M. Gorki là văn hào Nga vĩ đại. Tuổi thơ đầy bất hạnh: mồ côi bố mẹ, phải kiếm sống từ tuổi 13, làm đủ nghề lao động, trôi dạt, lang thang. Nhờ tự học mà trở thành một nhà văn vĩ đại của nước Nga, một văn hào lừng danh thế giới. Nhiều trang hồi kí của ông nói lên rất cảm động về chuyện đọc sách của ông thời thơ ấu và thời lang thang kiếm sống, sách đã gắn bó với "những trường đại học...” của ông. M. Gorki từng viết:
"Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.
Mỗi lần nhắc lại câu nói này, ta tưởng như ông đang tâm sự cùng ta, đang chỉ dẫn ta biết yêu sách và ham mê đọc sách.
1. Loài người có ngôn ngữ và văn tự rồi mới có sách. Sách gắn liền với những chặng đường đi lên của nhân loại. Có sách là tấm đá với những nét khắc. Có sách được ghi trên những thẻ tre, những mai rùa, trên hàng nghìn tấm da cừu. Văn minh nhân loại sáng chế ra giấy, mực về sau là máy in bằng chữ con chì, ngày nay là máy in hiện đại. Sách là kho tàng trí tuệ nhân loại, là giá trị tinh thần vô giá của loài người được tích lũy, chọn lọc, phân tích, tổng hợp và lưu trữ cho hậu thế. Kinh thánh, sách Phật, bộ sử thi Ra-ma-ya-na dài hàng chục vạn câu thơ... đã mấy nghìn năm còn "mở rộng ra” trước mắt loài người. Sách thể hiện tài năng của tác giả, cho mấy bộ mặt tinh thần, bản sắc nền văn hóa của mỗi dàn tộc, mỗi quốc gia. Sách có sức sống phi thường vượt mọi giới hạn về thời gian và không gian, làm cho các dân tộc, các chủng tộc xích lại gần nhau. Sách là sản phẩm kì diệu của con người trên đường đi tới văn minh.
Sách rất cần thiết đối với mỗi người, "sách mở rộng” trước mắt chúng ta những chân trời mới”. Sách giúp mọi người phát triển trí tuệ, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn. Có sách dạy ta biết đọc, biết viết, biết tính toán. Có sách văn chương, có sách khoa học, có muôn nghìn thứ sách thể hiện trí tuệ con người. Sách giúp ta hiểu biết nhiều mặt về con người và xã hội, về lịch sử và địa lý ở mọi thời gian và không gian. Sách khoa học dạy ta mở mang trí tuệ, nâng cao tầm ‘khôn,, để lao động, sáng tạo và phát minh. Trên con đường hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, sách khoa học kỹ thuật mở ra trước mắt thanh niên chúng ta những chân trời mới về tán học, tin học, sinh vật học, về y học...về những kỹ thuật hiện đại. Sách văn chương nghệ thuật hướng thiện nhân tâm, dạy cho ta biết yêu, biết ghét, đúng đạo lí, bồi đắp cái đẹp, cái cao cả nhân văn cho tâm hồn ta. Ta yêu một bài hát ru về "Công cha như núi Thái Sơn...”, ta suy ngẫm về một câu thơ Kiều: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, ta tự hào về tiếng nói của Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô đại cáo”
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Nếu không có sách thì con người sẽ sống trong tối tăm dốt nát, chỉ là phường giá áo túi cơm. Nói rằng sách mỏ rộng ra trước mắt chúng ta những chân trời mới - đó là chân trời ước mơ và hi vọng. Con người đích thực là con người biết hướng về tương lai bằng niềm tin và ước mơ. Trong kháng chiến gian lao, nhân dân ta tin tưởng ngày thắng trận, xây dựng lại đất nước ta "mười lần đẹp hơn”. Sách giúp ta tự khám phá mình, chiều sâu tâm hồn mình, để tự hoàn thiện nhân cách mình. Sách là nguồn mạch cho nhân văn, của mọi phát minh, tiến bộ khoa học. Bác học cũng phải học và đọc sách là vậy. Mọi phát minh khoa học đều mang tính kế thừa. Công trình nối tiếp công trình, phát minh nối tiếp phát minh. Mọi nhà khoa học trở nên vĩ đại là nhờ "đứng trên vai những người khổng lồ” như Niu-tơn đã nói, nghĩa là nhờ sách là thành đạt. Henry Fabre, nhà côn trùng học vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XIX, trên con đường đến với toán học và khoa học đã nhờ đọc sách và tự học. Ông mê toán học như mê thơ, và cũng tìm thấy trong đại số, hình học nhiều cái đẹp không kém thơ. Ông bảo những con số có tài đức vạn năng, là chìa khóa mớ cửa vũ là những năng lực chỉ huy không gian và thời gian (dẫn theo Nguyễn Hiến Lê). Đọc truyện "Bắt sấu rừng u Minh Hạ” của Sơn Nam, ta nhìn thấy, cảm thấy và yêu thêm Cà Mau - miền đất mũi, một thiên nhiên giàu tiềm năng, sông nhiều tôm cá, rừng tràm nhiều chim quý, cá sấu, rắn rùa, con người thì cần cù, dũng cảm, tài ba, trọng nghĩa khinh tài... M.Gorki còn nói lên tác dụng kì diệu của sách đối với mình: "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy.”( Sách kể chuyện hay, sách ca hát ...)
