Trang chủ Lớp 10 Lịch sử lớp 10 (sách cũ) Phát triển và hoàn chỉnh nhà nước phong kiến ở các thế...

Phát triển và hoàn chỉnh nhà nước phong kiến ở các thế kỉ XI-XV...

Phát triển và hoàn chỉnh nhà nước phong kiến ở các thế kỉ XI-XV. Tổ chức bộ máy nhà nước.

1.Tổ chức bộ máy nhà nước

Đất nước dần dần ổn định. Năm 1009, nhà Lý được thành lập. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội), mở ra một giai đoạn phát triển mới. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông quyết định đổi tên nước là Đại Việt.

Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV, trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, chính quyền trung ương được tổ chức ngày càng chặt chẽ. Vua (Hoàng đế) đứng đầu nhà nước, quyết định mọi việc quan trọng. Quyền hành của vua ngày càng cao. Ở thời Lý, Trần, Hồ, giúp vua trị nước có Tể tướng và một số đại thần. Bên dưới là các cơ quan trung ương như sảnh, viện, đài.

Cả nước được chia thành nhiều lộ, trấn, do các hoàng tử (thời Lý) hay An phú sứ (thời Trần, Hồ) cai quản. Dưới lộ, trấn là các phủ, huyện, châu, đều có quan lại của triều đinh trông coi. Đơn vị hành chính cơ sở là xã. Thời Trần, những người đứng đầu xã được gọi là Xã quan.

Năm 1428, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Lê. khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Nhà nước quân chủ mới được tổ chức theo mô hình thời Trần, Hồ.

Từ những năm 60 của thế kỉ XV, khi đất nước đã cường thịnh, vua Lê Thánh Tông tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Ở Trung ương, chức Tế tướng và các chức Đại hành khiển bị bãi bỏ. Vua trực tiếp quyết định mọi việc. Bên dưới là 6 bộ. Các cơ quan như Ngự sử đài, Hàn lâm viện được duy trì với quyền hành cao hơn. Cả nước được chia thành 13 đạo thừa tuyên. Mỗi đạo đều có 3 ti trông coi các mặt dân sự, quân sự, an ninh. Dưới đạo là các phủ. huyện, châu như cũ. Người đứng đầu xã là Xã trưởng, do dân bầu.

Ở thời Lý, Trần, phần lớn các quan chức cao cấp là quý tộc vương hầu hoặc con em quan lại cao cấp. Khi giáo dục phát triển, nhà nước bắt đầu đưa những người đỗ đạt vào làm quan. Thời Lê, giáo dục thi cử trở thành nguồn đào tạo và tuyển chọn quan lại chủ yếu.

Vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504) đã viết : “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng mở thì chân nho mới có”.

(Lịch triều hiến chương loại)

Quý tộc, quan lại được ban phẩm hàm, cấp lương bổng và ruộng đất.

2.Luật pháp và quân đội

Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Thời Trần, nhà nước có bộ Hình luật. Thời Lê, một bộ luật đầy đủ được ban hành với tên gọi Quốc triều hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức), gồm hơn 700 điều, quy định khá đầy đủ các tội danh và hình phạt liên quan đến hầu hết các hoạt động xã hội, bảo vệ quyền hành của giai cấp thống trị, một số quyền lợi chân chính của nhân dân và an ninh đất nước.

Advertisements (Quảng cáo)

Một số điều trong bộ luật :

-   Khi xa giá vua đi qua mà xông vào hàng người đi theo thì xử tội đồ, nếu xông vào đội cận vệ thì xử chém. Lầm lỡ thì giảm một bậc.

-    Bán ruộng đất ở biên cương cho người ngoại quốc thì xử chém.

-   Đào trộm đê đập làm thiệt hại nhà cửa, lúa má thì xử đồ, lưu, bắt đền tổn hại.

Quân đội sớm được tổ chức quy củ, gồm hai bộ phận : quân bảo vệ nhà vua và kinh thành (cấm quân) và quân chính quy, bảo vệ đất nước (ngoại binh hay lộ binh), được tuyển theo chế độ “ngụ binh ư nông”. Quân đội được trang bị vũ khí đầy đủ ; thời Hồ, thời Lê đã có một vài loại súng. Thời Trần, khi có chiến tranh, nhà nước cho phép các vương hầu được mộ quân tham gia đánh giặc. Nhân dân các làng cũng được phép tổ chức dân binh.

3.Hoạt động đối nội và đối ngoại

Vấn đề bảo vệ an ninh đất nước được các triều đại đương thời rất coi trọng. Nhân dân tuy phải làm đầy đủ nghĩa vụ đi lính, lao dịch, nộp thuế, chăm lo bảo vệ đê điều nhưng được nhà nước coi trọng và quan tâm đến đời sống.

Các triều đại phong kiến đều có chính sách đoàn kết với các dân tộc ít người, nhất là với các tù trưởng ở vùng biên giới. Những lúc có ngoại xâm, nhà nước đều huy động hoặc khuyến khích họ tham gia kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tuy nhiên, nhà nước phong kiến cũng rất nghiêm khắc đối với những tù trưởng dân tộc ít người có hành động phản loạn hoặc muốn tách ra khỏi cộng đồng.

Trong quan hệ đối ngoại, chủ yếu đối với các triều đại phương Bắc, các triều đại phong kiến Đại Việt thực hiện đầy đủ lệ triều cống nhưng luôn giữ vững tư thế của một quốc gia độc lập, tự chủ. Khi bị xâm lược, nhà nước và nhân dân sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, nhưng khi chiến tranh kết thúc, quan hệ hoà hiếu lại được thiết lập trên tinh thần mỗi bên “đều chủ một phương”.

Đối với các nước láng giềng ở phía tây và phía nam như Lan Xang, Cham-pa. Chân Lạp,  nhà nước Đại Việt luôn giữ quan hệ thân thiện, mặc dù đôi lúc xảy ra chiến tranh.

Trong các thế kỉ X - XV, quốc gia Cham-pa không còn ổn định như trước. Các vương triều thay thế nhau, tiếp tục duy trì quyền thống trị nhưng có lúc chịu sự khống chế của Chân Lạp hoặc có lúc đem quân đánh lên Đại Việt. Cuối thế kỉ XV, nhà nước Cham-pa suy sụp.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Lịch sử lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)