1. Những tình huống nào trong truyện đã bộc lộ thật sâu sắc và xúc động tình cha con của ông Sáu và bé Thu ? Nhận xét về nghệ thuật sáng tạo tình huống của tác giả.
Truyện đã thể hiện tình cha con sâu sắc của ông Sáu và bé Thu trong hai tình huống :
- Cuộc gặp gỡ của hai cha con sau tám năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. Đây là tình huống cơ bản của truyện.
- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và lòng mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái.
Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với con.
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của tác giả (đặc biệt là tình huống thứ nhất) tạo ra sự bất ngờ mà vẫn tự nhiên, hợp lí.
2. Thái độ và hành động của bé Thu đối với ba trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà và lúc ông sắp ra đi rất trái ngược, nhưng vẫn nhất quán trong tính cách của nhân vật. Em hãy thuật lại thái độ, hành động của bé Thu và giải thích sự trái ngược mà vẫn thống nhất đó.
Em thuật lại và chỉ ra sự trái ngược trong thái độ, hành động của bé Thu với cha khi ông Sáu mới về thăm nhà và lúc ông chia tay gia đình để trở lại chiến khu.
Sự trái ngược trong thái độ và hành động của bé Thu lại thể hiện sự nhất quán, rõ ràng trong tình cảm và tính cách của nhân vật. Lúc trước, vì chưa nhận ra và không thừa nhận ông Sáu là cha nên bé Thu xa lánh, lạnh lùng, không gọi "ba”, thậm chí khước từ mọi sự chăm sóc của ông. Đến khi nhận ra và tin ông Sáu là cha thì bé Thu biểu lộ tình cảm với cha một cách hết sức mạnh mẽ, nồng nhiệt, vì đã đến lúc phải chia tay với cha và còn do cả sự hối hận vì những ngày trước đó đã đối xử không đúng với cha.
Advertisements (Quảng cáo)
Qua biểu hiện tâm lí và hành động của bé Thu, tác giả đã làm nổi rõ một số nét tính cách của nhân vật. Tình cảm đó ở em thật sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Ở Thu còn có nét cá tính cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh, nhưng Thu vẫn là một đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ.
3. Chi tiết "chiếc lược ngà” có vai trò như thế nào trong truyện ?
Chi tiết "chiếc lược ngà” (cũng được lấy làm tên truyện) có một ý nghĩa quan trọng trong tác phẩm. "Chiếc lược ngà” đã nối kết hai cha con ông Sáu và bé Thu trong sự xa cách của hai người, và cả sau khi ông Sáu đã hi sinh. Chiếc lược ngà là biểu hiện cụ thể của tình thương yêu, nỗi nhớ mong của ông Sáu với con và nó trở thành kỉ vật thiêng liêng, thành biểu tượng của tình cha con sâu nặng.
4. Em hãy viết lại đoạn truyện kể về cuộc chia tay cuối cùng của cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của một nhân vật khác (ông Sáu hoặc bé Thu).
Em tự viết đoạn văn thuật lại cuộc chia tay lần cuốĩ của hai cha con ông Sáu theo hồi tưởng của một trong hai nhân vật : ông Sáu hoặc bé Thu. Chú ý lời và giọng kể phải thể hiện được những tình cảm đầy xúc động ở mỗi nhân vật. Nếu kể theo lời bé Thu thì nên để nhân vật hồi tưởng lại sự việc ấy sau khi em đã lớn mới có thể kể được rõ ràng một kỉ niệm không thể quên trong thời thơ bé.
5. Câu chuyện của cha con ông Sáu trong truyện gợi cho em cảm nghĩ gì về tình người, nhất là tình cảm gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh ?
Có thể nêu cảm nghĩ của mình một cách tự do, nhưng cần chú ý hai khía cạnh nổi bật trong ý nghĩa của truyện :
- Những éo le, mất mát do chiến tranh gây nên cho con người, cho mỗi gia đình.
- Vượt lên những mất mát đó của chiến tranh (thậm chí cả cái chết) là sức mạnh bền chặt của tình người : tình cha con, tình bạn và tình đồng chí sâu sắc, thắm thiết. Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, trân trọng những tình cảm tự nhiên, đẹp đẽ của con người (như : tình cảm gia đình, tình cha con).