Câu 1
Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
Nhân dịp Quốc Khánh ngày 2 tháng 9, tôi được bố mẹ cho đi Mộc Châu tham dự Ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số. Tôi vô cùng hứng thú với sự kiện mang đậm vẻ đẹp văn hoá này. Ngay từ sáng ngày 1 tháng 9, không khí ngày hội đã tràn ngập khắp thị trấn. Cờ hoa, những bộ trang phục truyền thống làm cho cả thị trấn trở nên rực rỡ sắc màu. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khiến tôi cảm thấy háo hức lạ thường. Mỗi dân tộc mang đến ngày hội một tiết mục trình diễn riêng. Trước cuộc thi ném còn của những cô gái Thái, tôi trở thành cổ động viên tự lúc nào không rõ. Tôi chăm chú dõi theo quả còn bay vút lên cao, lơ lửng trên không trung. Tôi và mọi người hò reo khi quả còn bất ngờ bay vèo qua vòng tròn gắn trên đầu cây tre. Điệu múa khèn tràn đầy sức sống của các chàng trai người Mông đã khiến tôi rất ngạc nhiên và thán phục. Tôi nhún nhảy liên hồi theo các động tác của họ. Tôi như bị cuốn theo bước múa sạp khéo léo, rộn ràng của những cô gái Mường. Tôi say sưa thưởng thức điệu múa xoè uyển chuyển của những cô gái Thái... Đến với Ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số ở Mộc Châu, tôi đã rất xúc động và hiểu vì sao cần phải giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
(Lâm Phong)
a. Đoạn văn nói đến sự việc gì? Người viết có ấn tượng chung về sự việc đó thế nào?
b. Chọn nội dung tương ứng với mỗi phần của đoạn văn.
c. Trong phần triển khai, những chi tiết nào nói về ngày hội gây được ấn tượng với người viết?
d. Tình cảm, cảm xúc của người viết được bộc lộ qua những từ ngữ, câu văn nào?
Em đọc kĩ đoạn văn để trả lời câu hỏi.
a. Đoạn văn nói đến sự việc: nhân vật “tôi” được bố mẹ cho đi Mộc Châu tham dự Ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số vào ngày 2 tháng 9 Quốc khánh.
Người viết có ấn tượng chung: háo hức và xúc động, hiểu được giá trị của các văn hoá truyền thống.
b.
c. Trong phần triển khai, những chi tiết nói về ngày hội gây được ấn tượng với người viết:
- Cờ hoa, những bộ trang phục truyền thống làm cho cả thị trấn trở nên rực rỡ sắc màu.
- Trước cuộc thi ném còn của những cô gái Thái, tôi trở thành cổ động viên tự lúc nào không rõ.
- Điệu múa khèn tràn đầy sức sống của các chàng trai người Mông đã khiến tôi rất ngạc nhiên và thán phục.
- Tôi như bị cuốn theo bước múa sạp khéo léo, rộn ràng của những cô gái Mường.
- Tôi say sưa thưởng thức điệu múa xoè uyển chuyển của những cô gái Thái...
d. Tình cảm, cảm xúc của người viết được bộc lộ qua những từ ngữ, câu văn:
- Từ ngữ: háo hức, chăm chú, hò reo, bất ngờ, ngạc nhiên, thán phục, nhún nhảy, cuốn theo, say sưa thưởng thức, xúc động.
- Câu văn:
+ Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khiến tôi cảm thấy háo hức lạ thường.
+ Tôi chăm chú dõi theo quả còn bay vút lên cao, lơ lửng trên không trung.
+ Tôi và mọi người hò reo khi quả còn bất ngờ bay vèo qua vòng tròn gắn trên đầu cây tre.
+ Điệu múa khèn tràn đầy sức sống của các chàng trai người Mông đã khiến tôi rất ngạc nhiên và thán phục.
+ Tôi say sưa thưởng thức điệu múa xoè uyển chuyển của những cô gái Thái...
+ Đến với Ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số ở Mộc Châu, tôi đã rất xúc động và hiểu vì sao cần phải giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Câu 2
Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc.
G:
– Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc thường có mấy phần? Đó là những phần nào?
Advertisements (Quảng cáo)
– Nội dung chính của mỗi phần là gì?
– Có những cách nào để thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc?
Em trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc dựa vào gợi ý.
Khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc, cần lưu ý những điểm sau:
– Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc thường có 3 phần, đó là những phần: mở đầu, triển khai, kết thúc.
– Nội dung chính của mỗi phần là:
+ Mở đầu: Giới thiệu sự việc và nêu ấn tượng chung về sự việc.
+ Triển khai: Nêu tình cảm, cảm xúc về những chi tiết nổi bật của sự việc.
+ Kết thúc: Nêu ý nghĩa sự việc; khẳng định lại tình cảm, cảm xúc với sự việc,...
– Có những cách nào để thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc là:
+ Sử dụng từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc.
+ Sử dụng các phép so sánh,…
+ Sử dụng các hình ảnh gợi hình, gợi cảm,…
Ghi nhớ
Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc thường có 3 phần:
– Mở đầu: Giới thiệu sự việc và nêu ấn tượng chung về sự việc.
– Triển khai: Nêu tình cảm, cảm xúc về những chi tiết nổi bật của sự việc.
– Kết thúc: Nêu ý nghĩa của sự việc; khẳng định lại tình cảm, cảm xúc đối với sự việc,...
Vận dụng 1
Nói với người thân về một việc em đã làm được trong ngày. Nêu tình cảm, cảm xúc của em khi thực hiện và hoàn thành công việc đó.
Em dựa vào trải nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi.
Ví dụ:
- Việc em đã làm được trong ngày: Em đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Em lấy khăn thấm ướt và lau bụi các đồ dùng; em quét nhà, lau nhà; lấy đồ đi giặt và phơi đồ ngoài hiên.
- Sau khi thực hiện và hoàn thành công việc đó, em cảm thấy rất vui và rất hạnh phúc vì mình đã góp một phần nhỏ làm cho ngôi nhà chung của giá đình thêm sạch đẹp. Bố mẹ của em có thời gian để nghỉ ngơi thêm ngoài thời gian đi làm bên ngoài. Em yêu bố mẹ của em và hài lòng với việc làm của mình.
Vận dụng 2
Tìm đọc một cuốn sách viết về một miền đất (ví dụ: Phía tây Trường Sơn của Vũ Hùng, NXB Kim Đồng; Quê nội của Võ Quảng, NXB Kim Đồng;...).
Em tìm đọc một cuốn sách viết về một miền đất qua sách báo, internet,… dựa vào ví dụ.
Em tìm đọc một cuốn sách viết về một miền đất qua sách báo, internet,… dựa vào ví dụ.
Ví dụ: Cuốn sách “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm nói về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ Việt Nam nửa cuối 1940, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Câu chuyện lột tả được chi tiết con người, thiên nhiên miền phương Nam. Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn; chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2023 của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.