Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 (sách cũ) Ôn tập về làm văn lớp 10, 1. Ôn lại những kiến...

Ôn tập về làm văn lớp 10, 1. Ôn lại những kiến thức về các kiểu văn bản và các phương thức biểu đạt...

Nghị luận xã hội lớp 10 - Ôn tập về làm văn lớp 10. 1. Ôn lại những kiến thức về các kiểu văn bản và các phương thức biểu đạt

Gợi ý:

Kiểu

văn bản

Phương thức

biểu đạt

Ví dụ về hình thức

văn bản cụ thể

Văn bản tự sự

- Trình bày các sự việc (sự kiện) có mối quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục, biểu lộ ý nghĩa.- Mục đích: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ tình cảm, thái độ. - Bản tin báo chí- Bản tường thuật, tường trình.

- Tác phẩm lịch sử

- Tác phẩm văn học nghệ thuật: truyện, tiểu thuyết, kí sự.

Văn bản miêu tả

- Tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng làm cho chúng hiển hiện.- Mục đích: Giúp con người cảm nhận và hiểu đựơc chúng. - Văn tả cảnh, tả người, tả sự vật.- Đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự.

Văn bản biểu cảm

- Bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người đối với con người, thiên nhiên, xã hội, sự vật.- Mục đích: Bày tỏ tình cảm và khơi gợi sự đồng cảm. - Điện mừng, lời thăm hỏi, chia buồn, văn tế, điếu văn.- Thư từ biểu hiện tình cảm giữa người với người.

- Tác phẩm văn học: thơ trữ tình, tuỳ bút, bút kí…

Văn bản thuyết minh

- Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kếtquả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng.- Mục đích: Giúp người đọc có trí thức khách quan và có thái độ đúng đắn đối với chúng. - Bản thuyết minh sản phẩm hàng hoá.- Lời giới thiệu di tích, thắng cảnh, nhân vật.

- Văn bản trình bày trí thức và phương pháp trong khoa học tự nhiên và xã hội.

Văn bản nghị luận

- Trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.- Mục đích: Thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu. - Cáo, hịch, chiếu, biểu.- Xã luận, bình luận, lời kêu gọi.

- Sách lí luận.

- Lời phát biểu trong hội thảo về khoa học xã hội.

- Tranh luận về một vấn đề chính trị, xã hội, văn học.

Văn bản điều hành (hành chính-công vụ)

- Trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm pháp lí về các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lí; hay người lại, bày tỏ yêu cầu, quyết định của người có thẩm quyền đối với người có trách nhiệm thực thi, hoặc thoả thuận giữa công dân với nhau về lợi ích và nghĩa vụ.- Mục đích: Đảm bảo các quan hệ bình thường giữa người và người theo quy định và pháp luật. - Đơn từ- Báo cáo

- Đề nghị

- Biên bản

- Tường trình

- Thông báo

- Hợp đồng

Trên thực tế, các thao tác thường được kết hợp vận dụng. Sự phân chia thành các phương thức biểu đạt chỉ mang ý nghĩa tương đối.

2. Ôn tập về văn bản tóm tắt: yêu cầu tóm tắt và cách làm bản tóm tắt đối với văn bản tự sự và văn bản thuyết minh.

Gợi ý:

- Yêu cầu tóm tắt:

+ Văn bản tóm tắt phải ngắn hơn văn bản được tóm tắt;

+ Văn bản tóm tắt phải trung thành với nội dung của văn bản được tóm tắt.

- Sự thể hiện nhân vật chính trong tác phẩm tự sự gắn liền với việc xây dựng cốt truyện, tổ chức, lựa chọn các sự việc. Tóm tắt chuyện của nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bản xảy ra với nó, qua đó nắm bắt được đặc điểm tính cách và số phận của nhân vật.

Để tóm tắt chuyện của nhân vật chính, cần đọc kĩ văn bản và xác định:

+ Nhân vật nào là nhân vật chính;

+ Các sự việc cơ bản liên quan đến nhân vật chính;

+ Trình tự diễn biến các sự việc.

Sau đó, dùng lời văn của mình để diễn đạt thành văn bản tóm tắt.

- Cách tóm tắt một văn bản thuyết minh:

+ Đọc kĩ văn bản cần tóm tắt, xác định ý chính;

+ Ghi lại những câu mang ý chính;

+ Trình bày lại bằng lời của mình về nội dung văn bản dựa theo các ý chính đã xác định.

