Dài hơn 980 km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và đổ ra sông Hồng, đến sông Đà, du khách sẽ đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử cùa con người qua các di chỉ khảo cổ, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Từ ngàn xưa, sông Đà là con đường huyết mạch cho việc giao lưu văn hoá, buôn bán của người dân các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc nói chung với miền xuôi. Từ Ta Bơ (chợ Bờ - Hoà Bình) đến Bến Vạn, Tạ Khoa, Tạ Bú, Tạ Hè (Sơn La) đến Mường Lay (Điện Biên) là các bến đậu của các đoàn thuyền buôn từ kinh thành Thăng Long lên xứ Ta Lếnh (vùng Tây Bắc ngày nay) vào khoảng thế kỷ XII - XVI. Ngày nay, sông Đà được biết đến với tiềm năng lớn về thuỷ điện, trên sông đã có nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (cung cấp điện năng lớn nhất nước ta hiện nay) và trong tương lai gần trên sông Đà có nhà máy thuỷ điện mới - thuỷ điện Sơn La lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến với sông Đà du khách sẽ đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ: rừng xanh, núi cao, sông rộng, thác, ghềnh; khám phá những nét văn hoá đậm đà bản sắc các dân tộc: Thái, Mường, Tày, Mông, Dao... Ngược dòng sông Đà, theo con đường của các đoàn thuyền buôn xưa: từ chợ Bờ (Hoà Bình) - bến Vạn Yên - bến Tà Hộc - bến Tạ Bú (Sơn La) - điểm khởi công công trình thuỷ điện Sơn La. Từ chợ Bờ đến Tạ Bú là vùng hồ thủy điện Hoà Bình, nơi đây có nhiều hang động đẹp có giá trị khảo cổ học: rìu đá, tước đá, hòn kê, hòn mài được phát hiện tại hang Tẳng, bản Bông Lau, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên; phát hiện trong một số hang tại xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu với những cỗ quan tài bằng gỗ, hình thuyền. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì những ngôi mộ táng này có niên đại trên dưới 200 năm. Tại khu vực này không chỉ có dấu tích của thời kỳ đá đá mà còn có các hiện vật thời kỳ kim khí: rìu đồng, trống đồng Heger.
Advertisements (Quảng cáo)
Ngược Tạ Bú khoảng 3 km, du khách sẽ đến Pá Vinh (huyện Mường La). Đây là nơi xây dựng đập thuỷ điện Sơn La để tận mắt chứng kiến sức vóc và trí lực to lớn của con người: xẻ núi, đắp đập, ngăn sông, chinh phục dòng nước lớn. Đây sẽ là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần điều khiển nguồn nước cho đồng bằng Bắc Bộ, phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Bắc và đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Tiếp tục ngược dòng sông Đà du khách sẽ đến với Mường Lay, đến với Điện Biên Phủ đánh dấu một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử, với nhiều lễ hội độc đáo, các hoạt động văn hoá đặc sắc...
Dọc bờ sông Đà, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá đời sống văn hoá của các dân tộc: Thái, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Dao... Đặc biệt du khách dễ dàng bắt gặp những phiên chợ nổi trên sông. Chợ được hình thành bởi nhiều chiếc thuyền hàng ghép lại, địa điểm họp chợ nổi có thể thay đổi từ bến Khủa lên Vạn Yên đến Mường Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Chim Vàn, Đá Đỏ, Pắc Ngà, Tà Hộc. Người dân đến chợ bằng nhiều phương tiện: ngựa thồ, xe máy và những thuyền chất đầy hàng hoá, nông sản, thổ cẩm, đồ đan lát... để trao đổi buôn bán với những người miền xuôi. Vào những phiên chợ, các chàng trai, cô gái các dân tộc vùng Tây Bắc trong những trang phục truyền thông đẹp nhất, nườm nượp trên bến, dưới thuyền, họ đến đây không chỉ mua bán mà còn muốn tìm cho mình một người bạn đời lý tưởng.
Nếu lưu lại qua đêm ở các bản làng dưới mái nhà sàn ấm cúng, du khách sẽ được sống trong những giờ phút đáng nhớ, cùng thưởng thức những đặc sản của núi rừng, ngây ngất trong men say rượu cần, hoà chung điệu xoè và nghe người già kể những huyền thoại, truyền thuyết về sông Đà.