1. Em hãy tìm những điệp ngữ trong nguyên tác bài Tẩu lộ (Đi đường). Việc sử dụng điệp ngừ như vậy có hiệu quả nghệ thuật gì ? Em đánh giá như thế nào về bản dịch thơ ?
Trong nguyên tác chữ Hán, bài thơ có hai trường hợp tác giả sử dụng điệp ngữ :
- Câu thứ nhất : ” Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan có nghĩa là ” (Có) đi đường mới biết đi đường khó”. Cụm từ tẩu lộ được sử dụng hai lần. Hình thức điệp ngữ này có tác dụng nhấn mạnh ý : "Đi đường mới biết gian lao”.
- Câu thứ hai và thứ ba : Trùng san chi ngoại hựu trùng san ;
Trùng san đăng đáo cao phong hậu,
Có nghĩa là : “Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác - Khi đã vượt hết các lớp núi lên đến đỉnh cao chót vót”, ở đây, hai tiếng trùng san xuất hiện tới ba lần. Cách sử dụng điệp ngữ này có tác dụng khắc hoạ đậm nét cảnh tượng núi non trùng điệp, qua lớp núi này lại đến lớp núi khác ; từ đó, nhân mạnh sự gian nan, vất vả chồng chất của người đi đường.
Bản dịch thơ thanh thoát, thể thơ lục bát được sử dụng khá nhuần nhuyễn, phần nào thể hiện được nhịp điệu của những câu thơ trong nguyên tác, nhất là ở câu thứ hai và ba. Thật khó có thể dịch hay hơn. Tuy vậy, bản dịch đôi chỗ chưa sát và chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần nguyên tác. (Chẳng hạn ở câu thứ hai, nguyên tác có nghĩa là qua hết lớp núi này lại đến lớp núi khác, chứ không nói tới núi cao như ở bản dịch).
Advertisements (Quảng cáo)
2. Câu thứ ba "Núi cao lên đến tận cùng” có vị trí như thế nào trong bài này ?
Kết cấu phổ biến của một bài Đường luật tứ tuyệt : bốn câu lần lượt theo trình tự : khai (mở ra ý chủ đạo của bài thơ), thừa (triển khai, nâng cao ý câu khai), chuyên (chuyên ý), hợp (tổng hợp). Như vậy, câu thứ ba (câu chuyển) thường có vai trò bản lề quan trọng, nối hai phần của bài thơ (gói lại ý hai câu trên, mở ra ý mới ở câu kết). Trong bài Đi đường, câu thứ ba (Núi cao lên đến tận cùng) vừa kết thúc việc người đi đường trải qua bao dãy núi trùng điệp vô vàn gian khổ, vừa chuẩn bị chuyển sang ý mới : niềm vui to lớn của người đi đường khi lên tới đỉnh cao tận cùng, tha hồ ngắm cảnh núi sông bao la diễm lệ mở ra trước mắt.
3. Đi đường là một bài thơ tức cảnh hay là bài thơ triết lí ? Vì sao ?
Thơ tức cảnh là loại thơ tả cảnh. Tác giả đứng trước cảnh, vì có cảnh mà sinh tình, làm thơ để tả cảnh và để giãi bày tình cảm, xúc cảm. Hồ Chí Minh có nhiều bài thơ thuộc loại này : Tức cảnh Pác Bó, Pác Bó hùng vĩ, Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu)... Thơ triết lí là thơ thể hiện nội dung triết lí - kết quả của quá trình suy ngẫm và sự từng trải của tác giả. Dĩ nhiên, trong thơ triết lí cũng tả cảnh vật, nhưng đây chỉ là cái cớ để tác giả nêu rõ triết lí của mình. Cũng như những bài Học đánh cờ (Học dịch kì), Nghe tiếng giã gạo (Văn thung mễ thanh),... ở tập Nhật kí trong tù, bài Đi đường thuộc loại thơ thiên về triết lí. Điều cốt yêu của bài thơ này không phải là chuyện miêu tả thiên nhiên (mặc dù có hình ảnh núi non), cũng khống phải là kể chuyện hoặc giãi bày xúc cảm, mà là mượn việc đi đường gian khổ để khẳng định chân lí : đường đời (cũng có thể hiểu là sự nghiệp cách mạng) có nhiều khó khăn gian khổ, lắm khi gian khổ chồng chất tưỏng như bất tận, khó có thể vượt qua; nhưng khi đã gắng sức vượt qua được những khó khăn gian khổ đó thì sẽ đạt đến đỉnh cao thắng lợi, có niềm vui và hạnh phúc to lớn.
4. Theo em, bài thơ Đi đường có mấy lớp nghĩa ? Hãy nêu vắn tắt nội dung của từng lớp nghĩa.
Bài thơ Đi đường có hai lớp nghĩa khá rõ. Lớp nghĩa thứ nhất nói về sự gian khổ, khó khăn và niềm hạnh phúc của người đi đường núi. Họ phải vượt qua hết lớp núi này đến lớp núi khác ; nhưng khi đã lên đến đỉnh cao chót vót thì sẽ tha hồ ngắm cảnh đẹp, thu được muôn trùng núi sông vào trong tầm mắt. Đây là lớp nghĩa nổi, dễ nhận thấy, nhất là đối với những người đã từng sống ở vùng rừng núi. Lớp nghĩa thứ hai, lớp nghĩa chìm chính là nội dung triết lí đã nêu ở trên. Đây mới là ý nghĩa thật sự của bài thơ.