3. Hãy chọn và tóm tắt một văn bản sử thi, truyền thuyết hay cổ tích trong sách giáo khoa.

Gợi ý:

Tham khảo các đoạn văn tóm tắt sau:

- Tóm tắt sử thi Đăm Săn:

Do sự can thiệp của Trời, Đăm Săn phải khuất phục tr­ước sức mạnh của tập tục hôn nhân nối dây và lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị. Đăm Săn tiếp tục có những hành động chống lại cuộc hôn nhân, chàng chặt cây smuk, cây “sinh ra Hơ Nhị và Hơ Bhị. Do vậy, Hơ Nhị và Hơ Bhị đã hai lần chết. Khi vợ chết, Đăm Săn lại khóc thương và xin thần linh cho vợ chàng sống lại. Đăm Săn đã lập nên nhiều kì tích. Trong đó, kì tích lẫy lừng hơn cả là những chiến công đánh thắng hai tù trưởng Mtao Grư­ và Mtao Mxây, hai tù trưởng đã cướp vợ chàng. Buôn làng Đăm Săn trở nên giàu mạnh. Thực hiện khát vọng siêu việt của mình, Đăm Săn đã đi cầu hôn với Nữ thần Mặt Trời nhưng thất bại và bị chết trong rừng. Đăm Săn chết, cháu Đăm Săn lại tiếp tục con đường của cậu mình.

- Tóm tắt sử thi Ra-ma-ya-na:

Câu chuyện diễn ra ở vư­ơng quốc Kô-sa-la. Vua Đa-xa-ra-tha có bốn người con trai do ba bà vợ sinh ra. Ra-ma là con cả, hơn hẳn các em về tài đức. Vua cha có ý định nh­ường ngôi cho chàng nhưng vì lời hứa với bà vợ thứ Ka-kêy-i xinh đẹp nên đã đày Ra-ma vào rừng và trao ngôi lại cho Bha-ra-ta, con của Ka-kêy-i. Ra-ma cùng vợ là Xi-ta và em trai Lắc-ma-na vào rừng sống ẩn dật. Quỷ v­ương Ra-va-na lập mư­u cướp Xi-ta đem về làm vợ. Mặc quỷ vư­ơng dụ dỗ và ép buộc, Xi-ta vẫn kịch liệt chống cự. Đư­ợc t­ướng khỉ Ha-nu-man giúp đỡ, Ra-ma đã cứu được Xi-ta. nhưng sau đó, Ra-ma nghi ngờ tiết hạnh của Xi-ta và không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để chứng tỏ lòng chung thuỷ của mình, Xi-ta đã nhảy vào lửa. Thần lửa biết Xi-ta trong sạch nên đã cứu nàng. Ra-ma và Xi-ta trở về kinh đô.

- Tóm tắt truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ:

Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, tr­ước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm l­ược. Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thuỷ, vua vô tình đồng ý. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Thần Kim Quy hiện lên kết tội Mị Châu, An Dương Vương chém Mị Châu rồi theo Rùa Vàng xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương Mị Châu, Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng n­ước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.

- Tóm tắt truyện cổ tích Chử Đồng Tử:

Thời x­ưa ở làng Chử Xá có hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử, nhà nghèo đến nỗi phải chung nhau một cái khố, hễ ai đi đâu thì đóng. Người cha chết, dặn lại con cứ giữ lấy khố mà dùng nhưng Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng, lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn. Bấy giờ có một nàng công chúa tên là Tiên Dung nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng. Một lần nàng cùng đoàn tuỳ tùng chèo thuyền đi xem sông núi, khi đi đến khúc sông thuộc làng Chử Xá, Đồng Tử trông thấy vội vùi mình xuống cát. Thấy cảnh đẹp, Tiên Dung cho dừng thuyền, quây màn để tắm, vô tình nơi Tiên Dung tắm lại đúng vào chỗ Đồng Tử giấu mình. Gặp Chử Đồng Tử, biết được nguyên cớ, Tiên Dung quyết định kết duyên cùng chàng. Vì sợ vua cha, Tiên Dung ở lại sống cùng Đồng Tử. Làm ăn đã khấm khá, Tiên Dung để Đồng Tử đi ra biển tìm vật lạ đem về đổi lấy những thứ khác. Trên đường ra biển, Đồng Tử gặp một nhà s­ư tên là Phật Quang và được nhà s­ư truyền phép cho. Đồng Tử ở luôn lại để theo học rồi được Phật Quang cho một cây gậy và chiếc nón có phép lạ khi xuống núi. Sau đó, Đồng Tử và Tiên Dung rời bỏ xóm làng tìm nơi vắng vẻ để ở. Nhờ chiếc nón và cây gậy thần họ có được một cung điện lộng lẫy, với cả binh lính. Vua biết tin, cho rằng họ làm loạn, bèn sai quân đến đánh. Quân lính đến nơi thì cả cung điện cùng Đồng Tử và Tiên Dung đã bay lên trời, chỉ còn lại bãi đất không giữa đầm. Bãi ấy về sau gọi là bãi Tự Nhiên, còn đầm ấy là đầm Nhất Dạ. Thấy sự kì lạ, nhân dân lập đền thờ ngay trên bãi.

