Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Cố hương SBT Văn lớp 9 tập 1trang 126: Chỉ ra đoạn...

Cố hương SBT Văn lớp 9 tập 1trang 126: Chỉ ra đoạn văn tiêu biểu mang tính chất hồi kí...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trang 126 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Hãy chỉ ra tác dụng của việc sử dụng phép so sánh trong Cố hương.. Soạn bài Cố hương SBT Ngữ Văn 9 tập 1

1. a) Hãy giải thích nhận định sau : Cố hương là một truyện ngắn có yếu tố hồi kí chứ không phải là hồi kí.

   b) Tuy đoạn hồi kí lồng vào khá dài, Cố hương vẫn là một tác phẩm tự sự có bố cục rất rõ ràng, chặt chẽ. Bố cục ấy dựa theo tiến trình phát triển của sự kiện như sau :

   - Trên đường ... quê.

   - Những ngày ... quê.

   - Trên đường ... quê.

   Em hãy dùng 3 chữ để điền vào 3 chỗ trống ở trên.

   a) Cố hương quả có nhiều đoạn chứa yếu tố hồi kí. Tuy nhiên, các đoạn ấy chỉ được lồng trong dòng kể câu chuyện về quê đang diễn ra nên không thể xem cả tác phẩm là hồi kí.

   b) Gợi ý đã nằm ngay trong đề bài. Ở hai chỗ trống thứ hai và thứ ba, đáp án có thể khác nhau về chữ dùng, nhưng phải đồng nghĩa hay gần nghĩa trong văn cảnh ; nhất thiết không được dùng hai chữ để điền vào mỗi chỗ trống.

2. Hãy chỉ ra đoạn văn tiêu biểu mang tính chất hồi kí trong Cố hương. Việc đưa đoạn văn rất dài đó lồng vào trong câu chuyện đang diễn ra có làm cho bố cục tác phẩm trở nên lỏng lẻo không ? Vì sao ? Tác dụng của đoạn văn ấy trong việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm ?

   Đoạn văn tiêu biểu mang tính chất hồi kí bắt đầu từ "Lúc bấy giờ, trong kí ức tôi” đến "Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp mặt nhau nữa”. Đoạn văn rất dài, song đọc xong ta vẫn không thấy dấu vết chắp vá vì đã được đưa vào một cách rất tự nhiên (xuất hiện ngay sau lúc mẹ "tôi” nhắc đến Nhuận Thổ) và kết thúc cũng rất tự nhiên (liền sau đó là câu : "Bây giờ mẹ tôi nhắc đến Nhuận Thổ, kí ức tôi bỗng như bừng sáng lên trong chốc lát”). Nhờ đoạn văn mang tính chất hồi kí này, tác giả có điều kiện làm nổi bật tình cảm thắm thiết của "tôi” đối với người bạn nông dân thời thơ ấu, qua đó, cả với làng quê xưa trong kí ức, đồng thời tạo cơ sở để tô đậm sự thay đổi quá nhanh chóng của làng quê hiện nay.

3. Sự thay đổi nào ở Nhuận Thổ đã làm cho "tôi” đau xót nhất ? Vì sao ? Có điều gì không thay đổi ở Nhuận Thổ không ? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc thể hiện chủ đề của tác phẩm ?

   "Tình cảnh cũng chẳng ra gì” của Nhuận Thổ, thân hình tàn tạ của Nhuận Thổ (nước da vàng sạm, những nếp răn sâu hoắm, mi mắt viền đỏ húp mọng lên, bàn tay vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông...) cố nhiên làm cho "tôi” đau xót nhưng điều làm cho "tôi” đau xót nhất là sự thay đổi diện mạo về tình thần ở Nhuận Thổ. Sự thay đổi đó thể hiện một cạch đột ngột qua chi tiết Nhuận Thổ "lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch : Bẩm ông !”. Điều đó chứng tỏ tư tưởng đẳng cấp phong kiến đã ăn rất sâu vào đầu óc Nhuận Thổ, và nếu vậy thì Nhuận Thổ, cũng như nông dân lao động Trung Quốc, không bao giờ được đổi đời.

   Có một điều không thay đổi ở Nhuận Thổ là tình bạn nằm tận đáy lòng đối với "tôi”. Bởi vậy, đến thăm bạn cũ, dù nhà rất nghèo túng, anh vẫn không quên mang theo một bọc giấy gói "ít đậu xanh của nhà phơi khô” để tặng bạn. Cần đối chiếu điều không thay đổi này với sự thay đổi trong cách xưng hô của Nhuận Thổ đối với "tôi” để thấy tác hại của lễ giáo phong kiến và qua đó, thấy sự phê phán sâu sắc của tác giả.

