Trang chủ Lớp 6 Sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 - Chân trời sáng tạo Vì sao Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng...

Vì sao Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu”?...

Đọc kĩ văn bản Trả lời Câu 4 - Giải Bài tập đọc trang 3 - 4 - 5 Sách bài tập Ngữ văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo.

Đọc VB dưới đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:

TRUYỀN THUYẾT VỀ NGỌC BÀ THIÊN Y A NA

Xưa, có hai vợ chồng một lão tiều phu, tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Họ cất nhà trên núi Đại An, cạnh một cửa sông, sinh sống bằng việc đốn củi và phát rẫy trồng dưa trên miền núi. Nhiều lần thăm rẫy thấy hễ trái dưa nào chín tới đều bị mất, ông lão có ý rình xem kẻ hái trộm dưa là ai.

Một đêm kia, dưới ánh trăng mờ, ông lão thấy một cô bé đang hái trộm dưa. Cô vừa hái dưa vừa tung lên trời để đùa nghịch. Ông lão bèn giữ lại hỏi, mới biết cô bé mồ côi cha mẹ sống lưu lạc ở vùng này. Thấy diện mạo cô bé khác với người thường, lại ở vào hoàn cảnh đáng thương, vợ chồng ông lão đem lòng thương mến và đem về làm con nuôi, thương quý như con đẻ của mình. Vợ chồng ông lão cũng không hay biết rằng: chính cô bé mồ côi ấy là Thiên Y A Na hóa thân.

Đến một ngày kia vùng núi Đại An bị nạn hồng thủy, nước sông dâng lên một màu đỏ đục. Đứng trước cảnh tượng ấy, Thiên Y A Na bỗng nhớ tới cảnh tiên cung, mặt mày ủ dột, rồi để tự khuây khỏa, Thiên Y A Na đi hái hoa quả trên núi, xếp đá lại, tạo nên một cảnh núi non giả, ngồi ngắm nghía và đùa nghịch để khỏi bận tâm đến cảnh thủy tai đang diễn ra quanh mình. Vì thế, Thiên Y A Na bị ông lão quở trách nặng lời. Hối hận vì mình đã làm cho cha mẹ nuôi phiền lòng, Thiên Y A Na đã dùng phép hóa thân, nhập vào khúc gỗ trầm đang trôi ra biển cả, rồi dạt vào bờ biển Bắc. Nhân dân địa phương thấy khúc gỗ quý, xúm nhau lại, định khiêng về nhưng lạ thay hàng trăm người ghé vai vào đều không khiêng nổi.

Tin đồn đến tai thái tử miền nọ. Thái tử ra tận bờ biển nhấc thử, thì khúc gỗ được nhấc lên một cách nhẹ nhàng. Cho là điềm lạ, thái tử đem khúc gỗ về cung cất giữ coi như một vật quý hiếm. Một đêm nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, thái tử định đi sang thư phòng xem sách, khi đi ngang qua vườn thượng uyển, bỗng thấy một cô gái trẻ, đẹp đang dạo chơi ở đó. Nghe tiếng động, cô gái vội vàng chạy về phía hoàng cung rồi biến mất. Nhưng vào một đêm khác, cô gái xuất hiện. Thái tử có ý bí mật theo dõi, dò xét để biết thực hư. Một cuộc giáp mặt diễn ra quá bất ngờ, cô gái không kịp hóa phép ẩn mình vào khúc gỗ, đành phải kể lại lai lịch của mình cho thái tử nghe. Thái tử đem lòng thương yêu cô gái. Tin này liền đến tai vua cha. Nhà vua cho mời thầy đoán quẻ. Thấy có điềm lành, vua liền cho kết duyên vợ chồng.

Sau mấy năm trời chung sống hạnh phúc nơi đất Bắc, Thiên Y A Na vẫn nhớ về vườn dưa, nơi cha mẹ nuôi sống lam lũ, hiu quạnh. Nỗi thương nhớ thôi thúc Thiên Y A Na trốn thái tử, bỏ hoàng cung, cùng hai con biến vào khúc gỗ trầm, theo dòng nước biển trôi về quê hương người Chăm-pa ở cửa biển Cù Huân.

Nhưng khi trở về Đại An, bà mới biết rằng cha mẹ nuôi đã qua đời từ lâu. Thiên Y A Na bèn lập miếu thờ hai ông bà trên núi Đại An. Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại ở Đại An, bà đã tạo lập vườn tược nơi đất cũ, bày dân làng cách làm ruộng, cách chữa bệnh và nuôi dạy con cái. Sau đó Thiên Y A Na tự tạc tượng mình bằng khúc gỗ trầm dựng trên núi Cù Lao, rồi cùng hai con ra đi. Về sau, dân chúng xứ này đem tượng đó vào miếu để thờ.

Thái tử biển Bắc, từ khi xa cách vợ con, lòng nhớ thương sầu muộn khôn nguôi, quên ăn, quên ngủ. Thái tử bèn xin cha mẹ cấp cho một đội chiến thuyền, hướng về Nam, giong buồm chạy suốt ngày đêm để tìm tung tích mẹ con Thiên Y A Na. Khi thuyền tới biển Cù Huân, thái tử cho người lên núi hỏi thăm dân chúng về Thiên Y A Na. Nhưng từ lâu lắm, dân chúng đã không thấy tăm tích của Bà đâu nữa. Chỉ biết rằng Bà rất linh ứng. Người ta đồn rằng Thiên Y A Na lúc thì cưỡi voi trắng dạo chơi trên đỉnh núi, lúc thì hiện thành hình tấm lụa trắng bay trên không trung, có lúc lại cưỡi cá sấu qua lại giữa Cù Lao và Hòn Yến. Trước mỗi lần Bà hiển linh như vậy, thường có mấy tiếng nổ to như sấm, tiếp đến, hào quang rực sáng cả một vùng.

Nhân dân địa phương nhớ công đức của Thiên Y A Na, tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu”. Họ bỏ bao công sức và tâm huyết xây một ngôi tháp thật đẹp và uy nghi trên ngọn núi thiêng, nơi tiếp giáp với cửa sông, gọi là Tháp Bà. Ngôi tháp ấy là để thờ Bà, nhưng cũng để thờ Thái tử, chồng bà (tức thờ Ông), thờ vợ chồng ông lão Tiều phu, cha mẹ nuôi, cùng hai con của Bà. Trải qua mưa nắng thời gian, ngôi tháp đó vẫn tồn tại bền vững uy nghi cho đến tận ngày nay.

a. Vì sao Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu”?

b. Những đặc điểm nào ở nhân vật Thiên Y A Na trong VB trên giúp em nhận biết đó là nhân vật truyền thuyết?

c. Theo em, về cốt truyện, truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na đã thể hiện những đặc điểm nào của cốt truyện truyền thuyết?

d.Tìm một số dẫn chứng cho thấy truyện có sử dụng yếu tố kì ảo và cho biết tác dụng của chúng trong VB trên?

đ. Văn bản trên tuy không sử dụng lời của nhân vật, nhưng đặc điểm của các nhân vật vẫn được thể hiện rõ? Vì sao?

Method - Phương pháp giải/Hướng dẫn/Gợi ý

Đọc kỹ văn bản

Ghi nhớ những yếu tố kì ảo, đặc trưng của thể loại truyền thuyết

Dựa vào kiến thức đã học đưa ra cảm nhận về nhân vật

Advertisements (Quảng cáo)

Answer - Lời giải/Đáp án

a. Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu” vì những công lao to lớn của bà: Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại ở Đại An, bà đã tạo lập vườn tược nơi đất cũ, bày dân làng cách làm ruộng, cách chữa bệnh và nuôi dạy con cái.

b. Những đặc điểm ở nhân vật Thiên Y A Na trong VB trên giúp em nhận biết đó là nhân vật truyền thuyết:

- Nhân vật Ngọc Bà Thiên Y A Na là một nhân vật lịch sử xưa của vùng núi Đại An (Nha Trang, Khánh Hòa ngày nay)

- Nhân vật Thiên Y A Na liên quan tới một sự kiện lịch sử: Ngọc Bà Thiên Y A Na là người có công khai lập vùng đất vườn dưa, dạy cho dân cách trồng trọt,... góp phần phát triển vùng đất này.

- Nhân vật Ngọc Bà Thiên Y A Na có công lớn với cộng đồng, được dân trong vùng truyền tụng, tôn thờ: Ngọc Bà Thiên Y A Na được người dân xây một ngôi tháp thật đẹp và uy nghi trên ngọn núi thiêng, nơi tiếp giáp với cửa sông, gọi là Tháp Bà để thờ tụng.

c. Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na đã thể hiện những đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết là:

- Được thể hiện bằng một chuỗi cốt truyện được sắp xếp theo trình tự nhất định (trình tự thời gian) và có liên quan chặt chẽ với nhau: Hai vợ chồng một lão tiều phu nhặt được đứa bé đem về làm con nuôi - đứa bé được hoàng tử yêu thương - làm vợ hoàng tử - nhớ cha mẹ về lại vùng đất xưa - giúp đỡ người dân - sau khi chết được lập tháp để thờ tụng.

- Có sử dụng yếu tố kì ảo để thể hiện tài năng, sức mạnh phi thường của nhân vật: Bà biến vào khúc gỗ trầm, theo dòng nước biển trôi về quê hương người Chăm-pa ở cửa biển Cù Huân, sau đó lập công lớn bằng việc giúp người dân trong vùng.

- Cuối truyện có gợi nhắc dấu tích còn lưu lại: Người dân xây một ngôi tháp thật đẹp và uy nghi trên ngọn núi thiêng, nơi tiếp giáp với cửa sông, gọi là Tháp Bà để thờ tụng Ngọc Bà Thiên Y A Na.

d. Một số dẫn chứng cho thấy truyện có sử dụng yếu tố kì ảo:

  • Thiên Y A Na đã dùng phép hoá thân, nhập vào khúc gỗ trầm đang trôi ra biển cả

  • Thiên Y A Na trốn thái tử, bỏ hoàng cung, cùng hai con biến vào khúc gỗ trầm, theo dòng nước biển trôi về quê hương người Chăm-pa ở cửa biển Cù Huân

  • Người ta đồn rằng Thiên Y A Na lúc thì cưỡi voi trắng dạo chơi trên đỉnh núi, lúc thì hiện thành hình tấm lụa trắng bay trên không trung, có lúc lại cưỡi cá sấu qua lại giữa Cù Lao và Hòn Yến

* Tác dụng:

- Làm nổi bật nên vẻ đẹp kì ảo của nhân vật Thiên Y A Na.

- Làm cho truyện thêm lôi cuốn, hấp dẫn.

- Làm nổi bật sức mạnh, tôn lên nét phi thường của nhân vật truyền thuyết.

đ. VB trên tuy không sử dụng lời của nhân vật, nhưng đặc điểm của các nhân vật vẫn được thể hiện rõ bởi vì lời kể chuyện của tác giả sẽ giúp từng nhân vật bộc lộ rõ hơn, chi tiết hơn và khái quát hơn từng nhân vật.