4. Tóm tắt các bài khái quát về văn học dân gian, các bài văn nghị luận trong sách giáo khoa thành những đoạn văn ngắn.

Gợi ý:

- Đọc lại các bài khái quát về văn học dân gian, các bài nghị luận trong sách giáo khoa:

+ Ghi lại các luận điểm chính (là các đề mục hoặc các câu then chốt);

+ Sắp xếp các luận điểm theo đúng trình tự đã được trình bày ở văn bản;

+ Dùng lời văn của mình diễn đạt lại các luận điểm một cách ngắn gọn.

- Tham khảo:

Văn học dân gian là văn học của quần chúng lao động, có nội dung phong phú, phản ánh cuộc sống, thể hiện lí tưởng xã hội và đạo đức của nhân dân các dân tộc, chứa đựng một kho tàng các truyền thống nghệ thuật. Là những sáng tác tác tập thể, truyền miệng lưu truyền trong nhân dân, văn học dân gian dùng ngôn ngữ nói, đến với người tiếp nhận qua các hình thức lời nói, lời hát, lời kể. Ra đời từ rất xa xưa, văn học dân gian có cách nhận thức và phản ánh hiện thực riêng: phản ánh hiện thực một cách kì ảo, mô tả những sự kiện chỉ có trọng trí tưởng tượng. Căn cứ vào những đặc điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật, người ta chia các tác phẩm văn học dân gian thành các thể loại: thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, câu đố, ca dao dân ca, vè, truyện thơ dân gian, các thể loại sân khấu dân gian.

5. Ôn tập về vai trò của quan sát, tích luỹ, thể nghiệm trong làm văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Gợi ý:

- Quan sát có nghĩa là xem xét chăm chú, có phương pháp, nhằm khám phá, phát hiện những đổi thay, điều ẩn kín mà mắt thường dễ bỏ qua. Như nhà văn Tô Hoài viết: “Quan sát giỏi phải thấy ra nét chính, thấy được tính riêng, móc được những ngóc ngách của sự việc, của vấn đề. Nhiều khi chỉ chép lại những đặc điểm mà mình cảm nhất, như một câu nói lột tả tính nết, những dáng người và hình bóng, tiếng động, ánh đèn, nét mặt, một trạng thái tư tưởng do mình đã khổ công ngắm, nghe, nghĩ mới bật lên, và khi thấy bật lên thì thích thú, hào hứng.” (Sổ tay viết văn).

- Thể nghiệm là một cách tích luỹ, đó là quá trình hoạt động để tự mình cảm nhận thế giới bên ngoài. Như M. Go-rơ-ki từng nói: “Nhà sinh học nghiên cứu con cừu không nhất thiết phải tưởng tượng mình là con cừu, nhưng nhà văn khi miêu tả người keo kiệt, thì không thể không tưởng tượng mình là gã keo kiệt…”.

- Đọc tích luỹ kiến thức là nguồn ý gián tiếp cho việc viết văn. Người biết học tập, tích luỹ là người biết vận ý của người khác mà nuôi dưỡng ý mình hoặc phát triển thêm ý cũ, hoặc nói ngược lại ý của người trước để có những suy ngẫm táo bạo, làm cho ý văn mới mẻ, thú vị.

6. Quan sát tích cực có yêu cầu gì khác với xem xét thông thường?

Gợi ý: Quan sát tích cực là quan sát có chủ đích, có phương pháp, kết hợp với thể nghiệm và liên tưởng, tưởng tượng; người quan sát có ý thức tích luỹ lại những gì mình quan sát được.

7. Ôn tập về liên tưởng, tưởng tượng và vai trò của nó trong lập ý khi làm văn.

