Câu hỏi/bài tập:
Dựa vào thông tin và hình 10.2, hãy trình bày về tình hình phát triển và phân bố ngành trồng trọt của nước ta.
Phân tích thông tin SGK Địa lý 12, trang 49 – 52.
- Trồng trọt hiện là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ở nước ta, năm 2021, giá trị sản xuất của trồng trọt chiếm 60,8% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
- Cơ cấu ngành trồng trọt ở nước ta khá đa dạng, bao gồm: cây hàng năm (cây lương thực có hạt, cây công nghiệp hàng năm, cây rau đậu); cây lâu năm (cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả) và một số cây trồng khác (nấm, cây dược liệu, cây cảnh,...).
* Cây lương thực:
- Lúa là cây trồng chính ngành sản xuất lương thực, chiếm 88,9 % diện tích cây lương thực có hạt nước ta (2021).
- Diện tích trồng lúa ở nước ta có xu hướng giảm, song năng suất và sản lượng vẫn tăng do sử dụng nhiều giống lúa mới cao sản, chất lượng cao và việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác.
- Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu trên thế giới.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trọng điểm của cả nước. Năm 2021, vùng chiếm hơn 53% diện tích và hơn 55% sản lượng cả nước.
* Cây rau đậu:
- Rau đậu là cây trồng có diện tích tăng nhanh ở nước ta, từ 970,4 nghìn ha (2010) lên 1127,4 nghìn ha (2021) do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn.
- Cây rau đậu được trồng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước.
- Các tỉnh có diện tích và sản lượng cây rau đậu lớn: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Lâm Đồng, Tiền Giang,...
Advertisements (Quảng cáo)
- Lâm Đồng trồng rau lớn nhất cả nước.
* Cây công nghiệp:
- Cây công nghiệp ở nước ta chủ yếu là cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu,...) và một số cây có nguồn gốc cận nhiệt (chè, hồi, quế,...).
- Diện tích cây công nghiệp lâu năm chiếm hơn 80 % tổng diện tích cây công nghiệp của cả nước năm 2021.
- Việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp lâu năm đã đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số sản phẩm: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè,...
- Trên cả nước đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm.
+ Cà phê, hồ tiêu được trồng nhiều ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,...
+ Cao su và điều được trồng nhiều ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Chè được phát triển chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.
- Cây công nghiệp hàng năm chủ yếu: mía, lạc, đậu tương.
+ Mía được trồng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
+ Lạc được trồng nhiều ở Bắc Trung Bộ và một phần của Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
+ Đậu tương được trồng nhiều ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.
- Các cây trồng khác (đay, cói, dâu tằm, thuốc lá) có diện tích không đáng kể và xu hướng ngày càng thu hẹp dần.
- Cây ăn quả được phát triển khá mạnh ở nước ta trong những năm gần đây do mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Các cây ăn quả chính bao gồm: chuối, xoài, vải, chôm chôm, nhãn, cam, quýt, bưởi,...
- Vùng trồng cây ăn quả lớn nhất hiện nay là Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.