Advertisements (Quảng cáo)
Những cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra từ đầu thế kỉ XIX và tiếp tục phát triển rầm rộ ở khắp nước cho đến giữa thế kỉ XIX. Sử cũ ghi lại có hơn 400 cuộc khởi nghĩa như vậy.
Tiêu biểu và rộng lớn nhất trong phong trào nông dân là các cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành và do Cao Bá Quát lãnh đạo.
Khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo nổ ra vào năm 1821 ờ Sơn Nam hạ (Nam Định, Thái Bình...) mở rộng hoạt động ra các trấn Hải Dương, An Quảng. Nông dân tham gia đông đảo. Dân gian có câu :
Trên trời có ông sao Tua, ở làng Minh Giám có vua Ba Vành.
Triều đình đã huy động một lực lượng quân sự lớn tấn công đàn áp trong nhiều năm và đến năm 1827, cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên. Làng Trà Lũ (Nam Định) bị phá trụi, 7000 - 8000 người bị bắt.
Cuộc khởi nghĩa do Cao Bá Quát lãnh đạo bùng lên ở vùng Ứng Hoà (Hà Tây) năm 1854, mở rộng hoạt động ra các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, nhưng do chưa chuẩn bị đủ lực lượng nên năm 1855 đã bị triều đình đàn áp.
Trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghĩa theo lệnh của triều đình Nguyễn, nhiều binh sĩ bất bình, đã có lúc chống đối. Năm 1833, ở Phiên An (Gia Định) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính do Lê Văn Khôi lãnh đạo. Được sự hưởng ứng của binh lính và nông dân nhiều nơi, nghĩa quân đã có lúc làm chủ cả các tỉnh thuộc Nam Bộ ngày nay, nhưng đến năm 1835 thì bị đàn áp.