Advertisements (Quảng cáo)
Chi tiết lão Hạc xin Binh Tư được Nam Cao sắp xếp vào phần sau của câu chuyện như là một chi tiết có ý "đánh lừa” dòng cảm xúc của người đọc. Kể về lão Hạc với ông giáo, Binh Tư cho rằng lão “cũng ra phết chứ chẳng vừa đâu”. Sự việc và lời nhận xét ấy đã đẩy những suy nghĩ tốt đẹp của người đọc và ông giáo sang hướng khác (hoài nghi, buồn). Thế nhưng cái chết bất ngờ của lão lại khiến cho cả ông giáo và chúng ta nữa phải giật mình suy ngẫm về số kiếp con người trong xã hội xưa. Cách sắp xếp tình tiết như vậy đã làm nổi bật lên giá trị nhân cách cũng như cái tình thế quẫn bách tột cùng của lão Hạc. Đồng thời cũng hiểu được sự cảm thông sâu sắc của ông giáo đối với lão Hạc. Ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả): “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương (...) Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” thể hiện một quan niệm và một triết lí sống sâu sắc và tiến bộ. Đây là một thái độ yêu thương, trân trọng nhằm khám phá những nét tốt đẹp của con người.