Trang chủ Lớp 9 SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ) Bài Thúy Kiều báo ân báo oán trang 68 SBT Văn 9:...

Bài Thúy Kiều báo ân báo oán trang 68 SBT Văn 9: Phân tích những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 68 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Phân tích những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách Thuý Kiều trong đoạn thơ này. Soạn bài Thúy Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều) SBT Ngữ Văn 9 tập 1

1. Thử lí giải vì sao Nguyễn Du để cho nhân vật Thuý Kiều dùng nhiều từ Hán Việt và vận dụng điển cố khi nói với Thúc Sinh, còn khi nói về Hoạn Thư, nói với Hoạn Thư, nhà thơ lại để cho Kiều dùng nhiều từ thuần Việt và vận dụng những thành ngữ dân gian ?

Khi nói với Thúc Sinh, trong ngôn ngữ của Kiều xuất hiện nhiều từ Hán Việt : nghĩa, tòng, phụ, cố nhân... kết hợp với điển cố Sâm Thương. Lời lẽ của Kiều khi nói với Thúc Sinh là lời lẽ của một "phu nhân” với những khái niệm đạo đức phong kiến như chữ "nghĩa”, chữ "tòng” và "những phong cách biểu hiện ước lệ, công thức "Sâm Thương”, "nghĩa trọng nghìn non” (Đặng Thanh Lê). Cách nói trang trọng này phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc đồng thời diễn tả được tấm lòng biết ơn trân trọng của Kiều.

-   Khi nói về Hoạn Thư, nói với Hoạn Thư, trong ngôn ngữ của Kiều lại xuất hiện nhiều từ thuần Việt và những thành ngữ dân gian : quỷ quái tinh ma ; kẻ cắp, bà già gặp nhau ; kiến bò miệng chén ; càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều... Cách nói hết sức nôm na, bình dị, dễ hiểu này phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp. Hành động trừng phạt cái ác theo quan điểm của nhân dân phải được diễn đạt bằng lời ăn, tiếng nói của nhân dân. "Thuý Kiều nói về Hoạn Thư trên cơ sở một triết lí nhân sinh có tính chất quần chúng ! Đây là triết lí "vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, một quan niệm xử thế rất công bằng để đối xử lại với xã hội đầy áp bức, lừa đảo xưa kia. Người thiếu nữ chỉ quen "Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” một khi bị xô đẩy ra khỏi nhung lụa, cũng sẽ nói năng, cử chỉ như quần chúng”. (Đặng Thanh Lê)

2. Phân tích những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách Thuý Kiều trong đoạn thơ này.

Trong đoạn trích, người đọc đã thấy ở nhân vật Thuý Kiều đa dạng nhưng nhất quán về tính cách.

    Mọi biểu hiện đa dạng, phức tạp trong tính cách của Thuý Kiều đều làm nổi bật lên vẻ đẹp từ tấm lòng vị tha, nhân hậu của nàng.

    Với tấm lòng nhân hậu, Kiều đã trả ơn Thúc Sinh. Chàng Thúc đã đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, cứu nàng thoát khỏi cảnh đời ô nhục, đem đến cho nàng những ngày tháng êm ấm của cuộc sống gia đình. Thế nhưng sự gắn bó với Thúc Sinh đã đưa Kiều vào hoàn cảnh "Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”. Kiều bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư hành hạ. Vậy mà nàng vẫn gọi ơn của Thúc Sinh dành cho nàng là "nghĩa nặng nghìn non”. Không một lời trách Thúc Sinh vì nàng thấu hiểu nỗi đau khổ của mình không phải do chàng gây ra mà thủ phạm chính là Hoạn Thư : "Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân ?”. Với Kiều thì dù có "Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân” cũng chỉ "gọi là” chút lòng đền đáp chứ chưa dễ xứng với ơn nghĩa Thúc Sinh dành cho nàng. Kiều đúng là người nghĩa tình "ơn ai một chút chẳng quên”.

