Trang chủ Lớp 9 Tác giả - Tác phẩm văn 9 Tác giả, tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn...

Tác giả, tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu): Tiểu sử - Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên...

Trả lời Tác giả, Tác phẩm - Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu) - Tác giả - Tác phẩm chung 3 bộ (CTST - KNTT - Cánh Diều). Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác...

Tác giả

1. Tiểu sử

- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) nhưng được sinh ra ở quê mẹ là phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

- Ông đỗ tú tài năm 1843, năm 1849 ra Huế chuẩn bị thi tiếp thì mẹ mất, phải về Gia Định chịu tang. Trên đường về, Nguyễn Đình Chiểu ốm nặng, bị mù cả hai mắt. Ông về sống ở quê mẹ, dạy học và bốc thuốc. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia phong trào kháng chiến chống giặc. Ông là tấm gương mẫu mực của nghị lực sống phi thường, khí tiết thanh cao và lòng yêu nước tha thiết, mãnh liệt.

2. Sự nghiệp

- Nguyễn Đình Chiểu để lại một di sản văn chương quý giá, gồm các tác phẩm truyện thơ Nôm: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Tử – Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp; một số bài văn tế và thơ Đường luật.

- Năm 2021, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO ra nghị quyết vinh danh và kỉ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

Sơ đồ tư duy về tác giả Nguyễn Đình Chiểu:


Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ

* Truyện Lục Vân Tiên được viết vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, gồm 2082 câu thơ lục bát (số lượng câu thơ có sự khác nhau giữa các bản in), kể về Lục Vân Tiên, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên đã ra tay trừng trị bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Nàng mời Lục Vân Tiên về nơi cha mình đang làm quan để được đền ơn cứu mạng nhưng chàng từ chối. Kiều Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Lục Vân Tiên, nàng vẽ một bức chân dung chàng và luôn mang theo bên mình.

Sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất liền trở về quê chịu tang; trên đường về, chàng bị đau mắt nặng, rồi mù cả hai mắt. Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông nhưng được giao long cứu và được gia đình ông Ngư cưu mang. Sau đó, chàng bị cha con Võ Công bội ước, hãm hại, đem bỏ vào hang sâu; Lục Vân Tiên được Du thần và ông Tiều cứu giúp.

Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga rất đau khổ và thề sẽ thủ tiết suốt đời. Nàng từ chối lời cầu hôn của con trai Thái sư đương triều, khiến tên Thái sư nổi giận, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Khi thuyền tới biên giới, nàng ôm tấm hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử và được Phật Bà Quan Âm cứu, đưa nàng dạt vào vườn nhà họ Bùi. Bùi Kiệm muốn ép Kiều Nguyệt Nga lấy hắn nên nàng phải trốn vào rừng, nương náu ở nhà một bà cụ làm nghề dệt vải.

Lục Vân Tiên được tiên cho thuốc, mắt sáng lại, trở về thăm cha và qua thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Chàng lại đi thi, đỗ Trạng nguyên, rồi được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Vân Tiên thắng giặc nhưng bị lạc trong rừng và gặp lại Kiều Nguyệt Nga. Chàng trở về triều, tâu vua hết sự tình. Những kẻ gian ác bị trừng trị; Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được đoàn tụ, hạnh phúc.

Truyện Lục Vân Tiên ca ngợi những con người hiếu thảo, nhân hậu, thủy chung, nghĩa khí; lên án những kẻ bất nhân, phi nghĩa, tráo trở; thể hiện ước mơ của nhân dân về mẫu người anh hùng “cứu khốn, phò nguy” và khát vọng công lí. Tác phẩm cũng kết tinh nhiều thành tựu nghệ thuật; xây dựng được nhiều nhân vật có tính cách rõ nét, sinh động; ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân; kết hợp tính cổ điển, bác học với chất dân gian và đậm đà màu sắc Nam Bộ.

Advertisements (Quảng cáo)

* Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của tác phẩm, từ câu 123 đến câu 180, kể lại sự việc Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga.

b. Bố cục

- Phần 1 (16 câu đầu): Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong Lai.

- Phần 2 (còn lại): Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

c. Thể loại

Thơ lục bát

d. Phương thức biểu đạt

Biểu cảm kết hợp tự sự

2. Giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Giá trị nội dung

Đoạn thơ trích thể hiện khát vọng hành động hành đạo giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình thủy chung.

b. Giá trị nghệ thuật

- Nguyễn Đình Chiểu sáng tác “Truyện Lục Vân Tiên” chủ yếu để kể, truyền miệng nên nhân vật được miêu tả thiên về lời nói, hành động hơn là ngoại hình, diễn biến nội tâm, qua đó nhân vật tự bộc lộ tính cách, phẩm chất.

- Bên cạnh đó là ngôn ngữ bình dị, mộc mạc gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, đậm màu sắc Nam Bộ. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, ít trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại dễ đi sâu vào tâm hồn quần chúng nhân dân.

Sơ đồ tư duy về đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga:

Advertisements (Quảng cáo)