Nguyễn Trãi đã viết:
"Gia hữu cầm thư nhi bối lạc;
Môn vô xa mã cố nhân sơ”.
(Mạn thành - 2)
Advertisements (Quảng cáo)
Nghĩa là: Nhà có đòn sách thì vui con cái, cửa không có xe ngựa thì bạn bè xa. Đó là sự chiêm nghiệm về xây dựng một truyền thống học hành trong gia đình và thói đời phú quý. Lênin cũng có nói: "Không có sách thì không có tri thức; không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”.
2. Sách quý như vậy, nhưng sách không tự đến với con người. Chỉ khi nào con người hiếu học, yêu sách, ham mê đọc sách và có phương pháp đọc sách thì sách mới thật sự trở thành người bạn, người thầy, người hướng dẫn, và sách mỏ rộng ra trước mắt người đọc những chân trời mới. Đọc sách để học tập nhiều điều hay lẽ phải, để học tập những kiến thức đem vận dụng vào cuộc sống thì mới có ích. Ngoài việc học thầy, học bạn, học trong thực tế, ta còn phải học trong sách. Câu nói của Gorki đã hàm chứa điều tự học. Phải biết chọn sách mà đọc. Có hoa đẹp và hoa độc, có sách tốt và sách xấu, có sách nhảm nhí, có loại dâm thư... Sách là món ăn tinh thần nên phải biết chọn sách tốt, sách hay mà đọc. Đọc sách để giải trí đã là quý; đọc sách để tự học, tự nghiên cứu càng quý hơn. Có người đọc sách là để khoe khoang lòe đời, theo lối "ăn sống nuốt tươi”, đầu óc trở thành "hòm dựng sách” mà vô dụng. Viên Mai (đời Thanh) trong cuốn "Tùy viên thi thoại” có viết:
"Tằm ăn lá dâu nhưng nhả ra tơ chứ không phải phải ra lá dâu. Ong hút nhụy hoa mà gây thành mật chứ không phải gây thành nhụỵ hoa. Đọc sách như ăn cơm vậy, kẻ "khéo ăn”, tinh thần sẽ lớn lên, kẻ "không khéo ăn” sẽ sinh ra đờm, bướu”.
Độc giả phải trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Nghĩa là đọc sách với tinh thần chủ động, suy ngẫm nghiền ngẫm để chiếm lĩnh những kiến thức, những tư tưởng, tình cảm cao đẹp, sâu sắc hàm chứa trong sách. Nói rằng, đọc sách là để hành dộng, để vươn tới ánh sáng là vậy.
Các bậc vĩ nhân, danh nhân đã từng nêu cao những tấm gương về sống, làm việc, đọc sách. Vua Lê Thánh Tông, bậc minh quân đời Lê:
"Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”.
Đó là đọc sách để lo việc nước. Còn thi thánh Đỗ Phủ thì đọc sách không biết mệt mỏi là để sáng tác nên những thần cú, những kiệt tác văn chương:
"Độc thư phá vạn quyển
Hạ bút như hữu thần”.
Tóm lại, câu nói của M. Gorki: "Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới” là một lời khuyên chí tình đối với mỗi chúng ta. Đất nước ta đang đổi mới và hòa nhập. Việc đọc sách phải gắn liền với ‘việc học tập của thanh thiếu niên chúng ta ngày nay. Đọc sách để học ngoại ngữ. Đọc sách để trau dồi môn quốc văn. Đọc sách để học tập khoa học kỹ thuật. Học giỏi và đọc sách, say mê đọc sách và nghiên cứu để trở thành người lao động có văn hóa, có kỹ thuật để đem tài năng góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.