Luyện từ và câu
Câu 1:
Chọn dấu gạch ngang hoặc dấu ngoặc kép thay cho ô vuông.
Hồng và mẹ đi dạo trong công viên. Cô bé cầm chiếc kẹo bông trắng xốp, vừa đi vừa nhấm nháp, miệng xuýt xoa: ...Kẹo bông ngon tuyệt!.... Ăn hết chiếc kẹo, cô bé tiện tay ném que kẹo xuống mặt đường. Mẹ Hồng thấy vậy, liền nhặt lên và hỏi:
Con có thấy đường rất sạch không?
... Đường rất sạch, mẹ ạ. Cô giáo con bảo: ...Các cô chú lao công làm việc rất vất vả để mang lại môi trường trong lành cho tất cả chúng ta.....
... Chính vì thế chúng ta nên trân trọng công sức lao động của họ, không được vứt rác bừa bãi.
Hồng hiểu ra, cầm lấy chiếc quê trong tay mẹ, bỏ vào thùng rác gần đó.
(Theo Ngọc Khánh)
Em đọc bài và chọn dấu phù hợp rồi điền vào ô vuông.
Hồng và mẹ đi dạo trong công viên. Cô bé cầm chiếc kẹo bông trắng xốp, vừa đi vừa nhấm nháp, miệng xuýt xoa: “Kẹo bông ngon tuyệt!”. Ăn hết chiếc kẹo, cô bé tiện tay ném que kẹo xuống mặt đường. Mẹ Hồng thấy vậy, liền nhặt lên và hỏi:
- Con có thấy đường rất sạch không?
- Đường rất sạch, mẹ ạ. Cô giáo con bảo: “Các cô chú lao công làm việc rất vất vả để mang lại môi trường trong lành cho tất cả chúng ta.”.
- Chính vì thế chúng ta nên trân trọng công sức lao động của họ, không được vứt rác bừa bãi.
Hồng hiểu ra, cầm lấy chiếc quê trong tay mẹ, bỏ vào thùng rác gần đó.
(Theo Ngọc Khánh)
Câu 2
Dựa vào tranh minh họa bài đọc Những điều nhỏ tớ làm cho Trái Đất, viết một câu có sử dụng dấu hai chấm báo hiệu phần liệt kê.
Em quan sát tranh và đặt câu.
Để bảo vệ môi trường, chúng ta nên bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất: không vứt rác bừa bãi, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng cây xanh,...
Câu 3
Những câu in đậm trong truyện cười dưới đây thuộc kiểu câu gì? Hãy chỉ ra đặc điểm, công dụng của chúng.
Đi chợ
Có một cậu bé được bà sai đi chợ. Bà đưa cho cậu hai đồng, hai cái bát và nói:
- Cháu mua giúp bà một đồng tương, một đồng mắm nhé!
Câu bé vâng dạ, đi ngay. Gần tới chợ, cậu bỗng hớt hải chạy về nói với bà.
- Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm ạ?
Bà mỉm cười:
- Bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm mà chẳng được.
Cậu bé lại ra đi. Đến chợ, cậu lại ba chân bốn cẳng chạy về.
- Bà ơi, thế đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ?
Bà phì cười:
- Trời!
(Theo Truyện cười dân gian Việt Nam)
Em đọc câu kĩ những câu in đậm và đưa ra câu trả lời phù hợp.
- Cháu mua giúp bà một đồng tương, một đồng mắm nhé!
=> Câu cầu khiến dùng để yêu cầu
- Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm?
=> Câu hỏi, dùng để hỏi.
- Bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm mà chẳng được.
Advertisements (Quảng cáo)
=> Câu kể, dùng để trả lời.
- Bà ơi, thế đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ?
=> Câu hỏi, dùng để hỏi.
- Trời!
=> Câu cảm, dùng để bộc lộ cảm xúc.
Luyện viết đoạn
Câu 1:
Trao đổi với bạn về:
- Những hiện tượng ô nhiễm môi trường ở địa phương và nguyên nhân.
