Trang chủ Lớp 12 Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ) Tác giả Chế Lan Viên, 1 – Vài nét về tiểu sử...

Tác giả Chế Lan Viên, 1 – Vài nét về tiểu sử và con người Tên thật là: Phan Ngọc Hoan Bút danh khác: Thạch Hãn, Chàng Văn....

Văn nghị luận - Tác giả Chế Lan Viên. 1 – Vài nét về tiểu sử và con người Tên thật là: Phan Ngọc Hoan Bút danh khác: Thạch Hãn, Chàng Văn.

Quê quán: Can an- Cam lộ- Quảng Trị. Thời trai trẻ chủ yếu sống ở Quy Nhơn – Bình Ðịnh. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

- Cách mạng tháng Tám thành công, Chế Lan Viên đến với cách mạng bằng sự hăng hái nhiệt tình của tuổi trẻ. Ông làm biên tập cho các báo Quyết thắng của Mặt trận Việt minh, Cứu quốc, Kháng chiến của liên khu IV. Năm 1949 Chế Lan Viên được kết nạp vào Ðảng.

- Sau năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung Ương. Ðến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học. Từ năm 1963 là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư kí Hội nhà văn Việt Nam.

- Sau năm 1975, ông chuyển vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và qua đời ngày 19 6 – 1989.

Ông để lại cho nền văn học dân tộc một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ :
+ 15 tập thơ .
+ 7 tác phẩm văn xuôi.
+ 8 tập tiểu luận – phê bình.
Tóm lại: Cả cuộc đời mình, Chế Lan Viên gắn bó với Tổ quốc, có nỗi đau và niềm vui. Cuộc sống cách mạng đã giúp Chế Lan Viên Bay theo đường dân tộc đang bay, tạo điều kiện thuận lợi để nhà văn phát huy được tài năng, đóng góp lớn cho kho tàng văn chương của dân tộc.

 2 Chế Lan Viên với thơ
2.1 Vài nét về quan niệm thơ của Chế Lan Viên:

Quan niệm thơ của Chế Lan Viên được thể hiện ở các bài viết, bài nói chuyện, đặc biệt là trong rất nhiều bài thơ và tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:

2.1.1 – Quan niệm về vị trí và phẩm chất của nhà thơ:

Chế Lan Viên quan niệm sáng tạo thơ là một nghề cao quý trong xã hội, nhà thơ phải có vị trí, sứ mệnh cao cả đối với đời. Nghề thơ, không phải ai cũng làm được, bởi nhà thơ phải có hồn thi sĩ. Nhà thơ không chỉ biết tin yêu cuộc đời, có khát vọng vươn tới cái chân, thiện, mĩ của cuộc sống, mà còn phải thật sự khổ luyện để vượt lên tất cả. Nhà thơ cần phải nhìn, nghe và suy ngẫm để góp phần lí giải khám phá những vấn đề trong đời sống. Nghề thơ đòi hỏi nhà thơ phải có tài năng thơ mới có thể cảm nhận, khám phá, thể hiện cuộc sống một cách tinh tế, nhạy bén. Mặt khác, nghề thơ còn đòi hỏi nhà thơ vừa phải biết giữ gìn, trân trọng và phát huy cái tài năng bẩm sinh trời cho, vừa phải không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, rèn luyện và trau dồi về mọi phương diện nhằm sáng tạo nên cái thần mới cho thơ. Chế Lan Viên luôn xem việc học hỏi, sáng tạo là cuộc Vượt bể trong suốt cả đời mình và ông khẳng định, Nghề của chúng ta cần phải nắm bắt chính xác vòng quay thời đại để tạo nên mùa và đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích, phải luôn biết vượt lên tất cả để Săn thơ, Tìm thơ. Chế Lan Viên đòi hỏi, nhà thơ cần phải có cá tính sáng tạo. Ông ví mỗi nhà thơ như một dòng sông mang đặc tính và vẻ đẹp riêng. Nhà thơ cần phải giữ được cái tạng riêng cho mình. Nếu chỉ biết đi theo lối mòn trong sáng tạo, thì tất yếu nhà thơ tự đánh mất mình, hoặc sẽ rơi vào cái đội quân nhạt nhạt mờ mờ. Nghề thơ đòi hỏi nhà thơ không chỉ có tài năng, mà còn phải có nhân cách, có cái tâm trong sáng bởi đó là gốc rễ của văn chương. Ðừng hợm hĩnh và đừng bao giờ nghĩ rằng không có các anh thì không ai uống sữa của Trời. Với quan niệm trên, Chế Lan Viên đã khẳng định vai trò, tầm vóc của nhà thơ trong đời sống xã hội, những người đã và đang làm công việc vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng.

 2.1.2 – Ý nghĩa và tác dụng của thơ :

Chế Lan Viên luôn có suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức trong đời sống xã hội. Ông luôn tự hỏi ta vì ai, tôi viết cho ai? để từ đó sáng tạo nên những vần thơ có ích cho đời và vui sướng khi trở thành một người cầm bút có ích, làm thơ có ích. Mặt khác, Chế Lan Viên quan niệm, thơ không chỉ đưa ru, sưởi ấm người đọc bằng tình cảm mãnh liệt, ước mơ lãng mạn, mà còn phải có khả năng thức tỉnh họ bằng ánh sáng của trí tuệ. Qua cách thể hiện khác nhau, Chế Lan Viên luôn nhấn mạnh, thơ góp thêm tiếng cười, thêm vị muối cho đời, là nhành hoa mát mắt cho đời, thơ có khả năng kì diệu: tát bể, cân đời, thơ làm cho con người tự tin hơn trong cuộc sống. Từ quan niệm, thơ là các đỉnh tinh thần chất ngất, Chế Lan Viên đã chỉ rõ tác dụng mãnh liệt của thơ đối với người đọc, tác dụng đó vượt khỏi giới hạn về không gian. Cho dù câu thơ viết ở kinh tuyến này nhưng vẫn làm nên sự rung động trào sôi ở kinh tuyến khác. Ông khẳng định: thơ phải trả lời, phải có khả năng giải đáp được những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong đời sống. Nếu thiếu lời giải đáp thì thơ đã mắc Nợ đối với đời. Chế Lan Viên còn muốn thơ phải là Thuốc có khả năng chữa lành vết thương trong cõi tinh thần con người, có ích cho nỗi đau người, để phục sinh con người. Thơ là Tiếng hú, một tín hiệu giao cảm để từ đó lay động tâm hồn người đọc khiến họ sống có ý nghĩa hơn đối với đời.

Tóm lại, Chế Lan Viên luôn tâm niệm: thơ cần có ích / hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi, đó là cái đích mà Chế Lan Viên luôn hướng tới.

2.1.3 – Nghệ thuật sáng tạo thơ

Vốn tâm huyết với nghề, với thơ, Chế Lan Viên luôn có suy nghĩ độc đáo, sâu sắc về nghệ thuật sáng tạo thơ. Ðiều này được biểu hiện rõ ở nhiều bài tiểu luận, phê bình, nói chuyện thơ và ở nhiều bài thơ của Chế Lan Viên. Ông quan tâm nhiều về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, về thể loại, về vần, câu, chữ, ý, nhạc …, cũng như việc phát huy truyền thống và đổi mới, sáng tạo ở phương diện nghệ thuật thơ. Càng về cuối đời, Chế Lan Viên càng bàn kĩ và suy ngẫm nhiều về nghệ thuật sáng tạo thơ. Ông có một loạt bài thơ nói về Thi pháp ồn, Thi pháp trẻ và Thi pháp của thơ độc đáo, điều đó gợi ra cho những người sáng tác thơ bao điều cần ngẫm nghĩ. Chế Lan Viên đòi hỏi người thợ thơphải nắm bắt được một số kỹ thuật và phương pháp cần thiết cho việc sáng tạo thơ. Ông cho rằng: làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ có lúc mộc mạc hồn nhiên, nhưng lại có lúc phải mang vẻ đẹp kì diệu như hài hoa cô Tấm, như mái tóc thơm hương cấm cung. Nhà thơ phải biết tìm tòi, cân nhắc, lựa chọn để từ ngữ được sử dụng thêm cái đa thanh, đa sắc của đời. Chế Lan Viên không chấp nhận sự cầu kì, gò gẫm, mà cần phải căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn qua vực tâm hồn sâu thẳm. Ông đã phê phán kiểu cố làm cho mới lạ, làm xiếc chữ nghĩa trong thơ Nhà thơ cần chọn được cho thơ mình cách nói, giọng điệu hợp lí nhất với tình cảm và nhận thức của người đọc trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống xã hội và ở giọng điệu nào cũng toát lên sự chân tình, tâm huyết vì con người, vì cuộc đời. Nhà thơ phải luôn biết mở rộng tâm hồn lắng nghe, đón nhận nhiều cung bậc của nhạc điệu cuộc sống để tạo nên chất nhạc cho thơ. Thơ cần có sự quyện hòa giữa nhạc và ý, câu thơ ở ngoài là ý là hình / ở trong là nhạc. Chế Lan Viên cho rằng, nhạc có khả năng làm cho tâm hồn lắc lư, làm cho con người giải thoát… Chính những cung bậc nhạc điệu đã góp phần tăng thêm sức ám ảnh của thơ đối với người đọc. Mặt khác, Chế Lan Viên rất chú trọng đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của thơ. Ðạt đến cái Thiện, cái Chân là mục đích mà thơ hướng tới, nhưng tất cả điều đó phải được biểu hiện bằng hình thức Ðẹp. Ông khẳng định: Hình thức cũng là vũ khí. Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí. Sự hài hòa giữa nội dung và hình thức trong thơ sẽ tạo nên vẻ đẹp cho thơ. Tóm lại, trong suốt quá trình sáng tạo, Chế Lan Viên luôn có những trăn trở, suy ngẫm về nghề, về thơ. Ðiều đó đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại.

2.2 Thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám:

- Buổi đầu đến với thơ, Chế Lan Viên đã làm người đọc phải phải kinh dị không chỉ vì sự xuất hiện đột ngột của một tâm hồn thơ trẻ tuổi, mà còn bởi trong giọng buồn quen thuộc của thơ ca lãng mạn 32 45, đây là giọng buồn ảo não, có pha màu huyền bí.
- Tuổi trẻ của Chế Lan Viên gắn liền với Quy Nhơn, Bình Ðịnh, nơi hàng ngày trên con đường đi về, nhà thơ đã cảm nhận được những dấu tích điêu tàn của Chiêm Quốc. Cũng chính nơi đây, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ đã rung động mạnh mẽ khi nghe kể về những câu chuyện linh thiêng, những truyền thuyết về một đất nước xa xưa, để rồi suy tưởng, hay buồn thương nuối tiếc giống dân Hời.

- Ðến với thơ của Chế Lan Viên trước cách mạng, người đọc dễ dàng nhận thấy, thơ ông in rõ những dấu ấn của thực tại cuộc sống và chất chứa bao niềm suy tưởng về quá khứ đau thương của một dân tộc. Trước những chứng tích của một nền văn minh bị mai một theo thời gian còn lại như : ngọn tháp, đền đài, tượng Chàm , đã gợi lên cho tâm hồn thơ Chế Lan Viên biết bao sự liên tưởng mạnh mẽ và để rồi, nhà thơ lặng lẽ quay về xem non nước giống dân Hời.
- Khám phá những giá trị của thơ Chế Lan Viên trước cách mạng, một trong những điều khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ đó là cái thế giới đầy kinh dị, là nỗi đau xót được tạo nên bởi tâm hồn thơ tuổi trẻ có trí tưởng tượng phong phú. Ở ông trào dậy bao điều suy nghĩ và bao nỗi xót xa, buồn tủi về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại. Ông cay đắng khi nhận ra cái thế giới xung quanh mình đầy rẫy những trò gian trá, bịp bợm, thâm hiểm và xảo quyệt, ông ngậm ngùi cho những kiếp Sống mòn, Ðời thừa, Bước đường cùng,…
- Chế Lan Viên tìm đến thơ để gửi gắm và giãi bày sự suy ngẫm của mình về cuộc sống. Ông nói đến nỗi đau của dân tộc Chàm cũng là để bộc lộ nỗi đau của chính mình trước cảnh đời hiện tại. Chính từ những nhận thức đó nhà thơ Chế Lan Viên cảm nhận sâu sắc về sự vô nghĩa, cái u buồn, u tối, cái sầu vô hạn giữa cuộc đời hiện tại và ông đã thốt lên : Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau !

( Xuân ) – Có lẽ trong sự sâu thẳm ở cõi lòng Chế Lan Viên, hình ảnh của những tháp gầy mòn vì mong đợi, những đền xưa đổ nát dưới Thời gian, những tượng Chàm lở lói rỉ rên than không chỉ là hình ảnh của một nước Chàm đã mất, mà còn là sự dự cảm về số phận của dân tộc Việt trong cảnh nô lệ lầm than. Cuộc sống hiện tại được Chế Lan Viên cảm nhận với niềm uất hận, đau thương, nên dẫu có xuân về trong nắng sớm nhưng trong lòng ông vẫn đông lạnh giá băng thôi. – Chế Lan Viên phủ nhận thực tại xã hội đương thời và thất vọng, chán nản trước những sắc màu, hình ảnh của trần gian để hướng đến một tinh cầu giá lạnh, một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Ông đã đi tìm mình, tìm Cõi Ta trong sự cô đơn và bơ vơ giữa cái mênh mông xa vắng của cuộc đời để rồi xót xa, buồi tủi nhận ra mình chỉ là một cánh chim thu lạc cuối ngàn, ông thốt lên : Ðường về thu trước xa lắm lắm Mà kẻ đi về chỉ một tôi ! Tóm lại, trước thực tại của xã hội đó, nhà thơ Chế Lan Viên đã tìm được cách nói độc đáo để thể hiện một cách thấm thía, sâu sắc những nỗi đau đời của ông. Có thể nói, Chế Lan Viên tìm về quá khứ của một dân tộc khác là một cách nói, mà cũng là một cách tránh nói về hiện thực mất nước của dân tộc mình( Vũ Tuấn Anh).

 2.3 Thơ Chế Lan Viên sau cách mạng tháng Tám.


2.3.1 – Thơ Chế Lan Viên trong thời kì kháng chiến chống Pháp

- Cách mạng tháng Tám thành công, lịch sử dân tộc đã sang trang. Cùng với những thay đổi lớn lao và mạnh mẽ của đời sống dân tộc, cuộc đời và thơ Chế Lan Viên đã thoát khỏi thung lũng đau thương và sự cô đơn, bế tắc để tìm ra ánh sáng, hòa hợp với người.

- Chế Lan Viên hạnh phúc đón chào cách mạng, nhiệt thành tham gia kháng chiến, nhưng con người nghệ sĩ trong ông không ít những nỗi băn khoăn, vướng mắc ở vấn đề nghệ thuật và cách mạng. – Chế Lan Viên sống gắn bó với đời sống kháng chiến, hiểu hơn về Tổ quốc và nhân dân. Trong thời gian kháng chiến, sự sáng tạo thơ của Chế Lan Viên chỉ dừng lại ở tập thơ Gửi các anh gồm 14 bài. Những tháng năm đó, con người nghệ sĩ ở Chế Lan Viên chủ yếu nghiền ngẫm, tìm tòi về phương thức thể thiện để phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của cuộc đời mới. Ộng đã trải qua những gian truân vất vả và cảm nhận được không khí hào hùng, sôi động của dân tộc trong kháng chiến. Ông xúc động mãnh liệt trước bao nhiêu tấm gương hi sinh anh dũng của những con người bình thường giản dị để làm nên chiến thắng.

