Trang chủ Lớp 8 Ngữ văn lớp 8 (sách cũ) Đề 2: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em,...

Đề 2: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em, Khách du lịch đến Hải Phòng thường đến tham quan Đền Nghè, một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng thờ nữ tướng Lê Chân....

Văn Thuyết Minh lớp 8 - Đề 2: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em. Khách du lịch đến Hải Phòng thường đến tham quan Đền Nghè, một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng thờ nữ tướng Lê Chân.

Bài làm 1

Khu du lịch sinh thái Cần Giờ - Lâm Viên

Cách thành phố Hồ Chí Minh độ 50km đi về phía Nam, theo đường Nhà Bè qua Bình Khánh, sẽ tới khu du lịch sinh thái Cần Giờ - Lâm Viên.

Cần Giờ hấp dẫn du khách với những nhà nghỉ, hồ bơi, nhà hàng hiện đại.. sang trọng, với bãi biển phẳng lì, rừng phi lao rì rào gió thổi, với những chiếc dù to, nhỏ đủ màu sắc xếp san sát nhau đến tận mép biển luôn nhộn nhịp. Phong cảnh thiên nhiên Cần Giờ bát ngát trong màu xanh của sắc trời, sắc biển và xanh thẳm phi lao. Sáng sớm và hoàng hôn trên bãi biển Cần Giờ thật hữu tình, thơ mộng.

Cách bãi biển Cần Giờ khoảng 3km về phía Tây Bắc là khu du lịch sinh thái Lâm Viên với rừng Sác rộng hơn 40 ngàn hec-ta kéo dài từ Nhà Bè đến Ghềnh Rái. Nơi đây có khu rừng ngập mặn rộng lớn, có khu bảo tồn động vật quý hiếm như cá sấu hoa cà, rái cá, mèo rừng, nai, trăn, chồn... và họ hàng nhà khỉ đuôi dài gần một nghìn con. Nơi đây còn có khu căn cứ rừng Sác với nhà bảo tàng lịch sử lưu giữ bao kỉ vật, bao chiến công thần kì của các chiến sĩ Trung đoàn 10 anh hùng đặc công thời đánh Mĩ. Tượng đài về 860 liệt sĩ đặc công sừng sững, tráng lệ, uy nghiêm giữa màu xanh bạt ngàn của rừng đước, rừng mắm. Du khách có thể dạo mát trong rừng, tản bộ trên bãi cát, hoặc du thuyền len lỏi giữa vùng sông rạch bao la. Du khách có nghe câu hát:

” Cần Giờ bậu nhớ chớ quên

 Nhớ về rừng Sác Lâm Viên một đoàn...”.

Bài làm 2

Lăng Cỏ - hữu tình và nên thơ

Lăng Cô, phía nam giáp đèo Hải Vân, phía đông là biển xanh bao la; phía tây có đầm Lập An rộng lớn đẹp như bức tranh thủy mặc; phía bắc là mũi Chân Mây tạo nên một đường cong ngoạn mục ôm lấy vịnh Chân Mây. Cầu vượt mới xây dựng băng qua khu Lăng Cô nối với hầm đường bộ Bắc Hải Vân càng tăng thêm sức hấp dẫn của vùng du lịch này.

Lăng Cô nằm trong tam giác du lịch nổi tiếng: Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô; còn là tâm điểm của 3 địa danh nổi tiếng trên miền Trung được Unesco xếp hạng di sản văn hóa thế giới: cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mĩ Sơn.

Bãi tắm - bãi biển Lăng Cô dài trên 10km, mang vẻ đẹp thơ mộng, bình yên. Bãi cát trắng mịn, phẳng lì, mênh mông. Nước biển trong xanh, có thể nhìn tận đáy. Biển ở đây ít sóng, không có dòng xoáy, vực sâu nguy hiểm. Bãi biển ngăn cách với khu dân cư bởi những dải phi lao xanh tốt, tỏa bóng mát êm đềm suốt ngày đèm năm tháng.

