Khởi động
Đoạn văn dưới đây cho em biết thông tin gì?
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), phát xít Đức đã đẩy nhân loại vào cảnh mất mát đau thương. Đặc biệt, chúng đã gây ra những cuộc thảm sát tàn bạo đối với người Do Thái (bao gồm cả trẻ em và người già) trong các trại tập trung.
Em đọc kĩ đoạn văn để trả lời câu hỏi.
Đoạn văn cho biết trong tội ác của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Phát xít Đức đã gây ra nhiều đau thương, đặc biệt là thảm sát tàn bạo người Do Thái (bao gồm cả trẻ em và người già) trong các trại tập trung.
Bài đọc 1
MỘT NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày của tháng 12 năm 1938 tại nước Anh. Uyn-tơn quyết định bay sang Tiệp Khắc khi một người bạn nhờ ông tìm cách đưa những đứa trẻ Do Thái từ Pra-ha sang Anh. Vì chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra, cơ hội cho những người Do Thái trốn thoát khỏi thành phố hầu như không có, đặc biệt là với trẻ em.
Việc đưa trẻ em đi tị nạn cần rất nhiều tiền. Uyn-tơn đã cùng bạn bè đi quyên góp khắp nơi, kêu gọi các gia đình ở Anh nhận nuôi trẻ em Do Thái. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1939, Uyn-tơn tổ chức thành công tám chuyến tàu, đưa 669 đứa trẻ rời Pra-ha, đi qua Đức, Hà Lan,... rồi đến Luân Đôn. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, tất cả biên giới do phát xít Đức kiểm soát bị đóng cửa, Uyn-tơn đành kết thúc hoạt động giải cứu.
Sau này, Uyn-tơn còn làm việc trong hội từ thiện hỗ trợ người già và ông nhận được nhiều khen thưởng về công việc đó. Nhưng việc giải cứu 669 đứa trẻ năm xưa ông chưa một lần kể với ai.
50 năm sau, vợ ông vô tình tìm thấy cuốn sổ ghi thông tin về những đứa trẻ ấy. Bà đã đưa cuốn sổ cho một nhà sử học. Thế là câu chuyện về tình thương, lòng dũng cảm của Uyn-tơn mới được mọi người biết đến.
Năm 1988, một hãng truyền thông đã làm chương trình về Uyn-tơn. Khi người dẫn chương trình hỏi: “Trong số những người ngồi đây, ai đã được Uyn-tơn cứu sống?”, cả hội trường đứng lên. Uyn-tơn nghẹn ngào, xúc động. Mọi người ở đó đều khóc. Họ luôn ghi nhớ trong tim người đã mang lại sự sống lần thứ hai cho họ, giúp họ thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc năm nào.
Năm 2015, Uyn-tơn qua đời, hưởng thọ 106 tuổi. Người dân Tiệp Khắc đã dựng tượng ông trên sân ga thành phố Pra-ha. Họ coi ông như một người hùng thầm lặng đáng kính.
(Theo Hà Tiến)
Từ ngữ
- Pra-ha: thủ đô nước Cộng hoà Séc.
- Tiệp Khắc: một nước ở châu Âu, từ năm 1993, được tách thành hai quốc gia độc lập là Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlô-va-ki-a.
- Phát xít Đức: chế độ do Hit-le cùng bè phái kiểm soát với tư tưởng phân biệt chủng tộc và chính sách xâm lược, diệt chủng tàn bạo.
-Tị nạn: lãnh đi ở nơi khác để không bị những nguy hiểm đe doạ.
Lý do nào khiến ông Uyn-tơn bay sang Tiệp Khắc vào một ngày của tháng 12 năm 1938?
Em đọc đoạn văn đầu tiên của bài đọc để tìm câu trả lời.
Ông Uyn-tơn bay sang Tiệp Khắc vào tháng 12 năm 1938 vì một người bạn đã nhờ ông tìm cách đưa những đứa trẻ Do Thái từ Pra-ha sang Anh để tránh nguy cơ khi chiến tranh nổ ra, sẽ bị phát xít Đức bắt và sát hại.
Advertisements (Quảng cáo)
Bài đọc 2
Ông Uyn-tơn đã làm những gì để giải cứu những đứa trẻ Do Thái sang Anh? Việc làm đó có ý nghĩa như thế nào?
Em đọc đoạn văn thứ hai của bài đọc để tìm câu trả lời.
Ông Uyn-tơn đã làm những việc sau để giải cứu những đứa trẻ Do Thái:
- Quyên góp tiền từ bạn bè và cộng đồng.
- Kêu gọi các gia đình ở Anh nhận nuôi trẻ em Do Thái.
- Tổ chức tám chuyến tàu từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1939 để đưa 669 đứa trẻ từ Pra-ha sang Anh.
Ý nghĩa: Việc làm của ông có ý nghĩa vô cùng lớn lao, cứu sống 669 đứa trẻ khỏi sự tàn bạo của phát xít Đức, mang lại cho chúng một cơ hội sống và tương lai tươi sáng hơn.
Bài đọc 3
Nêu suy nghĩ của em về chi tiết ông Uyn-tơn “chưa một lần kể với ai” những việc đã làm để giải cứu trẻ em Do Thái.
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Chi tiết ông Uyn-tơn "chưa một lần kể với ai” những việc đã làm để giải cứu trẻ em Do Thái thể hiện tính cách khiêm tốn, không màng đến sự khen ngợi hay danh tiếng của ông. Ông làm việc từ thiện vì lòng nhân ái và trách nhiệm, không phải vì sự công nhận hay tôn vinh từ người khác. Điều này càng làm tăng thêm sự kính trọng và cảm phục đối với ông.
Bài đọc 4
Những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ giữa ông Uyn-tơn với “những đứa trẻ năm xưa” được ông cứu sống thể hiện điều gì?
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ thể hiện sự xúc động, lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc của những người đã được ông Uyn-tơn cứu sống. Đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, của sự tri ân và sự cảm động trước lòng dũng cảm và tình thương mà ông đã dành cho họ.
Bài đọc 5
Nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Em dựa vào nội dung câu chuyện, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Câu chuyện về ông Uyn-tơn mang ý nghĩa sâu sắc về lòng nhân ái, sự dũng cảm và sự hy sinh thầm lặng. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác trong những hoàn cảnh khó khăn, và tôn vinh những người anh hùng thầm lặng, những người đã cống hiến mà không cần sự công nhận. Câu chuyện cũng là một lời nhắc nhở về lịch sử đau thương và những giá trị nhân văn cần được bảo vệ và gìn giữ.