- Ở tập thơ Gửi các anh, bỏ đi phần gò ép, chập chững buổi đầu trên con đường thơ cách mạng, chúng ta cũng dễ nhận ra sự xúc động của Chế Lan Viên khi viết về người mẹ trong vùng giặc chiếm với tình cảm chân thành. Ðó là lòng yêu thương mẹ của đứa con nghĩ đến mẹ nhiều nước mắt rưng rưng. Nghĩ về mẹ, nhà thơ đã cảm nhận tình thương của mẹ là gió dịu đưa hương, và mẹ thương con như sữa nồng, như nước mắt. Chế Lan Viên còn ghi lại những niềm vui bình dị của đời sống kháng chiến ở Một bữa cơm thường trong bản nhỏ. Nhà thơ xúc động, viết về sự ngã xuống của các anh bộ đội ở nơi biên giới Việt Lào, bên bờ suối Vạn Mai, hay dưới một gốc cây sung chín đỏ mùa hè. Hình ảnh của những người dân công gánh bom gập người, đường dài đứt hơi mà vẫn luôn yêu đời cũng đã đi vào thơ Chế Lan Viên trong niềm tự hào trân trọng. Ông xót xa đau đớn trước cảnh quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh, máu đã hòa nước mắt, ngút trời đồng bốc lửa,và đồi sim lầy máu tươi. Chế Lan Viên những mong mọi người hãy luôn Nhớ lấy để trả thù cho quê hương, Tổ quốc. – Có thể nói, sống chân thành, sâu sắc với hiện thực đời sống kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Chế Lan Viên đã đưa thơ ông thoát khỏi dĩ vãng buồn thương để trở về với cuộc đời hiện tại trong niềm tin yêu. Cuộc sống cách mạng và kháng chiến đã tạo điều kiện thuận lợi, chắp cánh cho tâm hồn thơ Chế Lan Viên vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật và Bay theo đường dân tộc đang bay.

2.3.2 – Thơ Chế Lan Viên trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội

- Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Tổ quốc và dân tộc kiêu hãnh tiến bước trên một chặng đường lịch sử mới. Chế Lan Viên hòa mình với cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong niềm vui và hạnh phúc. Trong hoàn cảnh cuộc đời mới, hơn lúc nào hết, Chế Lan Viên càng nhận rõ hơn ý nghĩa lớn lao mà ông đã có được ở những tháng năm ông sống gắn bó với cuộc sống kháng chiến của dân tộc. Ông đã khẳng định :
Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau vẫn đủ sức soi đường.
( Tiếng hát con tàu )

- Nỗi đau về cuộc sống quá khứ đã qua và niềm vui giữa cuộc sống hiện tại ngày một dâng đầy, tâm hồn thơ của Chế Lan Viên giờ đây như ngập tràn niềm vui trước cuộc đời rực rỡ phù sa. Nhà thơ quan niệm lấy cái vui của đời đánh bạt mọi thương đau. Càng gắn bó với cuộc đời, nhà thơ càng thấm thía hơn bao niềm hạnh phúc đang đến với mình. Nhà thơ đã cảm nhận hạnh phúc như đào ngon chín tới, hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên và mỗi bước đời ta ghép một vần thương. Niềm vui càng trở nên rạo rực và càng nhân lên khi Chế Lan Viên nhận thức về cuộc sống ngày càng sâu sắc hơn. Vì thế, những vần thơ của nhà thơ viết về cuộc đời mới rất đỗi đằm thắm ngọt ngào. Nhà thơ cảm nhận :
Cái sống ngọt ngào trong từng sợi cỏ
Một cành hoa cũng muốn giục môi hôn.
( Tàu đến )

- Sống giữa niềm vui của cuộc đời mới, Chế Lan Viên đã có quan niệm mới mẻ về quê hương. Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn, mà quê hương còn là nơi ta gắn bó và biết sống hết mình vì nó. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, nhà thơ viết :

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn .
hay là :
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

- Nghĩ về cuộc sống hiện tại trong sự so sánh với quá khứ đau thương của dân tộc, Chế Lan Viên càng tự hào khi hiểu rằng cuộc đời ngày thêm rực rỡ phù sa, ngày một thêm ý nghĩa, và ông thốt lên trong niềm hạnh phúc :
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn
và:
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ .
( Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? )

- Chế Lan Viên đã đi từ chân trời của một người, đến chân trời của mọi người. Cuộc đời mới là nguồn sức mạnh tinh thần giúp nhà thơ Ði thực tế, gặp lại nhân dân và hiểu cuộc sống bao la rung cả những lòng đang riêng lẻ , nhà thơ khát vọng:

Tôi muốn đến chỗ nước trời lẫn sắc
Nơi bốn mùa đã hóa thành thu
Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức ngủ
Những rừng rong tóc xõa lược trăng cài
Nơi những ây trắng xóa cá bay đi …
( Cành phong lan bể )

