Advertisements (Quảng cáo)
Song song với quá trình xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam liên tục phải cầm vũ khí chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Từ cuối thế kỉ III TCN, nhân dân Lạc Việt và Tây Âu (Âu Việt) đã phải hợp lực chiến đấu lâu dài chống cuộc xâm lược của quân Tần. Tiếp đó, sau thất bại trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Triệu, nhân dân Việt cổ rơi vào cảnh Bắc thuộc và suốt hơn 1000 năm phải nối tiếp nhau nổi dậy chống chế độ đô hộ, giành lại độc lập. Sự nghiệp chiến đấu kiên cường, không mệt mỏi và liên tục đó đã đạt thắng lợi cuối cùng. Thế kỉ X - kỉ nguyên độc lập theo hướng phong kiến hoá bắt đầu.
Năm thế kỉ đầu thời phong kiến cũng là những thế kỉ liên tục nhân dân cùng các vương triều Tiền Lê, Lý, Trần hợp sức, đồng lòng cầm vũ khí chống lại những cuộc xâm lược lớn của nhà Tống, nhà Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Đầu thế kỉ XV, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, quân Minh thiết lập nền đô hộ. Không chấp nhận cảnh mất nước, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đại Việt đã bùng nổ ở miền xuôi và miền núi, cuối cùng, hợp nhất lại trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh bại quân đô hộ, giành lại độc lập cho đất nước, “mở nền thái bình muôn thuở”.
Nguy cơ ngoại xâm tạm thời lắng xuống trong vài thế kỉ. Những cuộc nội chiến của các thế lực phong kiến đã dẫn đến sự chia cắt đất nước làm hai miền. Giai cấp phong kiến thống trị suy thoái dần, đẩy người nông dân đến chỗ nổi dậy đòi cuộc sống, đòi tự do. Vì quyền lợi giai cấp, các tập đoàn thống trị ở Nam, ở Bắc đã “rước voi về giày mồ” và những người nông dân một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của người “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ, đứng lên kháng chiến cứu nước. Quân xâm lược Xiêm và sau đó là quân xâm lược Thanh đã bị đánh bại. Nền độc lập của Tổ quốc được giữ vững.
Công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra hết đời này sang đời khác, đã để lại biết bao kì tích anh hùng, rất đáng tự hào, biết bao truyền thống cao quý, tươi đẹp, mãi mãi khắc sâu vào lòng của những người Việt Nam yêu nước.