Trong trái tim mỗi chúng ta luôn có chỗ cho tất cả những người ta yêu thương quý mến: ông bà, bố mẹ, thầy cô, anh chị, bạn bè... Dẫu vậy, vẫn có một góc riêng đặc biệt để chúng ta lưu giữ những kỉ niệm thầm kín, thiêng liêng về một người ta không thể quên. Trong trái tim tôi cũng có một người sống mãi như vậy, một người bạn thuở ấu thơ mà đã lâu lắm rồi tôi không được gặp.
Bạn có một cái tên rất lạ - nghe như tên con trai: Việt Anh. Lần đầu nghe tên bạn, tôi bật cười thích thú và ấn tượng ngay với cô bạn gầy gầy, nhỏ nhỏ trông như cái kẹo. Việt Anh thấp hơn tôi, tóc cắt ngắn rất tươi tắn. Nhưng ngoài cái tên giống con trai ra bạn còn một điều ngộ nghĩnh nữa: bạn có một chiếc răng nanh bị sâu. Nó bị thủng một lỗ đen. Điều đó khiến cái cười của bạn trở nên ngộ hết sức. Tôi chủ động đến nói chuyện với bạn vì những ấn tượng rất vui vẻ ấy.
Càng nói chuyện càng thấy hợp nhau, hai đứa tôi kết thành đôi bạn thân thiết. Dù ở cùng xóm nhưng đến tận lúc ấy - hai đứa quen nhau ở lớp 1 trường làng, chúng tôi mới biết nhà nhau. Nhà Việt Anh hai tầng khang trang. Trong làng tôi khi ấy, đa phần là nhà ngói, hiếm hoi lắm mới có ngôi nhà mái bằng, nhà tầng - đó là những giàu. Trong khi những người lớn (trong đó có bố mẹ tôi) suốt ngày phải đi làm đồng thì tôi thấy mẹ Việt Anh chỉ ở nhà nấu nướng dọn dẹp. Tôi thấy Việt Anh kể bố bạn là thầy giáo ở trường quân đội to lắm. Nhưng bác đi làm suốt, tôi chẳng gặp bao giờ. Sau lần đầu tiên đến nhà bạn, tôi trở nên dè dặt, nghĩ rằng mình nên ít chơi với Việt Anh hơn... Nhà tôi nghèo hơn nhà bạn nhiều lắm. Nhà tôi lụp xụp mái ngói cứ mùa mưa là hứng nước trong nhà, tát nước ngoài sân. Trong khi nhà bạn nhìn đâu cũng thấy đồ điện thì tôi vẫn phải học bằng đèn dầu. Vì thế, đã mấy lần Việt Anh giục về nhà tôi chơi nhưng tôi vẫn chần chừ, lần lữa. Bạn sẽ khinh tôi mất! Tôi cứ lảng tránh dần những câu chuyện với bạn trên lớp, những lời rủ về nhà chơi của bạn...
Thế rồi một hôm...
Tôi đang chuẩn bị đi kiếm củi. Thay bộ đồng phục, tôi mặc bộ quần áo đã rách vá mấy miếng. Đang tìm cái tải để vơ lá, cắt mấy cái dây chuối để bó củi, bất chợt tồi nghe tiếng goi quen thuộc:
Nhung ơi! Nhung!
Trời ơi, Việt Anh. Tôi chạy ra sân.
Làm sao bạn tìm được nhà tớ?
Tớ hỏi mọi người đấy. Tớ mang búp bê sang nhà cậu chơi.
Việt Anh vui vẻ bước vào nhà tôi. Không để ý đến cái sân trơn trượt rêu mốc, cả bức tường đã loang lổ những mảng vữa lở. Bạn vô tư ngồi xuống chiếc giường duy nhất trong nhà bày búp bê biết mở mắt nhắm mắt ra.
ơ... tớ phải đi kiếm củi bây giờ...
- Kiếm củi á? Về nhà tớ lấy đi. Nhà tớ nhiều lắm!
Nói rồi bạn để lại đồ chơi hăm hở kéo tôi về nhà mình. Vậy là chúng tôi lại xích lại gần nhau hơn nữa, ngày càng thân thiết hơn. Con búp bê đẹp đẽ được đặt tên Nguyệt Hằng và được chúng tôi may cho những bộ quần áo xinh xắn. Vườn chuối nhà tôi đã mấy lần hai đứa bói quả bằng cách lấy dao chém ngang thân cây (trong khi mẹ tôi bảo chi chặt nhẹ hai ba lần áo ngoài thôi!). Và biết bao bờ rào, rặng cây trong xã in dấu chân hai con bé kiếm củi, nhặt lá...
Thời gian êm đềm trôi qua. Đã hết năm lớp 1, hai đứa đã cùng học cùng chơi và đều là học sinh giỏi. Bố Việt Anh thưởng cho bạn một chuyến đi chơi. Lúc trở về bạn mang cho tôi bao nhiêu là quà: bánh kẹo, đồ chơi...
Advertisements (Quảng cáo)
Tôi còn đang tần ngần, băn khoăn, trước những món quà cùa Việt Anh thì bạn nhìn tôi vẻ bí mật:
Này, chúng mình kết nghĩa chị em nhé!
Tôi ngẩng lên nhìn Việt Anh sửng sốt. Kết nghĩa? Kết nghĩa là sao?
Là không phải chị em ruột nhưng coi nhau là chị em ruột. Không chờ tôi hỏi tiếp, bạn kể cho tôi nghe bạn xem phim người ta làm lễ kết nghĩa ăn thề như thế nào, sống chết vì nhau ra sao.
Cắt một tí tóc thì được (chắc mẹ tớ không biết đâu). Nhưng cắt tay lấy máu thì eo ôi đau lắm!
Không, bọn mình không cắn tay lấy máu. Lấy cái gì màu dđỏ đỏ là được mà.
Thế là chúng tôi kết nghĩa chị em. Lén cắt một ít tóc vàng hoe, chúng tôi trộn tóc hai đứa vào nhau rồi chia ra hai phần bằng nhau mỗi đứa giữ một nửa. Việt Anh còn viết hai tờ “Giấy kết nghĩa” giống hệt nhau với những câu “sống chết có nhau”, “sướng khổ có nhau”... khiến tôi khá căng thẳng. Sau đó nó mắm môi vẩy rõ mạnh cho mực trong cái bút bi đỏ trào ra rồi “hướng dẫn” tôi xoa ngón tay trỏ vào mực, điểm chỉ vào hai tờ “Giấy kết nghĩa”. Nó tự nhận làm em và gọi tôi là chị vì tôi cao hơn. Để cho thân mật, tên Việt Anh chuyển thành Vịt, còn tôi được gọi là Mập vì người tôi béo tròn.
Tôi đã trở thành chị của Vịt như thế. Tuổi thơ êm đềm trôi qua được bốn năm.
Thế rồi một ngày, Vịt tức tưỏi khóc và chạy sang nhà tôi. Tôi sửng sốt cả người: chưa bao giờ tôi thấy Vịt khóc. Thế mà nay, trước mắt tôi, em khóc nức nở, người nấc lên từng nhịp. Vịt kể bố mẹ Vịt chia tay, bố không được làm giáo viên nữa.. Nghĩa là từ đó, Vịt sống với mình mẹ, bố Vịt về quê ở tận Hà Tĩnh. Mẹ Vịt lại làm ruộng như bao nhiêu người khác. Đồ đạc trong nhà dần dần phải đem bán đi.. Tội nghiệp nhất là Vịt đang từ một cô công chúa được chiều chuộng nâng niu giờ em lấm lem bùn đất. Đi học về, Vịt rù tôi nhặt củi ven đường để nấu cơm, đun nước.
Cuộc sống khó khăn dần. Một hôm tôi giật mình nghe cô giáo nhắc tên Việt Anh trong danh sách những người đóng tiền học muộn (thực ra danh sách ấy chỉ có tên một người). Tôi lặng người đưa mắt thầm nhìn đứa bạn thân. Mặt bạn đờ đẫn tội nghiệp. Ngay buổi học hôm ấy, tôi hăm hở rủ Vịt chạy khắp các phòng học trong trường để nhặt giấy vụn bán lấy tiền đóng học. Nhưng tiền học hàng tháng, rồi tiền tham quan, tiền quỹ lớp... Cả lớp tôi lo lắng. Chúng tôi gom góp một chút tiền gửi tặng bạn nhưng dĩ nhiên bạn từ chối. Dần dần tôi lại phát hiện ra một sự thật khủng khiếp: đã cả tháng nay Vịt không được ăn cơm. Nhà hết gạo đã lâu, bạn chỉ ăn khoai và củ. Dù còn non nớt nhưng một đứa bé lớp 4 như tôi thừa hiểu không có cơm ăn nghĩa là thế nào. Mẹ Vịt không nuôi cho Vịt ăn học được nữa...
Và chuyện gì đến sẽ phải đến.
Mùa hè lớp 4, tôi khóc ròng khi Vịt báo tin vào Nghệ An sống với bố. Trước hôm Vịt đi, chúng tôi nước mắt ngắn dài viết thêm vào “Giấy kết nghĩa” hẹn mười năm sau sẽ gặp lại. Vịt bảo lúc ấy cả hai đứa đã học đại học, đã đi làm thêm được, đã có tiền và có thể đi xa để thăm nhau. Tôi như đứa mất hồn những ngày sau đó. Tôi chẳng muốn chơi với ai nữa. Nhưng việc học hành vẫn phải chú tâm vì tôi sợ nếu không vào được đại học sẽ không gặp được em Vịt của tôi. Và hơn thế, tôi cũng không muốn học kém hơn đứa em kết nghĩa của mình.
Suốt những năm qua, Vịt viết thư cho tôi luôn. Nhiều lắm. Vịt kể vào đó, Vịt có rất nhiều bạn, mọi người rất quý Vịt nhưng Vịt không bao giờ quên tôi. Tôi tin điều đó, niềm tin của tôi nơi Vịt không bao giờ thay đỗi. Tôi chỉ sợ một điều thay đổi là chính bản thân tôi thôi. Tôi nhận ra điều đó khi vào ngày hè khắc nghiệt, tôi xem trên tivi thấy cảnh một vùng đất bị lũ lụt tràn về. Bao nhiêu trâu bò, bao nhiêu mái nhà, bao nhiêu đồ đạc,… bị cuốn phăng đi... Tôi giật mình khi nghe tên vùng bị nạn: Đức Thọ, Hà Tĩnh trời ơi, là quê của Việt Anh đó! Vậy là bạn đã phải chịu bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu mất mát... nhưng chưa bao giờ bạn than thở với tôi. Không, đúng hơn là chưa bao giờ tôi hỏi thăm bạn. Tôi nhớ đến những lời hỏi thăm rất vội, những lời chúc rất sáo... mình gửi cho bạn. Và nghẹn lòng nhớ đến những lá thư tới rất kịp thời vào dịp sinh nhật, Tết hay Noel... của bạn. Vâng, dù tôi có thế nào, tình cảm yêu thương mà Việt Anh dành cho tôi vẫn không hề thay đổi, điều đó giống với tên cuốn sách mà bạn gửi tặng tôi vào dịp sinh nhật vừa rồi: "Mãi mãi là yêu thương”.
Tôi ấp ủ trong mình những ước mơ lớn trong tương lai và ước mơ mười năm cũng sẽ không bao giờ tắt. Hình ảnh ngưởi bạn thuở ấu thơ sẽ chẳng bao giờ phai nhoà trong tôi bởi vẫn còn nguyên vẹn đó những yêu thương trong lòng mà hai chúng tôi thắp lên cho nhau trong nhau suốt những ngày thơ ấu.