Khoảng 1500 năm trước Công nguyên, vùng sông Hằng ở Đông Bắc có điều kiện thuận lợi , mưa thuận gió hoà nên đã tiến bộ vượt lên, có vai trò nổi trội trên cả miền Bắc Ấn Độ.
Từ các bộ lạc trồng lúa và chăn nuôi trên bờ sông Hằng, bắt đầu hình thành một số nhà nước đầu tiên, đúng đầu là các tiểu vương, thường xuyên phát triển kinh tế, xây dựng đất nước lớn mạnh và tranh giành ảnh hưởng với nhau.
Đến khoảng 500 năm trước Công nguyên, nước Ma-ga-đa lớn mạnh hơn cả, được nhiều nước khác tôn phục.
Người Hi Lạp đã từng đến thăm kinh đô của Ma-ga-đa là Pa-ta-li-pu-tra, kể lại : có phố dài 2 km, trên bến dưới thuyền, dọc hữu ngạn sông Hằng. Vua mở đầu nước này, Bim-bi-sa-ra, được coi là cùng thời và là bạn của Phật tổ.
Advertisements (Quảng cáo)
Trải qua hơn 10 đời vua, đến thế kỉ III TCN, xuất hiện ông vua kiệt xuất nhất của nước này và nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Ấn Độ — vua A-sô-ca.
A-sô-ca xây dựng đất nước hùng cường, rồi đem quân đi đánh các nước nhỏ, nhằm mục đích phát triển, thâu tóm quyền lực và thống nhất Ấn Độ. Sau khi đánh thắng nhiều đối thủ, ông đã thống nhất được gần hết bán đảo Ấn Độ, chỉ trừ một vùng đất ở cực Nam xa xôi (sau là nước Pan-đy-a).
Chán cảnh binh đao, tàn sát, ông trở về một lòng theo đạo Phật và tạo điều kiện để Phật giáo truyền bá rộng khắp đất nước Ấn Độ. Ở nhiều nơi, ông còn cho dựng nhiều cột đá, khắc chữ, gọi là “chỉ dụ A-sô-ca” nói về lòng sùng tín của mình và việc cai quản đất nước.
A-sô-ca qua đời cuối thế kỉ III TCN. Ấn Độ bước vào một thời kì chia rẽ, khủng hoảng kéo dài mấy thế kỉ cho đến đầu Công nguyên.