Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 (sách cũ) Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học, 1. Luyện tập...

Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học, 1. Luyện tập đọc – hiểu nghĩa của từ và ý nghĩa của câu, đoạn trong văn bản văn họcHai câu thơ dưới đây mang ý nghĩa gì? Hãy giải...

Nghị luận xã hội lớp 10 - Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học. 1. Luyện tập đọc – hiểu nghĩa của từ và ý nghĩa của câu, đoạn trong văn bản văn học a) Hai câu thơ dưới đây mang ý nghĩa gì? Hãy giải thích tại sao lại hiểu như vậy. Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Tỏ lòng)

Gợi ý:

Hai câu thơ này thể hiện chí khí của vị tướng muốn noi gương Vũ Hầu. Không thể hiểu đây là nỗi hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão khi nghe chuyện Vũ Hầu; bởi vì không có liên hệ nào để hiểu Phạm Ngũ Lão có điều gì đó phải hổ thẹn khi “nghe chuyện Vũ Hầu”. Không thể hiểu hai câu thơ này hàm chứa giả thiết rằng nếu chưa xong nợ công danh thì sẽ thẹn với Vũ Hầu; bởi vì từ ý nghĩa của từ, câu, đoạn,… không thể hiện một giả thiết nào.

b) Ý nghĩa của đoạn trích sau là gì?

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông.

Nổi gió to trút sạch lá khô,

Thông tổ kiến phá toang đê vỡ.

(Đại cáo bình Ngô)

Gợi ý:

Đoạn trích thể hiện uy lực phi thường của nghĩa quân Lam Sơn. Các ý quân đông, voi nhiều, đánh nhanh, đánh mạnh hay sự sụp đổ không thể cứu vãn được của quân Minh là những biểu hiện, chứng tỏ uy lực ấy.

c)  Hiểu thế nào là “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) của thơ văn?

Gợi ý: Từ việc tìm hiểu nghĩa của ví dụ trên, có thể thấy ý chính của thơ văn nhiều khi không chỉ thể hiện ở bề mặt con chữ, từ ngữ mà còn là nghĩa ở ngoài lời, ở khoảng trống giữa các từ, các câu.

 2. Luyện tập đọc – hiểu mạch ý của đoạn văn

a) Chỉ ra các ý và liên hệ giữa các ý trong đoạn văn sau:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”

(Hiền tài là nguyên khí của quốc gia)

Gợi ý:

Đoạn văn này gồm hai ý, trong hai câu nối tiếp nhau, liên hệ với nhau. Ý thứ nhất được thể hiện trong câu đầu: hiền tài là nguyên khí quốc gia. Trong câu tiếp theo, ý thứ hai là hệ quả của ý được khẳng định trong câu trước: Nhận thức được tầm quan trọng của hiền tài với thịnh suy của đất nước, nên các thánh đế minh vương đều phải ra sức vun trồng hiền tài.

b) Trong bài Tựa “Trích diễm thi tập” (Hoàng Đức Lương) có những đoạn văn nào? Ý chính của từng đoạn là gì? Các ý đó liên hệ với nhau như thế nào?

Gợi ý:

- Bài văn này có hai phần: phần một nêu các lí do khiến cho thơ văn không lưu truyền hết ở đời; phần hai nêu động cơ và quá trình biên soạn sách.

- Phần một gồm các đoạn:

+ Chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca.

+ Người có học thì ít quan tâm đến thơ ca.

+ Người quan tâm đến thơ ca thì năng lực kém, không đủ kiên trì.

+ Chính sách phát hành của nhà n­ước còn nhiều hạn chế.

+ Thời gian, binh lửa làm h­ư nát, tiêu huỷ sách vở.

Advertisements (Quảng cáo)

Liên hệ giữa các đoạn văn thể hiện liên hệ giữa các lí do: từ những lí do chủ quan đến những lí do khách quan.

- Phần hai gồm hai đoạn:

+ Những bức xúc trong tình hình biên soạn sách về thơ ca Việt Nam ở thời của tác giả và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hiến dân tộc.

+ Quan điểm và cách thức biên soạn.

- Quan hệ giữa hai phần trong bài Tựa “Trích diễm thi tập” là mối quan hệ giữa thực trạng và giải pháp.

c) Hai bài Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ đều nêu ngày tháng nhân vật mất trước, rồi sau đó kể lại một số sự kiện lúc họ sống. Đây là cách bố cục theo bút pháp “cái quan định luận”.

3. Luyện tập cảm nhận hình tượng văn học

a) Trong truyện Chử Đồng Tử có những tình tiết nào hay và độc đáo?

Gợi ý:

Có thể kể ra các tình tiết như: hai cha con chỉ có một cái khố (tình cảnh khốn cùng); cuộc kì ngộ của Đồng Tử và Tiên Dung; Tiên Dung quyết định kết duyên và ở lại sống cùng Chử Đồng Tử; Đồng Tử được Phật Quang cho một cây gậy và chiếc nón có phép lạ, nhờ đó họ có được một cung điện lộng lẫy, với cả binh lính,…

b) Dựa vào những tình tiết tiêu biểu, hãy mô tả lại hình tượng người ở ẩn trong bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Gợi ý:

Nổi bật trong bài thơ là hình ảnh người trí sĩ ẩn cư­ nhàn dật. Nhân vật trữ tình này xuất hiện trong lời thơ với những chi tiết về cách sống, cách sinh hoạt và quan niệm sống: tự cuốc đất trồng cây, đào củ, câu cá; chọn nơi vắng vẻ, không thích nơi ồn ã; ăn uống, tắm táp thoải mái, tự nhiên; coi phú quý tựa giấc mộng.

4. Luyện tập khái quát tư tưởng, quan điểm của tác phẩm và đoạn trích

a) Phát biểu khái quát tư tưởng bài Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương.

Gợi ý: Trong bài Tựa “Trích diễm thi tập”, tấm lòng yêu n­ước của tác giả được thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, ý thức trân trọng, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc.

b) Động cơ nào khiến tác giả không ngại “vụng về” soạn ra Trích diễm thi tập?

Gợi ý:

Hiểu rõ bốn nguyên nhân làm cho sách vở nước ta thất truyền, xót xa trước nguy cơ sáng tác thi ca bị mai một, tác giả Hoàng Đức Lương đã không ngại “vụng về” soạn ra Trích diễm thi tập.

5. Quá trình đọc – hiểu văn bản văn học có những bước nào? Ở mỗi bước ấy, phải đảm bảo những yêu cầu gì?

Gợi ý:

Đọc – hiểu ngôn từ:

+ Đọc thông suốt toàn văn bản, hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố, phép tu từ,…

+ Hiểu được cách diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu sau, từ ý này chuyển sang ý khác,…

Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật:

+ Tưởng tượng, “cụ thể hoá” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát;

+ Phát hiện các mâu thuẫn tiềm ẩn trong hình tượng và tìm hiểu lô gích bên trong của chúng.

Đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản: Đọc cho ra cái linh hồn của nhà văn ẩn chứa trong văn bản – cái thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài lời,…

Đọc – hiểu và thưởng thức văn học: Người đọc tự phát hiện, tự khẳng định về thế giới nghệ thuật của tác phẩm; vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của tác giả vừa giữ lại ấn tượng sâu đậm của mình đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm.

6. Tưởng tượng, liên tưởng có tác dụng như thế nào đối với việc đọc – hiểu văn bản văn học?

Gợi ý: Trong sáng tạo văn bản nghệ thuật, tác giả sử dụng liên tưởng, tưởng tượng để tạo ra hình tượng hàm chứa những nội dung ý nghĩa sâu sắc thông qua so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,… Đến lượt người đọc, nhờ liên tưởng, tưởng tượng mà tái tạo, thâm nhập, cắt nghĩa, lí giải,… nghĩa là làm sống lại thế giới hình tượng đã được nhà văn mã hoá và thưởng thức nó bằng chính vốn sống, sở trường của mình.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: