Trang chủ Lớp 8 Ngữ văn lớp 8 (sách cũ) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt...

Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,.), Chiếc nón có từ bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội...

Văn Thuyết Minh lớp 8 - Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều...). Chiếc nón có từ bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội nón, tôi cứ bâng khuâng về câu hỏi ấy.

Chiếc nón có từ bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội nón, tôi cứ bâng khuâng về câu hỏi ấy.

Cái nón quê kiểng bình dị thật ưa nhìn. Xương nón làm bằng tre, nứa, được vót tròn óng chuốt, được kết thành những vòng tòn có đường kính khác nhau theo khuôn nón. Cái chóp nón lúc nào cũng hướng về trời cao. Lá lợp nón là sản phẩm của núi rừng. Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên, u Minh... là nguồn vô tận về lá nón. Lá cọ, lá kè cũng để làm nón. Chiếc nón mới làm ra lại được quết một lớp mỏng dầu rái (thảo mộc), óng ánh, vừa bền vừa đẹp.

Dáng hình chiếc nón cũng nhiều vẻ. Nó ba tầm quai thao của các cô gái Kinh Bắc trong lễ hội mùa xuân: hội Lim, hội chùa Dâu, hát Quan Họ. Lại có chiếc nón của các bà, các cô đội lúc làm đồng, vừa chắc bền, vừa tiện lợi. Che nắng mưa, làm quạt... Các cô thôn nữ làm duyên sau vành nón ấy. Chiếc nón thanh nhẹ còn che chở cho đôi má hồng, má lúm đồng tiền thêm xinh thêm dòn.

Ai đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ xứ Huế? Lá nón trắng nõn nà; bài thơ mờ tỏ ẩn hiện. Chiếc quai nón bằng lụa thanh tao. Vành nón nghiêng nghiêng, dịu dàng, e lệ, thầm kín của cô gái miền núi Ngự sông Hương. Chả thế mà du khách, các cậu khóa ngẩn ngơ:

“ Học trò xứ Quảng ra thi,

Gặp cô gái Huế bước đi không dành”.

Còn có chiếc nón dấu anh lính thú đời xưa, mà khi xem phi ta mới biết:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài”...

Mẹ em bảo nước ta nắng lắm mưa nhiều. Chiếc nón là vật dụng thân thiết của mọi người, nhất là nhà nông. Vừa rẻ, vừa tiện lợi. Nhẹ nhàng dễ mang theo. Có nhiều làng nghề thủ công làm nón nổi tiếng xưa nay từng được truyền tụng qua ca dao, dân ca:

“Muốn ăn cơm trắng, cá mè,

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

hay:

“ Hỡi cô đội nón ba tầm,

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang.

Phiên rằm chợ chính Yên Quang,

Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua”.

Advertisements (Quảng cáo)

Chiếc nón làng Găng, chiếc nón bài thơ xứ Huế đã trở thành món quà lưu niệm của khách phương xa. Nghe nói trong phòng khách của nhà thơ Xi-mô-lốp (Nga) có chiếc điếu cày và chiếc nón bài thơ mà ông đã mang từ Việt Nam về. Và trong chúng ta, ai đã từng được xem điệu múa nón, hẳn đều tưởng như đàn bướm sặc sỡ đang rập rờn bay trong ngàn hoa. Hình ảnh cô nữ sinh Huế ngày xưa tưởng như gặp trong mộng:

“Những nàng thiếu nữ sông Hương,

Dạ thơm là phấn, má hường là son.

Tựu trường chân sút thon thon,

Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời”.

(Tựu trường - Nguyễn Bính)

Ngày nay, ở các đô thị, hầu như không thấy học sinh đội nón đến trường. Mà chỉ thấy những chiếc mũ vải đủ màu sắc xinh xinh. Nhưng trên đường làng, giữa các phiên chợ miền quê, chiếc nón lá màu trắng xinh xinh thanh nhẹ vẫn thấy nhiều và ưa nhìn, dễ mến. Các bà, các mẹ, các cô thôn nữ... làm sao rời được chiếc nón quê hương?

Trên con đường phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày một phong phú hơn, sang trọng hơn. Những giậu cúc tần, luỹ tre xanh, đồng lúa chín, con trâu hiền lành, tiếng sáo diều... và chiếc nón ba tầm, chiếc nón bài thơ sẽ còn mãi trong tâm hồn nhân dân ta. Những câu hát bài ca về chiếc nón bình dị, quê kiểng ấy vẫn là sợi nhớ sợi thương giăng mắc trong hồn người, man mác và bâng khuâng có bao giờ vơi...

Bài làm 2 Cánh diều tuổi thơ

Cuối học kì I năm học lớp Bốn, tôi mới biết chơi diều. Thằng Lộc, thằng Tân, thằng Quỳnh... bạn học cùng lớp đã rủ tôi chơi diều và bày cho tôi cách làm diều.

Ba đứa bạn tôi, đứa nào cũng có hai con diều: một con diều sáo và một con diều bướm. Còn tôi mới tập tọng chơi diều nên chỉ có một con diều bướm mà thôi.

Con diều của tôi chỉ dài 40cm, rộng 15cm. Ở chính giữa thân diều thắt lại. Xương diều làm bằng tre, vót nhẵn, được chằng bằng sợi chỉ trắng. Hai cánh diều được dán bằng thứ giấy lụa màu rất mỏng và dai. Nếu gặp gió mạnh hay trời mưa cánh diều cũng không bị rã, bị rách nát. Chị gái tôi đã cho tôi mười nghìn đồng để mua một cuộn dây ni-lông. Thằng Lộc chuyên gia chế tạo diều đã bày tôi cách buộc, cách thắt dây lèo. Nó bày đi bày lại mãi mà tôi chẳng làm dược. Cả bọn cười và chê tôi là "con gà công nghiệp của họ Lê”.

Diều của thằng Lộc rất to, hai cánh dài bằng sải tay, màu tím, có hai cái sáo bằng ngón chân cái, ngón tay cái. Con diều của bạn Tân, bạn Quỳnh chỉ có một sáo. Một con diều màu trắng, một con màu đỏ, rất xinh. Đứa nào cũng có một cuộn dây ni-lông dài hàng trăm mét.                                                          Trên bãi cỏ đầu làng, chiều chủ nhật nào chúng tôi cũng kéo nhau đến thả diều. Diều của các bạn tôi bay cao, chỉ nhìn thấy bằng lá bàng, bằng bàn tay, tiếng sáo kêu vi vu, véo von, có lúc rít lên giữa bầu trời. Còn con diều của tôi chỉ bay cao bằng ngọn đa, cứ chao đi chao lại như kẻ say rượu. Chúng tôi nằm ngửa trên bãi cỏ vừa ngắm diều bay vừa ngắm bầu trời xanh tháng mười. Tiếng sáo diều ngân vang, có lúc tôi cảm thấy hồn chúng tôi bay lên cùng cánh diều, bồng bềnh trôi theo những dải mây bông trắng nõn trên bầu trời thu, đi du ngoạn tới đỉnh núi Du, tới xứ thần tiên cổ tích.

Những buổi thả diều vui quá, thích quá. Tôi cảm thấy tâm hồn mình trong sáng hơn. Bầu trời xanh và cánh diều tuổi thơ đã làm cho tôi vươn lên học giỏi hơn.

Các bạn Quỳnh, Tân, Lộc thân thiết hơn và yêu quý tôi hơn hồi đầu năm học.

Lê Xuân Bảo Trường THCS Nho Quan, Ninh Bình

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 8 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)