Nhà phê bình Hoài Thanh trong văn bản "Ý nghĩa văn chương” từng viết: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Nhận định ấy đã nêu lên những tác động cơ bản của văn học đối với tình cảm con người. Không dừng lại ở đó, giữa văn học và tình thương còn có những mối quan hệ sâu sắc.
Văn học bao gồm những tác phẩm thơ, truyện, kịch, ca dao, hò vè... vô cùng đa dạng, phong phú. Một nội dung quan trọng của những tác phẩm ấy là phản ánh đời sống xã hội, thể hiện những tâm tư tình cảm của con người. Đó là tình anh em sâu nặng, tình bạn bè, cô trò cảm động trong "Cuộc chia tay của những con búp bê” (tác giả Khánh Hoài), "Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến; đó là tình cảm gia đình sâu sắc trong những bài ca dao về tình cảm gia đình; là tình thương đối với những kiếp người bé nhỏ, mong manh trong chùm ca dao than thân, trong bài thơ "Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính”...
Qua những tác phẩm ấy, văn học đã ngợi ca tình yêu thương đẹp đẽ, trong sáng, cao thượng giữa người với người, giữa người với vạn vật xung quanh. Từ đó, văn học xây đắp, bồi dưỡng cho ta tình yêu thương đối với những người thân yêu, với những người hàng xóm, bạn bè, với quê hương đất nước... Đọc bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn...”, người đọc thấm thìa hơn công ơn "như núi”, "như nước trong nguồn chảy ra” của cha và mẹ. Bài ca dao khiến ta biết yêu hơn, biết thương hơn những đấng sinh thành. Đọc truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài, ai cũng rưng rưng cảm động và thấy xót thương cho những số phận bé thơ sớm phải chịu cảnh gia đình chia lìa đôi ngả. "Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến lại khiến người đọc thấy trân trọng và tin yêu vào tấm lòng của những người bạn hữu trong cuộc đời... Có thể nói văn học chính là dòng suối ngọt mát bồi đắp những yêu thương cho tâm hồn con người. Nó khiến mỗi chúng ta biết yêu thương, quan tâm chia sẻ với nhau để sống nhân văn và ý nghĩa hơn giữa cuộc đời này.
Đến lượt mình, tình thương trở thành nguồn gốc, động lực cho sự ra đời của văn học. Trong "Ý nghĩa văn chương”, Hoài Thanh đã dùng một câu chuyện - một hình ảnh thật hay để lí giải nguồn gốc của thơ ca hay chính là văn học nghệ thuật nói chung: Một tu sĩ khóc thương một con chim nhỏ bị thương, tiếng khóc - lòng thương của ông đã bật lên thành tiếng thơ ca. Thật vậy, phải có lòng yêu quý, trân trọng tấm lòng của bạn sâu sác, Nguyễn Khuyến mới chắp bút viết nên "Bạn đến chơi nhà” hóm hĩnh. Phải có một tấm lòng dầy ưu tư, đa cảm trước tình đời, tình người Bà Huyện Thanh Quan mới viết nên những câu thơ đầy cảm động:
"Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Advertisements (Quảng cáo)
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
Trong nỗi "nhớ nước”, "thương nhà” của tác giả là một khối sầu thương u ẩn về thời thế và cuộc đời...
Văn chương, nói như học giả Lê Quý Đôn: "Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”, thực sự được bắt nguồn từ tình yêu thương bao la giữa người với người, giữa con người và vạn vật.
Có thể nói, giữa văn học và tình thương có mối liên hệ qua lại rất mật thiết. Văn học bồi đắp tình thương và tình thương trở thành nguồn gốc, động lực của văn học. Điều đó cho ta những bài học quan trọng trong việc học văn và xây dựng tình cảm với người thân, bạn bè, cộng đồng. Học văn là để làm đẹp, làm phong phú cho tâm hồn và ngược lại, khi đọc văn - học văn phải biết "lấy hồn ta để cảm hồn người”, có vậy mới thấm thìa hết những giá trị nhân văn sâu sắc của các tác phẩm văn học.