Cuộc sống mới chứa chan Aùnh sáng và phù sa đã thực sự giúp Chế Lan Viên lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành đai trắng và nay trở về ta lấy lại vàng ta. Khi đã có hướng rồi, nhà thơ không ngần ngại Ði ra với sông, đi ra với trời, đi ra với đời để cảm nhận được :

Tôi yêu quá cuộc đời như con đẻ
Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng
Tôi nối với bạn bè như với bể
Cả lòng tôi là một giải sông Hồng.
( Chim lượn trăm vòng )

- Càng đến với cuộc sống , những vần thơ của Chế Lan Viên càng chan chứa niềm tin yêu cuộc sống và có quan niệm đúng đắn về con người công dân trong cuộc đời mới. Trước đây nhà thơ trăn trở về cái Ta, Cõi ta, thì giờ đây nhà thơ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước cuộc đời mới :

Ta là ai ? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai ? Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.
( Hai câu hỏi )

Chế Lan Viên có khát vọng làm một cánh chim lượn trăm vòng trên Tổ quốc mênh mông để được trở lại giữa rừng sâu Việt Bắc, đến trước đồi Ðiện Biên rực lửa, đến cả những vùng xưa chẳng đến, về giữa miền Nam trời của mẹ, ra bể cá nồng hơi gió bể, nối với bạn bè như với bể, được ngắm nhìn ngàn núi trăm sông diễm lệ và mở rộng tâm hồn mình đón nhận bao niềm vui và hạnh phúc giữa cuộc đời. Với khát vọng đó, nhà thơ lòng tự dặn lòng :

Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến
Lúc trở về, lòng ngậm những cành thơ.
( Qua Hạ Long )

- Cuộc sống mới được nhà thơ cảm nhận với niềm tin yêu chân thành và đó chính là nguồn thi hứng lớn lao, mạnh mẽ, luôn trỗi dậy trong tâm hồn nhà thơ. Những đổi thay kì diệu của cuộc sống đã tạo tâm hồn thơ Chế Lan Viên càng thêm dạt dào cảm xúc. Nhiều bài thơ của Chế Lan Viên trong thời kì này thể hiện sự nhận thức sâu sắc về vẻ đẹp của Tổ quốc và dân tộc, về vai trò của Ðảng và Bác Hồ, tiêu biểu là : Tiếng hát con tàu, Cành phong lan bể, Tàu đến, Tàu đi, Kết nạp Ðảng trên quê mẹ, Người đi tìm hình của nước
Ðược tắm mình giữa đời sống của nhân dân, được ánh sáng của Ðảng soi rọi và phù sa của cuộc đời vun đắp, Chế Lan Viên đã vượt khỏi nỗi đau riêng đến với niềm vui chung của dân tộc bằng tấm lòng chân thành và sự tài hoa nghệ thuật để dâng hiến cho đời nhiều vần thơ hay.

2..3.3 – Thơ Chế Lan Viên trong những năm kháng chiến chống Mĩ

- Trong những năm kháng chiến chống Mĩ , Tổ quốc tươi đẹp và dân tộc anh hùng là cảm hứng chủ đạo của Chế Lan Viên, nhà thơ những muốn :

Advertisements (Quảng cáo)

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời

Với Chế Lan Viên, chưa bao giờ Tổ quốc lại cao đẹp như những tháng năm kháng chiến chống Mĩ . Nhà thơ không ngần ngại khẳng định đó là những ngày đẹp hơn tất cả, ngày vĩ đại. Trong hoàn cảnh đó, vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt Nam càng ngời sáng hơn. Nhà thơ tự hào, kiêu hãnh viết :

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng
Ta mọc dậy trước mắt nghìn nhân loại
Hai tiếng Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng.
( Thời sự hè 72, bình luận )

- Hiện thực đời sống thời kì kháng chiến chống Mĩ đã tỏa nắng cho thơ Chế Lan Viên để nhà thơ có thêm nhiều vần thơ tràn đầy sức sống và sức hấp dẫn. Tâm hồn thơ Chế Lan Viên rộng mở hướng tới khắp mọi miền của Tổ quốc để nhạy bén thu nhận chất thơ của đời sống và hòa nhịp sống của mình với nhịp sống của dân tộc. Nhà thơ viết về những cuộc tiễn đưa ra trận với kỉ niệm của cái hôn cân vạn ngày lửa đạnvà trầm tích trong bể sâu của nhớ, là chút thương nhớ giắt bên mình cùng súng đạn.

- Hình ảnh của cuộc sống chiến đấu gian khổ mà hào hùng đi vào thơ Chế Lan Viên ngày càng thêm đậm đà, sâu sắc. Nhà thơ tự hào viết những tên làng, tên núi, tên đường, tên sông gắn liền với những chiến công hiển hách như: Trường Sơn, đường Chín, ngã ba Ðồng Lộc, Cồn Cỏ, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Nhà thơ cảm nhận cuộc sống hôm nay mỗi tấc núi sông thành thơ và hóa sử và các thế hệ nhìn chỗ ta đứng lúc này như những hải đăng. Tất cả những điều đó chính là chất vàng, chất ngọc của cuộc đời đã góp phần tạo cho Chế Lan Viên có được nhiều tứ thơ hay.