4. Câu 4, trang 218 - 219, SGK.

   a) tự sự

   b) miêu tả

   c) nghị luận

   Em tự phân tích tác dụng của từng phương thức biểu đạt và sự kết hợp của các phương thức biểu đạt trong văn cảnh.

5*. a) Cố hương có mấy nhân vật chính ? Nhân vật nào là nhân vật trung tâm ? Vì sao ?

      b) Cố hương có mấy nhân vật phụ ? Hãy chỉ ra vị trí, tác dụng của một vài nhân vật phụ trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm.

      c) Ngoài các nhân vật chính và nhân vật phụ, còn loại nhân vật nào nữa không ? Tác dụng của những loại nhân vật ấy ?

   a) Có thể chỉ ra ngay hai nhân vật chính. Vấn đề là xác định nhân vật nào là nhân vật trung tâm.

Advertisements (Quảng cáo)

   Cho đến nay, còn 3 ý kiến khác nhau :

   - Cả hai đều có vai trò như nhau nên không có nhân vật trung tâm.

   - Nhuận Thổnhân vật trung tâm vì đó là nhân vật xuất hiện nổi bật nhất trong tác phẩm, vì qua nhân vật đó tác giả đã phê phán tội ác của xã hội phong kiến, lễ giáo phong kiến và từ thực tế cuộc đời Nhuận Thổ, tác giả mới suy nghĩ về con đường đi của xã hội Trung Quốc, của những người nông dân Trung Quốc.

   - "Tôi” là nhân vật trung tâm vì "tôi” xuất hiện trong cả 3 phần của tác phẩm. Nhuận Thổ chỉ bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật "tôi”. Không phải chỉ có Nhuận Thổ thay đổi mà cả cố hương, thím Hai Dương, và cả gia cảnh "tôi” nữa, cũng đều thay đổi theo chiều hướng chung, trong đó sự thay đổi của Nhuận Thổ là tiêu biểu và cũng vì thế Nhuận Thổ mới được coi là nhân vật chính. Còn nhân vật "tôi”, không chỉ xuất hiện khắp tác phẩm mà còn là đầu mối dẫn dắt câu chuyện (với tư cách người kể chuyện), phát ngôn ở mọi tình huống, ngay từ dòng đầu cho đến dòng cuối tác phẩm, và hơn thế, những phát ngôn ấy là cốt lõi của nội dung tư tưởng tác phẩm, bộc lộ rõ nhất tư tưởng chủ đề tác phẩm.

    Người viết SGK tán thành ý kiến thứ ba. Nếu tán thành, các em có thể đi sâu phân tích kĩ hơn. Đây là một đề mở, bước đầu rèn luyện tư duy phản biện nên có thể phát biểu thoải mái. Em có thể tán thành ý kiến thứ nhất, hoặc thứ hai, miễn là lập luận có căn cứ.

   b) Ít nhất cũng có thể chỉ ra Cố hương có 4 nhân vật phụ là Hoàng, Thuỷ Sinh, mẹ của "tôi” và thím Hai Dương. Có thể phân tích vị trí, tác dụng của nhân vật mẹ "tôi” hoặc thím Hai Dương song không thể chỉ phân tích một mình Thuỷ Sinh hoặc Hoàng vì tác giả đã có dụng ý rất sâu sắc khi cho hình tượng hai em bé này đi "song hành” với nhau để đối chiếu với một cặp nhân vật cũng đi "song hành” khác là "tôi” và Nhuận Thổ trong quá khứ cũng như "tôi” và Nhuận Thổ trong hiện tại. Đây cũng là một đề mở, các em có rất nhiều ý để phát biểu.

   Chẳng hạn, sự xuất hiện của thím Hai Dương :

   - Cho thấy rõ sự xuống dốc của "cố hương”, không chỉ về cuộc sống vật chất mà cả diện mạo tinh thần.

   - Thím Hai Dương xuất hiện trước, tự nhắc lại những quan hệ trước đây với "tôi” mà "tôi” vẫn không hình dung ra, trong lúc mẹ "tôi” mới nhắc đến tên Nhuận Thổ là lập tức bao kỉ niệm thời thơ ấu giữa "tôi” và Nhuận Thổ đã tuôn ra ào ạt. Sự hững hờ của "tôi” đối với thím Hai Dương đã tô đậm thêm tình bạn thắm thiết thời thơ ấu giữa "tôi” và Nhuận Thổ, từ đó, cũng tô đậm thêm màu sắc bi kịch của tình trạng "cách bức” giữa "tôi” và Nhuận Thổ hiện nay...

   c) Có thể nêu thêm những hình tượng nhân vật không tênnhân vật đám đông, một loại hình tượng xuất hiện khá phổ biến trong truyện ngắn Lỗ Tân. Dưới bàn tay danh thủ truyện ngắn Lỗ Tấn, không có một chi tiết thừa, một nhân vật thừa, dù là nhân vật đám đông. Các em hãy suy ngẫm về ý nghĩa của những dòng sau đây : "Kẻ đến đưa chân, người đến lấy đồ đạc. Có kẻ vừa đưa chân vừa lấy đồ đạc. Gần tối, chúng tôi xuống thuyền thì tất cả đồ đạc trong ngôi nhà cũ, hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như quét.”

6*. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi ở dưới :

   "Tôi đang mơ màng thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển, trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng : Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất ; kì thực trên mặt đầt vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”

   a) Cuối tác phẩm, vì sao tác giả lại cho xuất hiện cảnh tượng "trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vừng trăng tròn vàng thắm...” ?

   b) Ý nghĩ của nhân vật "tôi” : "Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư.” có mối liên hệ nội tại với cảnh tượng nói trên như thế nào ?

   a) Cần lưu ý là cảnh tượng đẹp đẽ này giống hệt cảnh tượng "bỗng hiện lên trong kí ức tôi” khi vừa nghe mẹ báo tin là Nhuận Thổ sắp đến thăm. Mặt khác, cũng cần biết "lam thiên viên nguyệt” (chữ trong nguyên văn, nghĩa là "vầng trăng tròn trên vòm trời xanh đậm”) là một cảnh đẹp giàu ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho những gì tươi sáng. Cho nên, đây là một hình ảnh mang ý nghĩa song trùng : vừa gợi lên niềm lưu luyến đối với những kỉ niệm đẹp thuở ấu thơ khi còn ngày ngày vui chơi với Nhuận Thổ, vừa hi vọng những cảnh đời tươi vui, trong sáng như thế có thể xuất hiện lại.

   b) Nhờ hàm nghĩa thứ hai của cảnh tượng đẹp nói trên nên chuyển sang bàn về vấn đề "hi vọng” là rất tự nhiên, hợp lôgíc.

    Nguyên văn câu bàn về hi vọng là : "Hi vọng bản vô sở vị hữu, vô sở vị đích.” nên dịch như học giả Trương Chính là quá thoát. Có thể và cần sửa lại : "Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là , đâu là không”. Vì có, không, không đồng nghĩa với thực, hư. Và nói có, không thì mới dẫn tới sự xuất hiện hình ảnh con đường ở sau một cách tự nhiên.

   c) Tác giả có tính phê phán sâu sắc này nhằm vạch ra nguyên nhân tạo nên cuộc sống bi thảm của nông dân, song mục đích cuối cùng là kêu gọi họ đứng dậy đấu tranh để thoát khỏi cảnh cùng khổ, thực hiện lí tưởng tốt đẹp của mình. Động cơ trong sáng ở cuối tác phẩm đã thăng hoa thành một hình ảnh giàu tính biểu tượng, đã trở thành một danh ngôn, không chỉ phù hợp với tình cảnh nông dân Trung Quốc đương thời mà còn trở thành một phương châm sống, hành động phù hợp với bất cứ ai muốn vươn mình lên phía trước.

7.  Hãy chỉ ra tác dụng của việc sử dụng phép so sánh trong Cố hương.

   Cần lưu ý việc sử dụng phép so sánh trong việc tả ngoại hình Nhuận Thổ, thím Hai Dương và thể hiện niềm hi vọng của nhân vật "tôi”.

   Có thể tham khảo gợi ý cho câu 6 ở trên để phân tích việc sử dụng phép so sánh trong lúc thể hiện niềm hi vọng của nhân vật "tôi”, còn việc sử dụng phép so sánh trong việc tả ngoại hình Nhuận Thổ, thím Hai Dương thì tương đối dễ, HS nào cũng làm được.

 

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)