Gợi ý: Trong làm văn, liên tưởng là liên hệ các sự vật, hiện tượng với nhau để nhằm nhận ra một ý nghĩa nào đó, làm nổi bật thực chất một hiện tượng đời sống. Có nhiều cách liên tưởng: liên tưởng tương cận,liên tưởng tương đồngliên tưởng đối sánh, trái ngược. Tưởng tượng là quá trình tái hiện và cải tạo các biểu tượng (hình ảnh) trong trí nhớ và sáng tạo ra hình tượng mới chưa từng có. Tưởng tượng thường thông qua các sự việc, kinh nghiệm có thật, biến hoá đi, mở rộng ra, biến đổi không gian, thời gian, nhân vật, tạo ra một hình tượng mới.  Liên tưởng và tưởng tượng chắp cánh cho tư duy con người thoát khỏi sự lệ thuộc vào các sự việc trước mắt, mở rộng tầm nhìn, đi vào những chỗ sâu thẳm, bí ẩn của thế giới và con người.

Các cách thức như quan sát, thể nghiệm đời sốngđọc tích luỹ kiến thứcliên tưởng, tưởng tượngchọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong văn tự sự có tác dụng tạo ra nguồn ý, nguồn văn phong phú cho bài viết, bởi vì ở tất cả các kiểu văn bản, dù tính chất của ý có khác nhau, nhưng sự phong phú về ý, khả năng biểu đạt đều liên quan tới các cách thức này:

- Ở văn tự sự, ý là các sự việc tạo nên cốt truyện;

- Ở văn miêu tả, ý là những đặc điểm riêng, độc đáo của đối tượng được tái hiện qua sự phát hiện của người viết;

- Ở văn biểu cảm, ý là những suy nghĩ, tình cảm của người viết về đối tượng;

- Ở văn nghị luận, ý là những ý kiến đánh giá, quan điểm riêng, phán đoán riêng của người viết về đối tượng;

- Ở văn thuyết minh, ý là các đặc điểm, đặc trưng, phẩm chất, thuộc tính khách quan của đối tượng.

8. Vận dụng liên tưởng, tưởng tượng để viết một số đoạn văn tự sự và biểu cảm.

Gợi ý:

Tham khảo một số đoạn văn sau:

- “Ngồi xem anh Thận làm việc thật thích: có cái gì rất khoẻ rất say trong công việc của anh, sinh động và hấp dẫn lạ thường. Này đây, anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, dãy lên đành đạch. Những chiếc vảy của nó bắn tung toé thành những tia lửa sáng rực. Nó nghiến răng ken két, có cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục. Anh quặp lấy nó trong đôi kìm sắt dài, lại dúi đầu nó vào giữa đống than hồng.”

(Nguyên Ngọc – Đất Quảng)

- “Chúa làng quay ngựa lại, dọc đường gặp người bố đang lủi thủi về. Chúa làng đâm người bố, hất xác xuống khe sâu. Chúa làng cho là không ai biết việc này. Nhưng dưới khe sâu, người bố kẻ thê thảm: Chúa làng giết tôi rồi ! Và lá rừng rì rào: Chúa làng giết người ! Núi thì thầm: Chúa làng giết người ! Khe sâu róc rách: Chúa làng giết người !”

(Nguyễn Huy Tưởng – Tìm mẹ)

- “Tôi bàng hoàng khi từ đâu đó cất lên tiếng sáo diều nghiêng trầm lảnh lói – những âm thanh trong trẻo hoà vào trong trời đất mênh mông rợp bóng mây ngũ sắc. Ôi, thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ, kì lạ có thấy chăng kiếp người nhỏ bé, khổ ải và ngắn ngủi. Mẹ ơi, sao mẹ không còn sống đến hôm nay để con trò chuyện với mẹ, để con khóc với mẹ. Bà thương con, nhưng bà già rồi, con không muốn làm bà buồn khổ. Chỉ có mẹ, con tin thế, là mẹ hiểu con. Mẹ ở đâu? Nước mắt tôi chảy xuống má.”

(Nguyễn Thị Ngọc Tú – Chỉ còn anh và em)

9. Ôn tập về phương pháp thuyết minh.

Advertisements (Quảng cáo)

Gợi ý: Các phương pháp (cũng là các thao tác) thường được sử dụng trong văn bản thuyết minh:

- Đưa ra định nghĩa về đối tượng. Định nghĩa phải đảm bảo khái quát được đặc điểm bản chất của sự vật, hiện tượng.