- Trước hiện thực đời sống đó, nhà thơ nhận thức sâu sắc hơn về vẻ đẹp của Tổ quốc và sự gắn bó rất đỗi đằm thắm, thiết tha với Tổ quốc như máu thịt, như mẹ cha ta như vợ như chồng của con người Việt Nam :

Ta yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều,
bờ tre mái rạ
Mái đình cong cong như bàn tay em gái vẫy giữa đêm chèo
Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả,
Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo
( Thời sự hè 72, bình luận )

- Hình ảnh của những bà mẹ, người chị, người vợ, những chàng áo vải, những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi , đã đi vào thơ Chế Lan Viên với vẻ đẹp chân chất, bình dị và thật đáng tự hào. Cũng chính trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng này, nhà thơ cảm nhận trọn vẹn hơn về vai trò to lớn của nhân dân:
Nhân dân không có một thanh gươm vung một cái đến trời mây
Nhưng họ gánh lịch sử đến nghìn lần lớn hơn đời họ.
( Thơ bổ sung )

- Càng yêu Tổ quốc, càng nhận thức sâu sắc bản chất của kẻ thù và những nỗi đau thương dân tộc phải trải qua, những khát khao về cuộc sống yên bình hạnh phúc, Chế Lan Viên đã sáng tạo nên những nhành hoa mát mắt cho đời. Ðó là những hình ảnh bắt lòng ta nhớ mãi ở các bài thơ : Sông Cầu, Hoa ngày thường, Ði trong chùa Hương, Mây của em, Lau mùa thu, Kỉ niệm có gì Cuộc sống không chỉ đòi hỏi Chế Lan Viên suy ngẫm, triết lí, mà còn giúp cho nhà thơ có được sự cảm xúc sâu lắng trước vẻ đẹp giản dị của đời sống hàng ngày qua những vần thơ viết về các loài hoa, về tình yêu đằm thắm thiết tha và sự ngọt ngào của cuộc sống hạnh phúc gia đình qua các bài : Hoa thảo hoa vàng, Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể, Chia, Cảm ơn, Con đi sơ tán, Ðặt tên con,…
Với tình cảm nồng nàn, trí tuệ sắc sảo và sự gắn bó sâu sắc với hiên thực đời sống chiến tranh, Chế Lan Viên đã sáng tạo được nhiều vần thơ xúc động đậm đà chất trữ tình, hùng ca về vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

2.3.4 – Thơ Chế Lan Viên từ sau 1975 đến khi qua đời

- Những năm cuối đời, khi hoàn cảnh sống gặp không ít những khó khăn, nhưng Chế Lan Viên vẫn không ngừng sáng tạo. Mạch thơ về cuộc sống chống Mĩ vẫn tiếp tục vận động và phát triển với tầm nhận thức cao hơn, tầm nhìn xa rộng hơn. Mặt khác, cũng trong thời gian này, Chế Lan Viên trăn trở và suy ngẫm nhiều về cuộc sống đời thường, về bản thân để khẳng định chiều sâu thẳm trong tâm hồn mình, tự tìm mình. – Ðặc biệt, nhiều bài thơ trong Di cảo, nhất là ở những bài thơ viết vào khoảng thời gian 1987, 1988, người đọc nhận thấy sự giãi bày, tự vấn chân tình của Chế Lan Viên. Tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn cuối đời nhưng đó là sự tiếp tục của một nhà thơ luôn ý thức được vai trò quan trọng của nghệ thuật đối với cuộc sống và đó là quy luật muôn đời mà cuộc đời của Chế Lan Viên cũng không nằm ngoài quy luật đó. – Cũng vì lẽ đó, đã bao nhiêu năm anh hát giọng cao, giờ đây anh hát giọng trầm. Ðây không phải là sự đổi giọng đến bất ngờ như cảm nghĩ của một số người khi đến với Di cảo thơ. Sự tự nhận thức, nghiền ngẫm về bản thân đã giúp cho Chế Lan Viên không rơi vào sự ảo tưởng, ông quan niệm mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình và ông sống với sức mạnh của tấm lòng nhân hậu, sự yêu đời, vì thế, tâm hồn nhà thơ càng trở nên thanh cao hơn. trong cuộc sống hiện tại. Thật xúc động khi ông cảm nhận:

Sau anh còn mênh mông nhân loại
Ðừng nghĩ mình là người đi cuối
Phải để lại dấu chân, nhành cây, viên sỏi
Cho người theo sau không cô đơn

( Sau anh ) – Chế Lan Viên nghĩ nhiều về cái chết để đừng tuyệt vọng, để sống những ngày còn lại có ích cho mai sau. Ðó cũng là sự biểu hiện tâm thế và lẽ sống cao quý của nhà thơ khi viết Từ thế chi ca để lại cho người đời.
Có thể nói, trên từng chặng đường sáng tác, ngay cả khi nằm trên giường bệnh Chế Lan Viên vẫn luôn sống hết mình cho đời và cho thơ. Ông tìm tòi, sáng tạo với khát vọng để lại cho người đọc những vần thơ mới mẻ, đặc sắc, và ông đã làm được điều đó.

3.Chế Lan Viên với văn xuôi

 Phần này sinh viên đọc tài liệu và lưu ý các điểm sau :

- Chế Lan Viên viết tùy bút và bút kí ở những thời điểm quan trọng trong đời sống của dân tộc.

- Tùy bút, bút kí của Chế Lan Viên thường đào sâu, mở rộng những vấn đề trong đời sống. Các vấn đề được đặt trong mối liên hệ nhiều mặt để từ đó phát hiện được nhiều điều mới mẻ của nó.

- Tùy bút của Chế Lan Viên rất giàu chất thơ.

- Chế Lan Viên phê bình thơ rất tinh tế và sắc bén. Cách phê bình thơ của Chế Lan Viên khác với Hoài Thanh, Xuân Diệu. Ông đi sâu vào tính dân tộc, tính thời đại của thơ, cách sáng tạo thơ, vị trí của thơ trong đời sống, ý nghĩa lớn lao của việc tìm tòi đổi mới trong sáng tạo thơ 4 Phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên

 4.1 – Giàu chất trí tuệ, có sự thống giữa trí tuệ và cảm xúc

- Trong suốt quá trình sáng tạo thơ, Chế Lan Viên luôn có khát vọng phát giác sự việc ở cái bề chưa thấy, khám phá sự vật, hiện tượng ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa để từ đó đem lại nhiều vần thơ mới lạ, đặc sắc, gây cho người đọc sự bất ngờ, thú vị.

- Với trí tưởng tượng phong phú, sức liên tưởng kì diệu, cách nhìn sự vật trong sự đối lập và luôn tranh luận, đối thoại, Chế Lan Viên chiếm lĩnh được thực tại cuộc sống để từ đó có cách suy ngẫm, triết lí sâu sắc, cũng như sự khái quát chính xác về những vấn đề trong đời sống.

- Thơ Chế Lan Viên có cảm xúc đằm thắm thiết tha. Biết bao vần thơ của ông trở thành nhành hoa mát mắt cho đời. Thơ ông có khi mềm mại như lời ru của mẹ, như câu hò, điệu hát có sức ngân xa, thấm sâu trong tình cảm người đọc; có khi mang nặng nghĩa tình và những nỗi trăn trở, thao thức; có khi chất chứa sự suy tưởng triết lí về một vấn đề nào đấy trong cuộc sống. Có thể nói, cái tôi trữ tình rất chủ động và năng động hòa nhập với mọi đối tượng để cảm xúc, suy luận, tranh luận, đối thoại. Vì lẽ đó, đến với thơ Chế Lan Viên, người đọc nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ sắc sảo và cảm xúc nồng cháy mãnh liệt. Sức sống và sức hấp dẫn của thơ Chế Lan Viên phần nào được bắt nguồn từ đó.

- Tuy nhiên, trong thơ Chế Lan Viên có khi cảm xúc và trí tuệ thiếu kết hợp hài hòa, khi đó thơ ông rơi vào sự cầu kì, khó hiểu, xa lạ với tình cảm, nhận thức của người đọc.

4.2 – Thể hiện sự vật, hiện tượng ở các mặt đối lập

- Chế Lan Viên luôn nhìn nhận sự vật từ nhiều mối liên hệ qua lại lẫn nhau, trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng, để từ đó nắm bắt và khái quát được bản chất của nó. Ðặc biệt, ông có ý thức tìm kiếm, khám phá và làm nổi bật sự tương quan đối lập, cũng như những mối liên hệ giữa các mặt đối lập của hiện thực. Nguyễn Văn Hạnh khẳng định: Hình thức cơ bản phổ biến trong tư duy nghệ thuật của Chế Lan Viên là sự đối lập. Nguyễn Xuân Nam quan niệm :Nét nổi bật của tư duy nghệ thuật của Chế Lan Viên là sự đối lập. Còn Nguyễn Văn Long cho rằng: Tư duy thơ của Chế Lan Viên thường xem xét sự vật trong những mối quan hệ đối lập.

- Có thể nói, sự đối lập của sự vật và hiện tượng được Chế Lan Viên cảm nhận từ cái nhìn biện chứng. Chính tình yêu, sự gắn bó với cuộc sống, sự am hiểu sâu rộng nhiều phương diện của đời sống tự nhiên và xã hội, cũng như sự tài hoa thông minh và sắc sảo đã giúp Chế Lan Viên có được cách nhìn, cách nghĩ, cách tìm tòi, khai thác những vấn đề của cuộc sống trong sự đối lập.

- Ngay từ thuở viết Ðiêu tàn, nhà thơ đã thể hiện được cảnh thái bình trong Chiêm Quốc với cảnh đền xưa đổ nát, tháp gầy mòn mong đợi, tượng chàm lở lói rỉ rên than , để qua đó gửi gắm nỗi đau về sự hủy diệt, nỗi buồn thương cho số phận của dân tộc trước cảnh đời hiện tại.

- Trong cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chế Lan Viên thường nói đến sự đối lập: giữa cái nhỏ bé, nhỏ hẹp, riêng tây với cái rộng lớn mênh mông; giữa bóng đêm tăm tối, đêm tàn với bình minh, chói lòa ánh sáng, chói lòa hào quang hôm nay; giữa lạnh lẽo với ấm áp, giữa cái đói nghèo khổ đau với hạnh phúc; giữa giọt lệ với lời ca, tiếng hát, nụ cười, nhành vui; giữa cay đắng, chua cay, tủi cực với ngọt ngào, đời hồng; giữa cái đá sỏi, cây cằn, ruộng đói mùa với phù sa, hoa trái mỡ màu. Thông qua đó, nhà thơ nhằm ngợi ca, khẳng định những đổi thay lớn lao và ý nghĩa của dân tộc trong cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội .

- Những năm chống Mĩ cứu nước, Chế Lan Viên cảm nhận những vấn đề của cuộc sống trong sự đối lập : giữa cảnh hòa bình với chiến tranh; giữa đoàn viên, hội ngộ với chia li, từ tạ; giữa bể căm thù với bể yêu thương, giữa cánh đồng vàng óng ả, cửa sổ sơn hồng với pháp trường và những bãi tha ma; giữa văn minh với dã man; giữa tồn tại với hủy diệt; giữa sống với chết; giữa cái bình thường với phi thường; giữa trong với đục; giữa nhớ với quên. Bằng cách cảm nhận đó, nhà thơ lí giải và thể hiện được những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh, cũng như vạch trần bản chất hung bạo và xảo quyệt của kẻ thù xâm lược.

- Vào những năm cuối đời, khi thời gian còn lại của đời mình cạn dần, khi căn bệnh hiểm nghèo đang tàn phá sức lực, và trong cảnh Viên Tĩnh Viên, Chế Lan Viên vẫn luôn trăn trở, thao thức về những gì đang diễn ra trong đời sống. Ông nhìn sự vật trong sự đối lập giữa phía bên này với phía bên kia; giữa quá khứ với hiện tại; giữa hiện tại với mai sau; giữa héo tàn với sinh sôi; giữa cảnh hoa trái nghèo xuân sắc bỏ quên với cuộc sống của quyền lực, danh vọng; giữa mặt trời chói lòa với ngọn đèn con con,… Từ cách nhìn, cách khám phá đó nhà thơ khẳng định lẽ sống cao đẹp giữa cuộc đời và biết sống hết mình cho cuộc sống.

- Qua tìm hiểu thơ Chế Lan Viên, chúng tôi nhận thấy, nhà thơ thường chú trọng khai thác, suy ngẫm về các quan hệ đối lập giữa : quá khứ – hiện tại, hiện tại tương lai, quá khứ – tương lai, cái riêng cái chung, nhỏ bé vĩ đại, cái bi cái hùng, cái động cái tĩnh, thấp hèn cao cả, yêu thương – căm thù, niềm vui nỗi đau, hạnh phúc bất hạnh, ngọt ngào cay đắng, sống – chết, còn mất, ngày đêm, ánh sáng bóng tối, trần gian địa ngục, thần quỷ, ta địch, dân tộc nhân loại . Từ những mối quan hệ đối lập đó, nhà thơ đã giúp cho người đọc có điều kiện thuận lợi để nhận thức rõ hơn về cuộc sống ở bề chưa thấy, ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa.
Có thể nói, với cách tư duy và thể hiện trên, Chế Lan Viên đã luôn đem lại cho thơ một cách nói, cách thể hiện mới lạ. Những ý tưởng và tình cảm trong thơ Chế Lan Viên nhờ đó trở nên gợi cảm hơn và tạo được dấu ấn lâu bền hơn trong tâm hồn người đọc.

4.3 – Cảm nhận suy nghĩ những vấn đề của cuộc sống bằng thế giới hình ảnh phong phú, đa dạng

- Sáng tạo hình ảnh là một trong những biện pháp hàng đầu mà Chế Lan Viên đã sử dụng để đem lại hiệu quả cao cho việc tăng năng suấtcho thơ, nhằm góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, bay bỗng cho ý tưởng và tình cảm trong thơ ông. – Thơ Chế Lan Viên có đủ loại hình ảnh, nhưng nổi bật nhất và tác động mãnh liệt nhất đối với người đọc là hình ảnh vừa thực vừa ảo, hình ảnh tượng trưng, hình ảnh so sánh, hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh liên kết thành một hệ thống – Trước cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên đã sớm bộc lộ tài năng sáng tạo hình ảnh thơ. Ông đã đưa đến cho người đọc hình ảnh của một thế giới đầy sọ dừa, xương máu cùng yêu ma, về một hệ thống hình ảnh với nhiều màu sắc độc đáo, thấm đẫm nỗi đau đời.

- Sau cách mạng tháng Tám, hình ảnh thơ Chế Lan Viên mang vẻ đẹp của sự chân chất bình dị, đậm đà tình yêu quê hương, đất nước. Thông qua hệ thống hình ảnh, Chế Lan Viên đã giúp cho người đọc cảm nhận được hiện thực đời sống kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ nhiều gian khổ hi sinh mà rất đỗi hào hùng của dân tộc, cũng như nhận thức sâu sắc hơn và có niềm tin yêu mãnh liệt hơn về đời sống xây dựng chủ nghĩa xã hội. – Sự nhận thức về cuộc đời càng sâu sắc thì hình ảnh thơ Chế Lan Viên càng đặc sắc và có thêm sự mới mẻ. Vẻ đẹp của thế giới hình ảnh thơ đã góp phần giúp cho người đọc cảm nhận trọn vẹn hơn hương sắc của đời. Nhiều phương diện của đời sống được thể hiện qua hình ảnh thơ đã trở nên sinh động hơn.

5 Kết luận chung

- Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo.

- Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

- Ông có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ Văn lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)