Đầu thập niên 70 của thế kỉ XIX, nền công nghiệp Anh vẫn đứng đầu thế giới. Sản lượng than của Anh gấp 3 lần Mĩ và Đức ; sản lượng gang gấp 4 lần Mĩ và gần 5 lần Đức. về xuất khẩu kim loại, sản lượng của ba nước : Pháp, Đức, Mĩ gộp lại cũng không bằng Anh.
Từ cuối thập niên 70, Anh mất dần địa vị độc quyền công nghiệp, do vậy, vai trò lũng đoạn thị trường thế giới bị giảm sút. Mĩ và Đức là những nước tư bản phát triển sau nhưng lại vượt Anh.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng suy giảm của công nghiệp Anh so với Đức, Mĩ là do ở Anh máy móc đã xuất hiện sớm hơn các nước khác hàng mấy chục năm, nhiều thiết bị cũ kĩ được tích lại và việc hiện đại hoá rất tốn kém. Tình trạng đó gắn liền với sự tồn tại của một đế quốc thuộc địa to lớn. Một số lớn tư bản được đầu tư vào thuộc địa, vì ở đây thu được nhiều lợi nhuận hơn đầu tư ở trong nước. Khi ấy, cướp đoạt thuộc địa có lợi hơn nhiều so với đầu tư cải tạo công nghiệp ở Anh.
Advertisements (Quảng cáo)
Tuy vai trò bá chủ thế giới về công nghiệp bị giảm sút, Anh vẫn chiếm ưu thế về tài chính, xuất khẩu tư bản, thương mại, hải quân và thuộc địa.
Trong thời kì này, nhiều công ty độc quyền xuất hiện ở hầu hết các ngành công nghiệp : khai thác than, dệt, thuốc lá, hoá chất, luyện kim, vận tải và đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), 12 nhà ngân hàng lớn nhất ở Anh, mà nòng cốt là 5 ngân hàng ở khu Xi-ti Luân Đôn, đã nắm 70% số tư bản trong cả nước và chiếm địa vị chỉ huy về kinh tế, tài chính.
Nền nông nghiệp Anh cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vào cuối thế kỉ XIX, giá lúa mì nhập từ châu Âu và Mĩ rất rẻ trong khi giá lương thực sản xuất trong nước lại rất cao do chế độ thuế khoá. Vì thế, giai cấp tư sản Anh lao vào buôn bán lương thực hơn là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm 60 của thế kỉ XIX, nước Anh tự cấp được 3/4 số lúa mì mỗi năm ; từ thập niên 70 trở đi, giảm xuống còn 1/3, nghĩa là lương thực của Anh chỉ tự túc được 4 tháng.