- Những việc em và mọi người đã làm hoặc có thể làm để khắc phục hiện tượng ô nhiễm đó.
Em liên hệ địa phương, suy nghĩ và trao đổi cùng các bạn.
- Địa phương em có một bãi đất trống dùng để xây dựng nhà văn hóa.
- Mọi người thường mang rác thải ra bãi đất vứt làm ô nhiễm môi trường.
- Vậy nên, khu phố đưa ra quy định không được vứt rác bừa bãi.
- Mỗi tuần, các hộ gia đình sẽ cùng nhau tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Câu 2
Viết đoạn văn kể lại một việc làm góp phần bảo vệ môi trường mà em đã tham gia hoặc chứng kiến.
Em dựa vào gợi ý để viết đoạn văn.
Bài tham khảo 1:
Em thấy việc bảo vệ môi trường rất cần thiết, vì mang lại sức khỏe cho mọi người. Chính vì vậy lớp em đã chọn công việc tổng vệ sinh lớp học. Vào chiều thứ sáu lớp em bắt đầu. Để làm việc tốt lớp em đã chuẩn bị khẩu trang, giẻ lau, chổi.... Cô giáo giao nhiệm vụ cho từng tổ, từng bạn rất chi tiết tỉ mỉ. Các bạn nam khỏe nên cô giáo giao nhiệm vụ kê bàn ghế, quét mạng nhện. Còn các bạn nữ thì làm công việc nhặt rác, lau bảng. Em được cô giáo phân công lau bảng. Đầu tiên em đi vò khăn rồi quay về lớp để lau bảng. Em lau từ bảng này đến bảng khác cho thật sạch để cô khen. Buổi lao động rất mệt nhưng lại thật vui, em nhìn mặt bạn nào cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhãi. Khi cô hiệu trưởng bước vào lớp em, cô rất khen làm cô chủ nhiệm rất vui lòng nên cả lớp em mỗi người được thưởng điểm. Chưa đầy một tiếng đồng hồ lớp em đã xong. Em rất tự hào về lớp học của mình.
Bài tham khảo 2:
Sáng Chủ nhật tuần trước, em cùng các cô bác trong xóm làm vệ sinh đường làng. Từ sáng sớm, sau khi nghe tiếng loa phát thanh của bác trưởng thôn, mỗi gia đình đều hồ hởi tham gia công việc. Chỗ kia mấy anh thanh niên thu dọn đống đá bên trường. Mấy chị đoàn viên thì khơi thông cống rãnh, vớt bèo dưới mương. Các bà tay liềm thoăn thoắt cắt cỏ vệ đường. Em cùng mẹ được bác xóm trưởng phân công tham gia thu dọn rác. Mẹ đưa chổi tre thoăn thoắt, thu thành từng đống. Em cùng mấy chị dùng xẻng hót rác đổ vào nơi qui định. Ai cũng làm việc hăng say vui vẻ. Các anh chị thanh niên vừa làm vừa hát thật vui. Khi nắng đã lên cao cũng là lúc các cô bác cùng các anh chị cũng đã dọn cỏ và phát quang hết các bụi rậm hai bên đường. Nhìn đường làng sạch sẽ, thoáng mát em cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp.
Câu 3
Đọc lại đoạn văn, phát hiện lỗi và sửa lỗi (dùng từ, đặt câu, sắp xếp ý,...)
Em đọc lại đoạn văn để soát lỗi.
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Vận dụng
Trao đổi với người thân về những việc cần làm để giữ nhà của luôn sạch đẹp.
Em suy nghĩ và cùng trao đổi với bố mẹ, anh, chị em,...
Để giữ nhà cửa luôn sạch đẹp:
- Cần thường xuyên dọn dẹp.
- Không vứt rác bừa bãi trong nhà.
- Mỗi người có ý thức giữ gìn vệ sinh góc học tập, làm việc của mình.
- Trồng nhiều cây xanh, chăm sóc cây xanh,...