- Giải thích: Làm rõ các đặc điểm, tính chất của đối tượng; diễn giải giúp người đọc (người nghe) nắm bắt được bản chất của đối tượng, nhận diện đối tượng.

- Cung cấp số liệu, thông tin chi tiết về đối tượng.

- Phân loại sự vật, hiện tượng.

- So sánh, đối chiếu giữa sự vật, hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác hoặc giữa các đặc điểm của một sự vật, hiện tượng giúp người đọc (người nghe) thấy được nét đặc thù của sự vật, hiện tượng được thuyết minh hay đặc điểm nổi bật của sự vật, hiện tượng ấy.

- Sơ đồ hoá: tuỳ theo đối tượng thuyết minh mà có thể sơ đồ hoá các đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng để trình bày và giúp người đọc (người nghe) hình dung về đối tượng được dễ dàng hơn.

10. Viết đoạn mở đầu cho các bài văn thuyết minh theo các đề tham khảo trong Bài viết số 5, 6.

Gợi ý:

- Các đề bài:

(1) Giới thiệu về ca dao Việt Nam.

(2) Trình bày một số đặc điểm cơ bản của văn bản văn học.

(3) Giới thiệu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

(4) Thuyết minh yêu cầu đọc – hiểu văn bản văn học.

(5) Thuyết minh về đặc điểm của thể loại phú.

(6) Giới thiệu bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu.

(7) Giới thiệu tác gia Nguyễn Trãi.

(8) Giới thiệu bài văn bia Hiền tài là nguyên khí của quốc gia của Trần Nhân Trung.

(9) Giới thiệu bài Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương.

(10) Giới thiệu Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ.

- Tương ứng với mỗi loại đề thuyết minh, có thể có các dạng mở bài sau:

+ Thuyết minh về tác giả văn học (đề 7): Giới thiệu họ tên, quê quán, vị trí văn học sử của tác giả được thuyết minh.

+ Thuyết minh về tác phẩm văn học (đề 6, 8, 9, 10): Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả và nêu khái quát về giá trị của tác phẩm.

+ Thuyết minh về thể loại văn học (đề 1, 5): Giới thiệu chung về thể loại (tên gọi, định nghĩa, nguồn gốc, vị trí văn học sử).

+ Thuyết minh về một vấn đề ngữ văn (đề 2, 3, 4): Giới thiệu vấn đề sẽ thuyết minh, nêu khái quát về tầm quan trọng của vấn đề.

11. Ôn tập về luận điểm trong bài văn nghị luận.

Gợi ý: Luận điểm là tư tưởng, quan điểm của người viết đối với vấn đề nghị luận (luận đề) trong bài văn, được thể hiện dưới hình thức những câu văn có tính chất khẳng định hay phủ định. Để đạt được mục đích nghị luận, bày tỏ tư tưởng, quan điểm của người tạo lập văn bản, bài văn nghị luận nhất thiết phải có luận điểm. Luận điểm trong bài văn nghị luận phải đúng đắnsáng rõtập trungmới mẻcó tính định hướng, đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Ví dụ:

Đọc sách là cách học tốt nhất, theo dõi những tư tưởng vĩ đại của vĩ nhân, là cách học thú vị nhất.

(A. Pu-skin)

Người nào chỉ đọc đôi chút cũng đã có trình độ cao hơn nhiều so với người không đọc gì cả.

(V. Bi-ê-lin-xki)

Đọc sách mà không suy nghĩ khác nào ăn mà không tiêu.

(E. Bur-ke)

Đọc cuốn sách hay cũng như được trò chuyện với người bạn thông minh.

(L. Tôn-xtôi)

Không có quyển sách nào hay đối với người dốt, không có tác phẩm nào dở đối với người thông minh.

(Đ. Đi-đơ-rô)

Nền văn hoá ở một nước cao hay thấp không phải chỉ ở các nhà văn mà chính là ở độc giả.

- Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi đi từ nông đến sâu.

- Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi trải nghiệm của người thưởng thức.

- Người tiếp nhận có vai trò rất quan trọng trong thưởng thức nghệ thuật.

- Vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật do người thưởng thức đánh giá, khám phá.

- Trong Truyện Kiều, sức mạnh của đồng tiền ngự trị, tác oai tác quái đối với sự sống của con người.

12. Ôn tập về đặc điểm, yêu cầu của đề văn nghị luận; kĩ năng phân tích đề văn nghị luận.

Gợi ý: Yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của một đề văn nghị luận là vấn đề nghị luận (còn gọi là luận đề). Tuỳ thuộc vào nội dung do đề văn đặt ra mà người viết lựa chọn và vận dụng các thao tác lập luận cho phù hợp. Khi gặp những đề văn nêu rõ thao tác lập luận như hãy giải thíchhãy chứng minhhãy bình luậnhãy phân tích,… người viết cần lưu ý: đó chỉ là yêu cầu về thao tác chính cần sử dụng chứ không phải thao tác duy nhất. Không có bài văn nghị luận nào chỉ sử dụng một thao tác lập luận. Yêu cầu về nội dung cần bàn luận là yêu cầu bắt buộc mà mỗi đề văn cần phải có. Căn cứ vào tính chất của nội dung ấy, người ta thường chia đề văn nghị luận thành hai loại: đề văn nghị luận chính trị – xã hội vàđề văn nghị luận văn học.

Khi tìm hiểu đề văn nghị luận, cần chú ý: Xác định nội dung trọng tâm cần bàn bạc và làm sáng tỏ; Xác định loại đề văn nghị luận và các thao tác lập luận chính sẽ vận dụng trong bài viết; Xác định phạm vi tư liệu cần huy động, trích dẫn cho bài viết.

13. Ôn tập về kĩ năng viết đoạn văn theo các thao tác giải thích, chứng minh, diễn dịch, quy nạp.

Gợi ý:

Tên thao tác

Đặc điểm

Diễn dịch Từ một tư tưởng hoặc một quy luật chung, suy ra những trường hợp cụ thể, riêng biệt.
Chứng minh Dùng lí lẽ và bằng chứng chân thực đã được thừa nhận để làm sáng tỏ luận điểm mới là đáng tin cậy.
Quy nạp Từ những hiện tượng, sự kiện riêng, dẫn đến những kết luận và quy tắc chung.
Giải thích Dùng lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa giúp người đọc, người nghe hiểu rõ một hiện tượng, một vấn đề nào đó.

14. Ôn tập về cách trình bày một vấn đề.

Gợi ý: Muốn trình bày một vấn đề được tốt, người nói cần đảm bảo các yêu cầu về mục đích (nói nội dung gì, nhằm mục đích gì); về đối tượng và hoàn cảnh (nói cho ai nghe, trong không gian nào, thời gian nào); về nội dung nói (lựa chọn đề tài, những nội dung chính, thiết thực); về cách trình bày,…; và nắm được các bước chuẩn bị để trình bày một vấn đề:

- Xác định đề tài và đối tượng

- Xác định nội dung cơ bản và phạm vi tư liệu

- Lập đề cương cho bài phát biểu, trình bày theo bố cục ba phần:

Mở đầu: Nêu vấn đề

Nội dung cơ bản: Lần lượt trình bày những nội dung chính của vấn đề

Kết thúc: Tóm tắt, khẳng định và mở rộng vấn đề đã trình bày.

15. Ôn tập về yêu cầu của việc viết kế hoạch cá nhân.

Gợi ý: Một bản kế hoạch cá nhân thường gồm những nội dung: Nội dung công việc cần làm; Mục tiêu; Thời gian tiến hành, thời hạn hoàn thành; Cách thức tiến hành; Dự kiến kết quả.

Khi lập kế hoạch cá nhân, cần chú ý:

Ngoài nhan đề (có kèm theo ghi chú cụ thể kế hoạch cá nhân của tuần, tháng hay năm,…), bố cục của một bản kế hoạch cá nhân thường gồm 2 phần:

Phần I (nếu làm để trình, báo cáo thì mới cần phần này): họ tên, tuổi, chức vụ, học vị, nơi công tác hoặc học tập, địa chỉ liên lạc,…

Phần II: Có thể làm theo bảng sau:

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Địa điểm thực hiện

Sản phẩm

1

       

2

       

3

       

16. Về đặc điểm của văn bản quảng cáo.

Gợi ý:

Đặc điểm của văn bản quảng cáo:

- Một văn bản quảng cáo thường có các nội dung như:

+ Tiêu đề quảng cáo;

+ Tên hàng hoá, dịch vụ;

+ Giới thiệu chất lượng, uy tín của sản phẩm và quy trình tạo nên sản phẩm;

+ Nêu các điều kiện ưu đãi;

+ Địa chỉ liên hệ.

- Văn bản quảng cáo thường được thiết kế theo hai dạng:

+ Quảng cáo bằng ngôn ngữ thuần tuý;

+ Quảng cáo bằng lời kết hợp với hình ảnh minh hoạ.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: