Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Bài Đoàn thuyền đánh cá trang 90 SBT Văn 9: Phân tích...

Bài Đoàn thuyền đánh cá trang 90 SBT Văn 9: Phân tích các hình ảnh trong hai khổ thơ 3, 4...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 90 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ có đặc điểm gì nổi bật ? Hãy phân tích các hình ảnh trong hai khổ thơ 3, 4 để làm rõ bút pháp nghệ thuật ấy.. Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá SBT Ngữ Văn 9 tập 1 - Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá

1. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ mở đầu bài Đoàn thuyền đánh cá ?

 Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

    Những so sánh trong hai câu thơ này gợi cho em liên tưởng đến hình ảnh gì ?

   Cần chú ý các hình ảnh so sánh vừa độc đáo lại vừa gần gũi. Tác giả viết "Mặt trời xuống biển” không có gì vô lí, vì cảnh này được nhìn từ ngoài đảo hoặc từ trên con thuyền đang ra khơi vào lúc mặt trời lặn. Ba hình ảnh so sánh trong hai câu thơ gợi ra hình ảnh ngôi nhà vũ trụ vào đêm, không xa lạ, lạnh lẽo mà gần gũi, ấm cúng. Có mặt trời như bếp lửa hồng, màn đêm buông từ trên cao xuống như cánh cửa ngôi nhà lớn khép lại, còn sóng thì như những chiếc then cài cánh cửa màn đêm.

2. Trong bài Đoàn thuyền đánh cá có miêu tả hai quá trình vận động. Đó là những quá trình nào và quan hệ giữa hai sự vận động ấy như thế nào ?

   Hai quá trình ấy là :

   - Hành trình của đoàn thuyền đánh cá từ lúc ra khơi khi mặt trời xuống biển đến lúc trở về trong cảnh bình minh.

Advertisements (Quảng cáo)

   - Chuyển vận của vũ trụ trong khoảng thời gian từ hoàng hôn đến bình minh, với mặt trời, trăng sao, gió, biển đang không ngừng vận động.

    Trong cái nhìn của tác giả, hai quá trình vận động của thiên nhiên và của con người đã rất nhịp nhàng, hoà hợp với nhau, hơn nữa còn có tác động tương hỗ. Đoàn thuyền xuất phát ra khơi lúc mặt trời xuống biển, kéo lưới khi sao mờ, trời sắp sáng và trở về khi mặt trời đội biển nhô lên. Con thuyền thì có gió làm lái, trăng làm buồm, câu hát cũng căng buồm cùng với gió.

3. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ có đặc điểm gì nổi bật ? Hãy phân tích các hình ảnh trong hai khổ thơ 3, 4 để làm rõ bút pháp nghệ thuật ấy.

   Bút pháp lãng mạn nổi bật trong việc sáng tạo hình ảnh thơ, với những liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo, độc đáo, nhiều so sánh thú vị, thủ pháp phóng đại được sử dụng hợp lí.

   - Khổ 3: Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hoà nhập vào với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ : lái gió, buồm trăng, giữa mây cao với biển bằng, dò bụng biển, dàn đan thế trận...

   - Khổ 4: Những hình ảnh này có vẻ đẹp của một bức tranh sơn mài lung linh huyền ảo, được sáng tạo bằng liên tưởng, tưởng tượng bay bổng, nhưng vẫn có cơ sở hiện thực. Những sắc màu của cá, của biển trở nên lung linh trong ánh trăng và trong sự vận động khiến cho mọi màu sắc đều lấp lánh, phát sáng (cá song như ngọn đuốc, đuôi cá quẫy làm ánh trăng như sóng sánh, thành màu vàng choé).

4. Khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài Đoàn thuyền đánh cá có nhiều chi tiết, hình ảnh giống nhau. Hãy phân tích sự tương đồng và khác biệt của những hình ảnh, chi tiết ấy và nêu ý nghĩa của phép điệp ở hai khổ thơ này.

Hai hình ảnh chính được lặp lại là "mặt trời” và "đoàn thuyền”. Sự khác biệt là ở khổ đầu mặt trời xuống biển và đoàn thuyền ra khơi, còn ở khổ cuối là mặt trời đội biển nhô lên và đoàn thuyền trở về. Có một câu thơ gần như được lặp lại nguyên vẹn ở cả hai khổ thơ : "Câu hát căng buồm cùng (với) gió khơi”. Việc lặp lại những hình ảnh, chi tiết này tạo sự tương ứng của khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài, thể hiện trọn vẹn hành trình ra khơi đánh cá rồi trở về của đoàn thuyền nhịp cùng với sự vận hành của thời gian, không gian từ hoàng hôn đến bình minh. Còn câu thơ : "Câu hát... gió khơi” được lặp lại như một điệp khúc để biểu hiện niềm vui, tinh thần phấn chấn của những người lao động trên đoàn thuyền đánh cá, cả lúc lên đường ra khơi và lúc trở về. Sự phấn chấn của người đánh cá lúc trở về được tăng thêm bởi kết quả của chuyến ra khơi, được biểu hiện trong hình ảnh : "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Trong cuộc thi đua giữa con người với thiên nhiên, con người đã vượt lên. Sự khác biệt của hai khổ thơ còn ở màu sắc, ánh sáng, ở khổ đầu là hoàng hôn, đêm xuống, bóng tối bao phủ. Còn ở khổ cuối là bình minh, mặt trời rạng rỡ "đội biển nhô màu mới”, ánh sáng rọi vào khoang thuyền đầy ắp cá, được phản chiếu từ muôn nghìn mắt cá thành "huy hoàng muôn dặm phơi”.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)