Đến với Lăng Cô, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng bao cảnh đẹp thiên nhiên kì thú mà còn được du ngoạn như leo núi, bơi thuyền trên đầm phá, được hít thở không khí trong lành, vùng vẫy trong làn nước trong xanh, được thưởng thức bao hải sản - đặc sản đậm đà phong vị ẩm thực Huế.

Lăng Cò hữu tình và mến khách:

"Ai đi qua đó miền Trung,

Xin mời ghé lại thăm vùng Lăng Cô”.

Bài làm 3 Trà Vinh, quê má tôi đó

Hè này, mời bạn về thăm Trà Vinh quê má tôi.

Bạn sẽ đến chơi mảnh đất miền Tây Nam Bộ này. Mỗi bước chân của bạn đi về các phum sóc, qua những nẻo đường quê, bạn sẽ vô cùng thú vị, tâm hồn lâng lâng như lạc vào một thế giới bình yên mênh mông biển lúa. Lúa hát, lúa reo, lúc trỗ dâng hương ngào ngạt.

Trà Vinh hiện có 140 chùa Khơ-me ẩn hiện thấp thoáng sau màu xanh thẳm của hàng trăm hàng ngàn cây cổ thụ. Đẹp nhất, cổ kính nhất là chùa Âng (chùa Angcorette Pali) với nhiều tháp nhọn cao vút, đứng xa ngỡ là một lâu đài cổ vừa uy nghiêm vừa tráng lệ. Chùa được xây dựng trên một nghìn năm (năm 990). Hình ảnh những nhà sư đủ lứa tuổi, mặc áo vàng đi khất thực là hình ảnh quen thuộc ở nơi đây. Mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa phum sóc của đồng bào Khơ-me, của những con người hiền lành phác thực.

Sau khi đến ngắm hàng nghìn cánh cò dập dờn trong nắng chiều ở chùa Cò Giồng Lớn, bạn sẽ đến dạo quanh Ao Bà Om. Dọc theo quốc lộ 23 đi khoảng 7km sẽ tới thắng cảnh này. Mặt hồ thật trong và thật xanh trải rộng trước mặt du khách. Xung quanh hồ là những hàng, những dãy cây sao, cây dầu cổ thụ tỏa bóng mái rượi. Ngồi trên những gò cát quanh hồ, ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng mà cảm thấy mát rượi cả tâm hồn. Đua ghe Ngo trên Ao Bà Om là một lễ hội truyền thống của đồng bào Trà Vinh đã lôi cuốn hàng vạn người gần xa về dự.

Mời bạn uống một cốc nước trái quách - món giải khát dược đặc biệt yêu thích ở Trà Vinh rồi lên xe đến thăm biển Ba Động, một điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ đã được truyền tụng bao đời nay:

"Biển Ba Động nước xanh cát trắng,

Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây...”.

Trà Vinh, quê má tôi đó. Mời bạn đến chơi Trà Vinh nhé. Tôi sẽ dẫn bạn đi xem Ao Bà Om, đến thăm chùa Âng...

Thạch Mặc Am

Bài làm 4 Bãi biển Trà Cổ

Bãi Biển Trà Cổ thuộc Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Đến Trà Cổ có thể bằng đường biển hay đường bộ. Nếu đi đường biển, du khách có thể chọn ca-nô hoặc phổ biến hơn là tàu cánh ngầm xuất phát từ Bãi Cháy, Quảng Ninh, hoặc từ Bến Bính, Hải Phòng.

Trà Cổ là rìa của một hòn đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo nên. Bãi biển Trà Cố rộng và bằng phẳng, nền cát trắng và mịn, chạy dài tới 15km, làm thành một bãi tắm lí tưởng. Không xa bờ biển là những cồn cát cao chừng bốn, năm mét, với các dải rừng phi lao xanh thẫm chắn gió, giữ cát. Gần đó còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình.

    Đến thăm thú Trà Cổ không chỉ tắm mát, đi dạo trên bãi cát dài, mà nên

dành chút ít thời gian đến Cồn Mang đón bình minh hoặc hoàng hôn, bạn sẽ được tận hưởng những khoảnh khắc thần tiên do thiên nhiên ban tặng. Cồn Mang cách Trà Cổ độ 6km. Bãi cát ở đây vàng óng hoặc trắng tinh, nền cát chắc và mịn, có thể phóng xe máy trên bãi biển mà không hề sợ lún hay trơn trượt. Từ Cồn Mang trở lại Trà Cổ, du khách có thể dừng chân ở nhà thờ Trà Cổ được xây dựng từ năm 1880, với kiến trúc cổ kính, tuyệt đẹp; cũng có thể đến chơi Đình Trà Cổ - niềm tự hào của người dân nơi đây.

Đồ Sơn, Cát Bà, Hạ Long, Bái Tử Long, bãi biển Trà Cổ là những điểm hẹn hấp dẫn trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc đang vẫy gọi chúng ta khi mùa hè đã tới.

Bài làm 5 Bát cảnh Tây Hồ

Hồ Tây ở Hà Nội có lịch sử lâu đời, xưa kia hồ có tên là Lãng Bạc, thời Lý gọi là hồ Dâm Đàm và đến năm 1573 thì đổi thành Tây Hồ. Vào thế kỉ thứ XVII, Tây Đô Vương Trịnh Tạc nhuận triều với vua Thần Tông đã đổi tên gọi là Đoái Hồ và sau này trở lại tên cũ Hồ Tây. Theo sử sách ghi lại thì Hồ Tây xưa, nổi tiếng nhất là tám thắng cảnh hay còn gọi là “Tây Hồ bát cảnh”.

Tây hồ bát cảnh gồm có: Bến Trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đền thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, Đồng Bồng Nghi Tàm, Chợ đêm Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung, Sâm cầm Tây Hồ.

Advertisements (Quảng cáo)

1. Bến Trúc Nghi Tàm

Làng Nghi Tàm bên Hồ Tây xưa có loài trúc mọc tươi tốt thành vườn trúc tuyệt đẹp. Chúa Trịnh Giang (1729-1740) đã chọn nơi này mở bến tắm, dựng nhà để hàng năm các chúa và cung nữ đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh và bến trúc Nghi Tàm ra đời từ đó.

2. Rừng bàng Yên Thái

Làng Yên Thái (phường Bưởi bây giờ) có một núi đất cao khoáng bốn đến năm trăm thước, rộng chừng một mẫu. Cũng chúa Trịnh Giang đã cho trồng lên núi hàng vạn cây bàng. Rừng bàng Yên Thái trở thành thắng cảnh đẹp. Đáng tiếc là sau này vua Lê Mẫn Đế (1787-1788) niên hiệu Chiêu Thống đã ra lệnh phá rừng, san núi để trả thù các chúa Trịnh.

3. Đền thề Đồng Cổ

Còn gọi là Đền thần Đổng Cổ, do vua Lý Thái Tông (1028-1054) tên thật là Lý Phật Mã cho lập đàn Đồng Cổ tại làng Thụy Chương (nay là cụm 4, phường Bưởi) quận Tây Hồ. Kiến trúc đền gồm 2 tầng, tầng dưới để vua ngự mỗi khi đến thăm, tầng trên thờ thần. Hàng năm vào hai kì xuân và thu, nhà vua ra đây làm lễ tế trời đất, thần linh rồi cùng văn võ bá quan thề trước Đền: “Làm con bất hiếu, làm tồi bất trung, Thánh minh tru diệt”. Đáng tiếc do thời gian trôi đi, phần bị thiên nhiên huỷ hoại, phần bị chiến tranh tàn phá nên Đền thề Đồng Cổ không còn nữa.

4. Phật say làng Thụy

Đời vua Lê Trung Hưng ở phía trước làng Thụy Chương (Bưởi) có một ngôi chùa nhỏ bị đổ, còn sót lại một pho tượng, hình thể của tượng là một tay chống gậy, chân khệnh khạng. Dân làng Thụy nổi tiếng nấu rượu ngon, trạng Quỳnh (1677-1748) đến mua rượu uống và vịnh thơ, mô tả hình tượng Phật say rất độc đáo, có dụng ý phản ánh thời cuộc. Hàng tháng, cứ ngày rằm, mồng Một, khách thập phương đến đó cúng lễ. Nhưng cũng vào cuối đời Lê, pho tượng này bị đưa đi đâu mất.

5. Đồng Bồng Nghi Tàm

Đồng Bồng thuộc làng Nghi Tàm, ngày xưa đày là nơi nổi tiếng thiên hạ bởi có nghề trồng những loài hoa đẹp nhất, thơm nhất, đặc biệt là ở khu đất trước chùa Kim Liên (làng Nghi Tàm) được truyền tụng là nơi có hình thế đẹp, hợp phong thủy và có tinh chất quý. Hoa tươi Nghi Tàm một thời được dùng làm đổ tiến vua, tiến chúa.

6. Chợ đêm Khán Xuân

Phía Nam Hồ Tây, chúa Trịnh Giang cho lập một li cung, có các dãy nhà như quán hàng xung quanh. Vào mùa hè, chúa ra cung này nghỉ, các nội thần và cung
nữ bày hàng bán và hát suốt đêm. Chợ đêm Khán Xuân mang ý nghĩa văn hoá tinh thần hơn là mua bán thực dụng.

7. Tiếng đàn hành cung

Vào thời kì nhuận triều Lê - Trịnh (1545-1788) một thời gian rất dài, chùa Trần Quốc bên Hồ Tây bị các chúa Trịnh chiếm và đặt hành cung: Chúa Trịnh Giang (1729-1740), Chúa Trịnh Sâm (1767-1782). Trong số các cung nữ phục vụ ở hành cung có Mĩ nữ họ Hà rất giỏi đàn, được chúa Trịnh yêu chiều. Tiếng đàn hành cung có nhiều ý nghĩa, tuỳ theo quan niệm có thể là thú chơi tao nhã, cao sang hay trò mua vui lạc điệu trong thời loạn lạc.

8. Sâm cầm Tây Hồ

Vào mùa thu, khi mặt nước Hồ Tây bao phủ một màn sương trắng mờ, xuất hiện hàng ngàn con chim tung tăng bơi lượn, tiếng kêu ríu ran, lao xao suốt đêm ngày. Đây là một loài chim ăn củ sâm từ phương Bắc di trú về; sâm cầm được coi là thức ăn bổ dưỡng mà các vua quan nhà Nguyễn thường bắt dân cống tiến, về sau, dân chúng tranh đấu quyết liệt, vua Tự Đức (1843-1883) mới bãi bỏ lệ này.

Theo Nguyễn Đức

Nhớ về "Bát cảnh Tây Hồ” không khỏi bùi ngùi tiếc nuối những gì một đi không trở lại và nay chỉ còn trong sử sách. Nhưng nó lại nhắc nhở chúng ta cần giữ gìn những gì tốt đẹp của hôm nay cho thế hệ mai sau.

Đền Nghè

Khách du lịch đến Hải Phòng thường đến tham quan Đền Nghè, một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng thờ nữ tướng Lê Chân.

Hải Phòng ngày nay thuộc vùng đất An Biên xa xưa. Những năm đầu của thế kỉ I sau Công Nguyên, Lê Chân đã đến vùng đất sình lầy trên cửa sông Cấm, chiêu dân, khai hoang, lập ấp... trấn giữ vùng An Biên. Bà đã mở thao trường dạy võ. Hàng nghìn nữ nhi hào kiệt khắp mọi miền đất nước đã kéo về đây tụ hội, mưu đồ nghiệp lớn.

