1. Tình huống nào trong truyện Làng đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước ở nhân vật ông Hai ?
Thành công nghệ thuật nổi bật của truyện ngắn Làng là đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước ở người nông dân. Ông Hai trong truyện là người rất yêu cái làng Chợ Dầu của mình và luôn tự hào về nó. Phải đi tản cư xa làng, lúc nào ổng cũng nhớ làng, nói chuyện với ai cũng khoe làng mình. Ấy thế mà chính ông lại phải nghe cái tin từ những người vừa tản cư lên, rằng làng mình đã lập tề theo giặc. Tình huống bất ngờ ấy đã khiến ông đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột giữa tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước, mà tình cảm nào cũng thiết tha, mạnh mẽ. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc cả hai tình cảm nói trên ở nhân vật và cho thấy lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến đã chi phối và thống nhất mọi tình cảm khác trong con người Việt Nam thời kì kháng chiến.
2. Đọc lại đoạn văn, từ : "Ông lão náo nức bước ra” đến "Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà”.
Nêu diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong đoạn văn và cho biết tác giả đã miêu tả tâm trạng nhân vật này bằng những biện pháp nào.
Em đọc đoạn văn và thuật lại diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai. Chú ý bước ngoặt đột ngột trong tâm trạng nhân vật : đang vui vẻ, phấn chấn trước những tin chiến sự vừa nghe được ở phòng thông tin, bỗng sững sờ khi nghe cái tin làng mình theo giặc. Ông Hai còn cố gặng hỏi lại để hi vọng đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Nhưng người đưa tin đã quả quyết khẳng định với những sự việc cụ thể, khó mà bác bỏ được. Vì vậy, dù cố làm ra vẻ bình thản để che giấu tâm trạng, nhưng nỗi tủi hổ và lo lắng khiến ông "cúi gằm mặt xuống mà đi”.
Tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp để miêu tả tâm lí nhân vật : qua đối thoại, độc thoại và qua những trạng thái xúc cảm trực tiếp (Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ).
3. Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi :
- Húc kia ! Thầy hỏi con nhé, con là con ai ?
- Là con thầy mấy lị con u.
- Thế nhà con ở đâu ?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không ?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ :
- Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi :
- À, thầy hỏi con nhé, thế con ủng hộ ai ?
Advertisements (Quảng cáo)
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt :
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm !
Nước mắt ông lão giàn ra; chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
Trong đoạn đối thoại trên đây, những lời của nhân vật ông Hai có phải chỉ nhằm trò chuyện với con hay còn có mục đích nào khác ?
Đoạn đối thoại ấy đã bộc lộ tình cảm như thế nào của ông Hai với quê hương, với cuộc kháng chiến ?
Đoạn đối thoại này đã biểu hiện tình cảm thiêng liêng và sâu nặng của ông Hai với quê hương, đất nước, với kháng chiến, với Cụ Hồ. Trò chuyện với đứa con nhỏ thực ra là cách để ông Hai tự thổ lộ nỗi lòng thuỷ chung của mình với làng quê, với cuộc kháng chiến. Vì thế ở đây hình thức đối thoại lại mang tính chất độc thoại.
4. Xung đột diễn ra trong nội tâm nhân vật ông Hai là xung đột giữa những tình cảm nào ? Vì sao lại nảy sinh sự xung đột ấy trong nội tâm nhân vật, và ông Hai đã giải quyết như thế nào ?
Cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là sự kiện bên ngoài đã làm nảy sinh xung đột trong nội tâm nhân vật ông Hai, giữa tình yêu làng quê với tinh thần yêu nước - hay nói cách khác là giữa một "thôn dân” với một người công dân yêu nước cùng tồn tại trong con người ông Hai.
Em suy nghĩ và lí giải vì sao lại nảy sinh mối xung đột ấy ở nhân vật (chú ý cả lí do khách quan và lí do chủ quan ở trong chính những tình cảm sâu nặng của nhân vật).
Em tìm trong truyện cái cách mà ông Hai giải quyết mối xung đột trong lòng mình. Qua đó thấy được phẩm chất đáng quý ở nhân vật : lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến được đặt cao hơn và chi phối mọi tình cảm và hành động.
5. Em có nhớ truyện ngắn hay bài thơ nào cũng viết về tình cảm quê hương, đất nước ? Hãy nêu nét riêng của truyện ngắn Làng so với những tác phẩm ấy.
Trong chương trình Ngữ văn các lớp dưới đã có nhiều tác phẩm thể hiện chủ đề về tình cảm quê hương, đất nước, như : Cảnh khuya và Rằm tháng giêng (Hồ Chí Minh), Lao xao (trích Tuổi thơ im lặng của Duy Khán), Buổi học cuối cùng (Đô – đê), Quê hương (Tế Hanh)... Cũng có thể nêu những tác phẩm viết về chủ đề này, nhưng không có ở chương trình Ngữ văn trong nhà trường.
Em tự đối chiếu truyện ngắn Làng với một vài tác phẩm được kể ra để thấy nét riêng của truyện ngắn Làng trong chủ đề về tình cảm quê hương, đất nước.