Câu hỏi/bài tập:
Dựa vào tài liệu đã thu thập được, hãy phân tích tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo các gợi ý sau:
- Tác động của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên, kinh tế và xã hội:
+ Đối với tự nhiên.
+ Đối với kinh tế.
+ Đối với xã hội.
- Đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu:
+ Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Đọc kỹ phần gợi ý
* Tác động của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên, kinh tế và xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL):
- Đối với tự nhiên:
+ Tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng.
+ Tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng dọc theo bờ biển ĐBSCL. Hiện nay ĐBSCL có khoảng 286 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
+ Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao khoảng 0,35 cm/năm khiến nơi này bị ngập lụt.
Advertisements (Quảng cáo)
+ Tình trạng sụt lún ở một số khu vực tại ĐBSCL diễn ra rất nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân với quy mô khác nhau. Tốc độ sụt lún trung bình hàng năm cho toàn khu vực trong giai đoạn này là 1,07cm/năm (từ 0,38cm đến 1,99 cm/năm).
- Đối với kinh tế:
+ Tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của ĐBSCL. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã khiến 160.000ha đất bị nhiễm mặn, tổng diện tích trồng lúa ước tính thiệt hại 139.000ha.
+ Xói lở bờ biển làm thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
- Đối với xã hội:
+ Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã khiến 155.000 hộ gia đình (khoảng 600.000 người dân) ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt.
+ Xói lở bờ biển làm mất nhà cửa, tài sản và sinh kế của người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng các tỉnh ĐBSCL.
* Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu:
+ Huy động cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân chủ động bảo đảm nước sinh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm, ổn định đời sống, sản xuất trước tác động tiêu cực của El Nino trong thời gian tới.
+ Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ sản xuất và bảo đảm đủ nước dân sinh.
+ Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội; điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cần cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước.
- Nhóm giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu:
+ Chuyển đổi những diện tích lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn uy hiếp, sang nuôi trồng thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý để giảm lượng nước tưới. Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế độ bốc hơi, chống xói mòn và giữ nước mặt.
+ Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu toàn diện, tổng thể về biến đổi khí hậu để giảm thiểu, hạn chế những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
+ Có lộ trình, bước đi phù hợp để sớm đổi mới công nghệ sản xuất hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư và sử dụng thuế, phí sử dụng tài nguyên nước và xả thải nước bẩn bảo đảm công bằng và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
+ Đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính.