Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi
Tình huống 1. Bạn X có em gái 2 tuổi. Vì công việc bận rộn nên mẹ thường để bạn X trông em. Em gái của bạn X khá năng động nên hay đi khắp nhà để chơi. Có nhiều lần, em gái lục tung sách vở trên bàn học khiến bạn X rất tức giận.
Thời gian đầu, bạn X còn nhỏ nhẹ nói chuyện với em nhưng càng về sau thì bạn X càng khó chịu và thường xuyên la mắng em. Có lần, em làm vỡ chiếc hộp lưu niệm mà bạn X rất yêu quý nên bạn X đã dùng thước đánh mạnh vào tay em.
Câu hỏi:
- Em nhận xét như thế nào về hành vi của bạn X?
- Nếu là bạn thân của bạn X và biết chuyện này, em sẽ tư vấn cho bạn X như thế nào?
Tình huống 2. Chiều nay, khi đang học bài, bạn P nhìn vào trong gương và thấy mặt mình có vết bầm tím. Cũng may là bạn P có mái tóc dài nên có thể che đi vết bầm để không ai biết. Đang hồi tưởng lại trận đòn ngày hôm qua thì có tiếng của dì từ bếp vọng lên: "Lại học nữa. Ăn rồi suốt ngày học. Đã quét nhà chưa mà còn ngồi đó hả?”. Vừa nghe xong, bạn P liền đứng dậy để đi quét nhà trong khi còn rất nhiều bài tập chưa làm xong. Bạn P sợ nếu mình không làm theo lời dì ngay thì sẽ bị ăn đòn. Bạn P suy nghĩ sẽ gọi điện cho mẹ ruột của mình để chia sẻ nhưng lại sợ làm cho mẹ lo lắng. Bạn P rất buồn và không biết nên làm thế nào.
Câu hỏi: Theo em, bạn P nên ứng xử như thế nào để không bị bạo lực gia đình?
Tình huống 3. Bạn X sống trong gia đình ba thế hệ gồm có ông bà nội, bố mẹ, bạn X và em trai. Các thành viên trong gia đình luôn hoà thuận, vui vẻ với nhau. Ông bà nội dù đã lớn tuổi nhưng vẫn luôn yêu thương, chăm sóc cho nhau và thường xuyên dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải. Bố của bạn X là người có tư tưởng cởi mở nên luôn sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình với vợ và luôn cố gắng dành thời gian cho các con. Mỗi ngày, cả nhà bạn X thường ăn tối cùng nhau trong bầu không khí ấm áp của tình thân. Do mỗi người đều tôn trọng và quan tâm lẫn nhau nên gia đình bạn X luôn ngập tràn hạnh phúc, tiếng cười. Bạn X luôn tự hào và hay kể với bạn bè về gia đình mình.
Câu hỏi:
- Theo em, gia đình bạn X đã làm gì để không xảy ra bạo lực gia đình?
- Em rút ra được bài học gì để áp dụng cho bản thân và gia đình mình?
* Trả lời câu hỏi tình huống 1:
- Nhận xét: hành vi của bạn X là không đúng, đây là một biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình (bạo lực về thể chất).
Advertisements (Quảng cáo)
- Lời khuyên: Nếu là bạn thân của X, em nên khuyên X:
+ Chấm dứt và không được lặp lại hành vi bạo lực với em gái nữa.
+ Bao dung hơn với em (vì em gái của X còn nhỏ tuổi, em chưa ý thức được hành động), quan tâm và yêu thương em.
+ Cất gọn đồ dùng của cá nhân hoặc những đồ dùng có thể gây nguy hiểm, như: dao, kéo, phích nước…ở xa tầm với của em gái.
* Trả lời câu hỏi tình huống 2: Để không bị bạo lực gia đình, bạn P nên:
- Nhẹ nhàng giải thích để dì hiểu rằng: bản thân còn nhiều bài tập cần phải hoàn thành, em sẽ cố gắng giúp dì những các công việc nhà phù hợp (khi trao đổi, cần tỏ thái độ hòa nhã, chân thành; tránh những lời nói, chủ chỉ, thái độ tiêu cực, mang tính thách thức).
- Tâm sự, chia sẻ hoàn cảnh với người thân, như: bố, mẹ ruột, ông bà,… để nhờ mọi người can thiệp, giúp đỡ hoặc gọi điện đến tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 để được hỗ trợ.
* Trả lời câu hỏi tình huống 3:
- Để không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình bạn X đã luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
- Bài học cho bản thân:
+ Quan tâm, chia sẻ, yêu thương, tôn trọng và gắn bó với các thành viên trong gia đình.
+ Thực hiện đúng những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình.
+ Lên án, phê phán những hành vi bạo lực gia đình.
+ Trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng, chống bạo lực gia đình.