nghĩ như thế nào về việc Na-đi-a quyết định trượt tuyết một mình? Vì sao “tôi” phải dùng cụm từ “chắc là” khi diễn đạt những điều mình phân tích chứ không khẳng định dứt khoát?
- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý nghĩa của cụm từ “chắc là”.
- Nêu suy nghĩ của nhân vật “tôi” về việc Na-đi-a quyết định trượt tuyết một mình.
Đối với Na-đi-a, trượt tuyết một thử thách quá sức. Nhưng một lần, nàng đã quyết trượt tuyết một mình, dù vẫn vô cùng sợ hãi. Nhân vật “tôi” cho rằng: chắc là nàng muốn thử xem có còn nghe thấy cái câu từng nhiều lần nghe loáng thoáng khi trượt tuyết cùng một người con trai.
Cụm từ “chắc là” thể hiện sự suy đoán của nhân vật “tôi”. Vì người kể chuyện xưng “tôi” dù sao cũng là người quan sát, chứ không phải chính Na-đi-a.
Câu 5
Tâm trạng của Na-đi-a trong lần trượt tuyết một mình được miêu tả qua điểm nhìn nào?
- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.
- Chú ý tâm trạng của Na-đi-a.
- Xác định điểm nhìn của tác giả.
Tâm trạng của Na-đi-a khi trượt tuyết một mình chỉ có nàng biết. Nhưng nhân vật “tôi” đoán rằng “chính nàng cũng không biết nàng có nghe được những lời đó hay không”. Người kể chuyện ngôi thứ nhất (hạn tri) lại thấu suốt mọi biểu hiện phức tạp của tâm trạng Na-đi-a. Điểm nhìn bên ngoài (từ người kể) đã chuyển dịch vào điểm nhìn bên trong (từ chính Na-đi-a).