    Cùng với tấm lòng trọng ơn nghĩa, ở Thuý Kiều còn có lòng khoan dung. Không thấy được sự thống nhất giữa tinh thần trọng ơn nghĩa với lòng khoan dung ấy thì khó mà lí giải được những hành động đối lập nhau của Kiều xảy ra cùng một lúc. Qua lời nói, khi mỉa mai "Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây !”, khi thẳng thừng : "Đàn bà dễ có mấy tay - Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan !”,… có thể thấy Kiều đã xác định không lầm "Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Một cuộc báo thù ghê gớm như sắp xảy ra theo đúng quan niệm dân gian : "Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”, "Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”. Vậy mà liền sau đó, nghe Hoạn Thư "liệu điều kêu ca”, Kiều đã thay đổi ngay thái độ : "Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”. Sự thay đổi ấy xuất phát từ tấm lòng khoan dung và sự thấu hiểu lẽ đời của Kiều. Nàng bao dung, thấu hiểu Hoạn Thư mang tâm lí chung của giới nữ : "Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Kiều không cố chấp khi Hoạn Thư đã biết lỗi : "Trót lòng gây việc chông gai”, và xin tha : "Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng” thì Kiều cũng khoan dung độ lượng : "Đã lòng tri quá thì nên”. Kiều đã cư xử theo triết lí dân gian : "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.

3. Qua lời lẽ của Hoạn Thư trong đoạn thơ, em cảm nhận như thế nào về tính cách của nhân vật này ?

Tính cách của Hoạn Thư cũng có những biểu hiện phong phú, đa dạng nhưng tất cả đều nhất quán ở bản chất một con người khôn ngoan, giảo hoạt. Hay nói như Kiều, đây là con người "sâu sắc nước đời” đến "quỷ quái tính ma”.

    Hoạn Thư giảo hoạt trong cách ứng xử. Ban đầu, Hoạn Thư có "hồn lạc phách xiêu”. Nhưng ngay trong hoàn cảnh ấy, Hoạn Thư vẫn kịp "liệu điều kêu ca”.

    Hoạn Thư khôn ngoan trong các lí lẽ để gỡ tội. Con người này "Nói lời ràng buộc thì tay cũng già”. Trước hết Hoạn Thư dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ : "Rằng : Tôi chút phận đàn bà - Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Lí lẽ này đã đưa Kiều và Hoạn Thư từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung "chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ : "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Từ tội nhân, Hoạn Thư đã lập luận để mình trỏ thành nạn nhân của chế độ đa thê. Tiếp đến, Hoạn Thư kể lại "công” đã cho Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn. Từ tội nhân thành nạn nhân rồi thành ân nhân, con người này thật khôn ngoan, giảo hoạt. Cuối cùng Hoạn Thư nhận tất cả tội lỗi về mình, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng khoan dung, độ lượng của Kiều : "Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”... Lớp lang lời tự bào chữa của Hoạn Thư theo ba bước như vậy chứng tỏ Hoạn Thư đúng là người "sâu sắc nước đời”, không những "chàng Thúc phải ra người bó tay” mà chính Kiều cũng ở vào hoàn cảnh khó xử : "Tha ra thì cũng may đời - Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”. Tuy nhiên, Kiều đã vượt qua hoàn cảnh khó xử ấy bằng chính tấm lòng khoan dung, nhân hậu : "Đã lòng tri quá thì nên - Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.

4. Trong đoạn Thuý Kiều báo ân báo oán, tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật nào để khắc hoạ tính cách nhân vật ?

    A - Miêu tả nội tâm

    B - Tả cảnh ngụ tình

    C - Miêu tả ngôn ngữ đối thoại.

Đọc phần Ghi nhớ (Ngữ văn 9, tập một, trang 109) để trả lời.

5. Trong các trích đoạn Truyện Kiều đã học có miêu tả nhân vật như Chị em Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, Thuý Kiều báo ân báo oán, hãy đặt các đoạn trích đó vào ô trống thích hợp trong bảng dưới đây :

Advertisements (Quảng cáo)

Nghệ thuât miêu tả nhân vât

Đoạn trích

Bút pháp hiện thực miêu tả ngoại hình

Bút pháp ước lệ miêu tả ngoại hình

Qua ngôn ngữ đối thoại

Bút pháp tá cảnh ngụ tình, ngôn ngữ độc thoại

Đặt đoạn trích vào ô trống thích hợp

Nghệ thuật miêu tả nhân vât

Đoan trích

Bút pháp hiện thực miêu tả ngoại hình

Mã Giám Sinh mua Kiều

Bút pháp ước lệ miêu tả ngoại hình

Chị em Thuý Kiều

Qua ngôn ngữ đối thoại

Thuý Kiều báo ân báo oán

Bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ độc thoại

Kiều ở lầu Ngưng Bích

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ Văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)