Khi Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, Lê Chân đã kéo binh mã về Long Biên tụ nghĩa, đánh đuổi tên Thái thú Tô Định, giải phóng 65 thành trì. Khi tướng giặc là Mã Viện kéo quân sang, nữ tướng Lê Chân đã kịch chiến với binh mã Thiên triều ở vùng hữu ngạn sông Hồng. Bà đã oanh liệt hi sinh trong một trận đánh dữ dội, ác liệt bên bờ sông Đáy. Tục truyền rằng, Lê Chân sau khi oanh liệt hi sinh đã hóa đá, trôi trên sông Kinh Thầy, trôi đến Bên Đá (Bến Bính ngày nay) thì thi hài nữ tướng cứ bập bồng xoay tròn trên mặt nước. Đêm đêm tiếng ngựa hí, tiếng quân reo vang vọng vùng biển trời An Biên.

Dân làng An Biên nằm mộng biết nữ tướng Lê Chân đã hiển thánh. Họ đã kéo nhau ra bến sông, vớt và khiêng đá thiêng về. Nhưng chỉ đi được độ non dặm đường thì trời nổi dông gió, sấm chớp kinh thiên động địa, hòn đá thiêng rơi xuống, cắm sâu vào lòng đất. Đền Nghè đã được xây dựng tại nơi đó.

Hai nghìn năm đã trôi qua. Đền Nghè đã được tu tạo nhiều lần, trở thành

chốn linh thiêng, tráng lệ như ngày nay.

Đền Nghè là một công trình kiến trúc đồ sộ, cổ kính, đậm đà tính dân tộc, cấu trúc hình chữ Nhị (Hán Tự). Nhà Tiền tế và nhà Hậu cung như hai nét vẽ lớn vằng vặc giữa trăng saơ. Nóc nhà Tiền tế nổi bật hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Giữa Tiền tế và Hậu cung là nhà Thiên hương 2 tầng, bốn đầu đao có linh vật bay lên trời xanh. Tòa Bái đường gồm năm gian được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim, kê trên 16 viên đá tảng chạm trổ hoa văn. Hậu cung gồm 3 phần, cao hơn nhà Bái đường với thiết kế kiểu 2 tầng mái xếp, uốn cong vút lên.

Trong đền, ngoài tượng nữ tướng Lê Chân sơn son thếp vàng còn có nhiều di vật lịch sử như sập đá, khánh đá, bia đá... đồ sộ, nhiều bia tượng cổ. Bức tượng nữ tướng vừa mang vẻ đẹp người con gái của dân tộc, vừa mang phong độ uy nghi, cốt cách anh hùng của một liệt nữ phi thường từng làm cho lũ tướng tá của Thiên triều hồn xiêu phách lạc.

Đến tham quan Đền Nghè, du khách xúc động được sống lại cuộc đời oanh

liệt của nữ tướng đất An Biên, tự hào nhớ lại trang sử hào hùng của dân tộc ta thời đại Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Hán xâm lược.

Hằng nãă, ngày 25 tháng Chạp ta là ngày giỗ nữ tướng Lê Chân. Các bà, các mẹ, các chị quanh vùng vẫn kết hàng tnăm mâm hoa rực rỡ, thơm ngát, kính cẩn dâng lên hương hồn Nữ tướng. Ngày 8 đến ngày 10 tháng 2 ta là ngày Hội Đền Nghè. Năm nào cũng có hàng nghìn, hàng vạn người kéo về dự lễ hội.

Em đã nhiều lần được theo bà nội, theo mẹ đi dự lễ Hội Đền Nghè. Bước vào nhà Hậu cung, em bâng khuâng ngắm nhìn tượng Nữ tướng Lê Chân trong làn khói hương nghi ngút. Em bổi hổi chợt nhớ lại vần thơ xưa:

"Quê ta thật lắm anh hùng,

Nữ lưu hào kiệt vẫy vùng bốn phương”...

                                                                     Đoàn Minh Thu - lớp 8B/1B

                                                                Trường THCS Trần Phú - Hải Phòng

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 8 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: